Thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững
Cập nhật ngày: 19/06/2024 12:05:21
ĐTO - Tại huyện Cao Lãnh, công tác giảm nghèo được cấp ủy Đảng, chính quyền, ban, ngành, tổ chức chính trị - xã hội huyện quan tâm thực hiện đồng bộ, mang lại hiệu quả tích cực. Qua đó, tạo điều kiện cho các hộ nghèo, cận nghèo, mới thoát nghèo tiếp cận được nguồn vốn, mô hình sản xuất nông nghiệp, tạo việc làm, góp phần nâng cao đời sống người dân.
Học sinh Trường THPT Cao Lãnh 1, huyện Cao Lãnh tham dự tư vấn học nghề, việc làm tại trường
Thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025, trên cơ sở các văn bản của Trung ương, UBND tỉnh, UBND huyện Cao Lãnh ban hành văn bản chỉ đạo về thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững; chỉ đạo cơ quan chuyên môn chủ trì, phối hợp với đơn vị liên quan triển khai thực hiện các nội dung của chương trình. Tại 18 xã, thị trấn, các ngành liên quan phối hợp với UBND xã, thị trấn xây dựng kế hoạch, tổ chức đối thoại với hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo. Tại các buổi tiếp xúc, đối thoại với hộ nghèo, cận nghèo, đại diện Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội, UBND các xã, thị trấn tìm hiểu nguyên nhân, phân loại hộ nghèo, từ đó, xây dựng các chương trình, kế hoạch, đề án, hỗ trợ, giúp đỡ hộ nghèo vay vốn, học nghề, việc làm và tư vấn đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng.
Góp phần thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững, từ năm 2021, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam huyện Cao Lãnh triển khai, thực hiện hiệu quả phong trào “Cả nước chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau”, “Tết vì người nghèo”. Huyện đoàn tuyên truyền, hỗ trợ, hướng dẫn đoàn viên, hội viên giúp nhau làm kinh tế, duy trì nhân rộng mô hình “Tổ tư vấn giới thiệu việc làm”, Câu lạc bộ “Thanh niên làm kinh tế”; mô hình “2 thanh niên thuộc hộ khá hỗ trợ 1 thanh niên thuộc hộ nghèo”; đồng hành cùng thanh niên tham gia đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng. Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện thực hiện mô hình “3 hộ khá, giàu giúp 1 hộ nghèo”, mỗi cơ sở Hội giúp 1 hộ nghèo với hình thức giúp vốn, kiến thức, con giống, cây giống, giới thiệu học nghề, việc làm; duy trì mô hình liên kết trong sản xuất nông nghiệp như: trồng lúa, xoài, chanh, cam; nuôi ếch. Hội Cựu chiến binh huyện vận động hội viên, Cựu quân nhân tuyên truyền, thông tin đến con em, người thân tham gia lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng.
Trong lĩnh vực nông nghiệp, thông qua Tiểu dự án 1 và Dự án 3 hỗ trợ phát triển sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp, các ngành liên quan đã triển khai nguồn vốn từ ngân sách Trung ương, ngân sách địa phương, huy động các nguồn khác cùng thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững. Nổi bật có các mô hình, dự án mang lại hiệu quả cao như: chăn nuôi bò vỗ béo (xã Phong Mỹ); nuôi ếch trong vèo theo hướng an toàn (xã Bình Hàng Tây); trồng ớt theo hướng an toàn (xã Phương Thịnh). Đối với dự án phát triển giáo dục nghề nghiệp, việc làm bền vững, năm 2023, Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp mở 23 lớp đào tạo nghề nông thôn cho 456 học viên. Từ đầu năm 2024 đến nay, đã mở 13 lớp với 287 học viên, đạt 32,5% kế hoạch. Hoạt động học nghề được phối hợp, thực hiện chặt chẽ thông qua công tác khảo sát nhu cầu học nghề của người lao động tại địa phương để đào tạo nghề. Sau khi hoàn thành chương trình học nghề, học viên được giới thiệu việc làm, nhận gia công sản phẩm từ các nghề được học với nguồn thu nhập từ 2,5 triệu đồng đến 3,5 triệu đồng/tháng trong thời gian nhàn rỗi.
Bên cạnh đó, UBND huyện Cao Lãnh, phối hợp Trung tâm Dịch vụ việc làm tổ chức các buổi tư vấn nghề, giới thiệu việc làm trong, ngoài tỉnh cho học sinh, sinh viên đã tốt nghiệp, người dân có nhu cầu tìm việc làm trong, ngoài tỉnh, ở nước ngoài. Đồng thời tiến hành ký kết các thỏa thuận hợp tác tạo việc làm cho lao động thời vụ, tuyển dụng lao động làm việc tại các công ty trong huyện, trong tỉnh, ngoài tỉnh. Qua đó, giúp nhiều người lao động tại huyện Cao Lãnh tìm được việc làm, thu nhập cao tại các nước: Nhật Bản, Hàn Quốc... Định kỳ vào ngày 12 mỗi tháng, Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội, Phòng Giáo dục và Đào tạo, Huyện đoàn, Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện phối hợp đưa lao động đến TP Cao Lãnh tham dự phiên Giao dịch việc làm. Bên cạnh đó, mỗi năm, các ngành liên quan phối hợp UBND các xã, thị trấn tổ chức các lớp tập huấn về kỹ thuật trồng cây ăn trái, nuôi cá, ếch. Các tổ chức chính trị - xã hội huyện phối hợp cùng các đơn vị liên quan xem xét, khảo sát nhu cầu cần vốn vay của các hội viên, thành viên, tạo điều kiện giúp đỡ hội viên, thành viên tiếp cận sớm với các nguồn vốn, sửa chữa, xây dựng nhà ở, nhà vệ sinh, học nghề, tạo việc làm, nâng cao thu nhập.
P.L