Hiệu quả hoạt động của Trung tâm văn hóa - Học tập cộng đồng xã

Cập nhật ngày: 12/11/2012 13:49:48

Huyện Cao Lãnh, huyện Hồng Ngự là 2 địa phương phát huy được thế mạnh của các Trung tâm văn hóa - Học tập cộng đồng (TTVH-HTCĐ) sau thời gian hoạt động.


Sinh hoạt câu lạc bộ tại TTVH-HTCĐ xã

Tháng 4/2012, UBND tỉnh Đồng Tháp ban hành Đề án thành lập TTVH-TTCĐ cấp xã. Đây là nơi để các hội, đoàn thể tuyên truyền phổ biến đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật Nhà nước; tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao, vui chơi giải trí; tập huấn, đào tạo các lớp dạy nghề nông thôn; nâng cao dân trí, thu hút và tạo điều kiện thuận lợi cho các tầng lớp nhân dân tham gia. Sau thời gian triển khai thực hiện, các TTVH-HTCĐ đã trở thành điểm đến quen thuộc của người dân địa phương.

Hiện toàn huyện Hồng Ngự có 11 TTVH-HTCĐ tại 11 xã. Theo đánh giá của Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Hồng Ngự, các TTVH-HTCĐ xã đều có nội dung sinh hoạt phong phú, đa dạng, xuất phát từ chính nhu cầu của người lao động. Từ đầu năm 2012 đến nay, các TTVH-HTCĐ xã đã mở 319 lớp (trong đó có 6 lớp phổ cập giáo dục THCS với 107 học viên), sinh hoạt các chuyên đề về kỹ thuật, nông nghiệp, hướng nghiệp, học nghề ngắn hạn, dài hạn, văn nghệ, thể thao, phòng chống dịch bệnh...

Trong đó TTVH-HTCĐ 3 xã biên giới huyện (Thường Phước 1, Thường Thới Hậu A, Thường Thới Hậu B) mở được 67 lớp (gồm học Nghị quyết, khoa học kỹ thuật, y tế, giáo dục, văn hóa xã hội, văn nghệ, thể thao) với hơn 5.000 lượt người học. Qua đó, góp phần giúp người dân địa phương tiếp cận với những tiến bộ khoa học kỹ thuật, có tay nghề nông thôn, tạo việc làm trong thời gian nhàn rỗi.

Để các TTVH-HTCĐ phát triển, trong thời gian tới, ngành giáo dục và đào tạo huyện sẽ tiếp tục tham mưu các đơn vị liên quan tận dụng cơ sở vật chất của UBND xã hiện có để thực hiện các hoạt động theo kế hoạch; tiếp tục huy động nguồn đóng góp của người dân, doanh nghiệp theo phương thức xã hội hóa, xây dựng thư viện trang bị các loại sách, báo, tạp chí phục vụ cho nhu cầu đọc của người dân, trang bị máy tính nối mạng Internet...

Huyện Cao Lãnh cũng là một trong những địa phương phát huy được thế mạnh của các TTVH-HTCĐ. Toàn huyện hiện có 17 TTVH-HTCĐ xã và 1 Trung tâm ở thị trấn Mỹ Thọ (trong đó có 12/18 TTVH-HTCĐ có trụ sở riêng, còn lại 6 Trung tâm mượn tạm hội trường của UBND các xã, thị trấn). Trong năm 2012, TTVH-HTCĐ các xã Gáo Giồng, Nhị Mỹ, Phương Thịnh liên kết với Trung tâm giáo dục thường xuyên huyện, Trung tâm dạy nghề huyện, các tổ chức hội trong và ngoài tỉnh tổ chức sinh hoạt nhiều mô hình mới như: mô hình cánh đồng hiện đại, cùng nông dân ra đồng, mở lớp làm nấm rơm, đan lục bình, đan ghế nhựa, may bóng xuất khẩu, nuôi tôm càng xanh, lớp đan chiếu cói.

Để các TTVH-HTCĐ hoạt động, mỗi năm có hơn 100 triệu đồng được hỗ trợ cho 18 trung tâm. Để tiếp tục mở rộng quy mô hoạt động của TTVH-HTCĐ, tháng 11/2012, UBND huyện Cao Lãnh đã xây dựng kế hoạch thực hiện Đề án thành lập TTVH-HTCĐ các xã giai đoạn 2012-2015. Theo đó, huyện sẽ đầu tư cơ sở vật chất trang thiết bị cho TTVH-HTCĐ 4 xã điểm nông thôn mới theo lộ trình năm 2012 cho xã Bình Thạnh, Mỹ Thọ; năm 2013 xã Tân Nghĩa; năm 2014 xã Gáo Giồng. Với quy mô diện tích tối thiểu 2.500m2 (gồm diện tích đất dành cho khu hoạt động trong nhà, ngoài trời), từ các nguồn kinh phí Trung ương, địa phương, xã hội hóa.

C.P

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn