Tình trạng “vỡ nợ” và các kiểu lừa đảo mới gia tăng
Cập nhật ngày: 22/08/2012 05:49:12
Thời gian qua, trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp xảy ra tình trạng các doanh nghiệp, cá nhân bị “vỡ nợ” và phá sản gây hoang mang dư luận. Đồng hành với tình trạng này là hoạt động “tín dụng đen”, các kiểu lừa đảo của nhân viên ngân hàng và lừa đảo qua mạng Internet có chiều hướng diễn biến phức tạp. Chỉ tính 6 tháng đầu năm 2012, các đơn vị điều tra thuộc Công an tỉnh đã khởi tố điều tra 17 vụ - 25 đối tượng với tổng thiệt hại gần 150 tỷ đồng và đang tiếp tục củng cố để khởi tố 5 vụ gây thiệt hại khoảng 40 tỷ đồng.
Theo thống kê sơ bộ, trên toàn tỉnh có hơn 10 doanh nghiệp có dấu hiệu hoạt động thua lỗ, cầm chừng, vỡ nợ với số tiền lên đến hàng trăm tỷ đồng. Số lượng doanh nghiệp mới thành lập và số doanh nghiệp giải thể, tạm ngừng hoạt động, bỏ địa chỉ kinh doanh đang có độ chênh lệch gần tương đương. Tình hình doanh nghiệp nợ thuế ngày càng nhiều, trong đó, nợ khó thu có thời điểm chiếm 70% tổng nợ thuế. Một số ngân hàng rất “dè dặt” đối với những phương án, dự án vay có tính rủi ro cao. “Nợ xấu” của cá nhân và doanh nghiệp tại các tổ chức tín dụng đang có chiều hướng tăng với gần 300 tỷ đồng, trong đó có tổ chức tín dụng “nợ xấu” tăng đột biến (80%). Trong khi đó, “tín dụng đen” là hình thức cho vay lãi cao nhưng vẫn được một số doanh nghiệp và cá nhân chọn lựa trong thời điểm khẩn cấp khi xoay vòng thanh toán thu chi. Điển hình như qua điều tra xác minh hoạt động kinh doanh gạo của Cty TNHH Đức Lợi do Phan Thanh Liêm làm giám đốc từ năm 2005 đến năm 2010, do mất khả năng thanh toán và không cân đối được nên đã thực hiện hành vi gian dối trong việc ký kết các hợp đồng cung ứng gạo và tạm ứng tiền, đồng thời dùng thủ đoạn tạm ứng tiền của hợp đồng sau mua hàng giao trả cho các hợp đồng đã lỗ trước đó nhằm tạo uy tín giả để tiếp tục ký nhiều hợp đồng hơn, sau đó chiếm đoạt tiền tạm ứng sử dụng vào mục đích khác, mất khả năng giao hàng cho hợp đồng đã ký. Thiệt hại bước đầu xác định trên 33 tỷ đồng.
Gần đây, Cơ quan Cảnh sát điều tra đã tiến hành khởi tố, bắt tạm giam một số cán bộ ngân hàng cố tình làm trái qui định để chiếm đoạt tài sản trái phép. Điển hình như vụ Nguyễn Tấn Bửu (Sinh năm 1977) ngụ ấp Long Thạnh, xã Long Thuận, huyện Hồng Ngự - nhân viên Phòng giao dịch huyện Hồng Ngự thuộc Chi nhánh Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thị xã Hồng Ngự bị khởi tố tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, “Tham ô tài sản”, “Lạm dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản” gây thiệt hại trên 6 tỷ đồng.
Ngoài ra, từ đầu năm 2012 đến nay, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh đã tiến hành bắt, khám xét khẩn cấp 3 đối tượng liên quan đến việc quảng bá, lôi kéo, lừa đảo bán tiền ảo lấy tiền thật của những người tham gia sản phẩm trên mạng Internet thông qua Công ty Cổ phần Thương mại Diamondholiday (địa chỉ trụ sở tại Quận Long Biên - Thành phố Hà Nội). Ở Đồng Tháp bước đầu có khoảng 300 người tham gia với 700 mã số ID, thiệt hại trên 260.000 USD.
Trước tình hình trên, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh dự báo việc lừa đảo có chiều hướng diễn ra với nhiều góc độ khác nhau: giữa cá nhân với cá nhân, giữa cá nhân với doanh nghiệp, giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp, thủ đoạn chủ yếu vay với lãi suất cao, vay người sau trả nợ cho người trước, ứng tiền hàng của doanh nghiệp sau giao cho doanh nghiệp trước... Có nhiều nguyên nhân được các cơ quan chức năng đưa ra như: do suy thoái kinh tế, chính sách thắt chặt tiền tệ, doanh nghiệp gặp một số khó khăn, quan hệ giao dịch của doanh nghiệp trước đây có dấu hiệu xấu nay tiếp tục bùng nổ... Những vấn đề tín dụng đen, nợ xấu, nợ ngân hàng, nợ thuế của các doanh nghiệp, nguy cơ thua lỗ, vỡ nợ của doanh nghiệp có mối quan hệ tác động lẫn nhau là nguyên nhân trực tiếp hoặc gián tiếp dẫn đến lừa đảo, lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, không loại trừ khả năng cán bộ ngân hàng sai phạm và không loại trừ khả năng xảy ra tình huống đòi nợ thuê, xiết nợ thuê theo kiểu “xã hội đen” làm ảnh hưởng đến trật tự xã hội ở địa phương.
Để chủ động ngăn chặn tình trạng này, Giám đốc Công an tỉnh chỉ đạo Công an các đơn vị, địa phương tổ chức nắm tình hình đối với các doanh nghiệp hiện nay về nợ thuế, nợ xấu ngân hàng với số lượng lớn đang hoạt động cầm chừng, nợ lẫn nhau giữa các đối tác có nguy cơ dẫn đến vỡ nợ... để đề xuất các giải pháp nhằm ngăn chặn không để kéo dài, gây hậu quả nghiêm trọng, dẫn đến lừa đảo, lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản gây mất an ninh, trật tự tại địa phương, gây bức xúc dư luận; kịp thời phát hiện xử lý những cán bộ thoái hóa, biến chất, sách nhiễu có biểu hiện câu móc hoặc bị tội phạm bên ngoài mua chuộc gây thiệt hại cho các đơn vị, doanh nghiệp; đồng thời, tiếp nhận những tin báo tố giác tội phạm của nhân dân phục vụ cho công tác phòng ngừa và đấu tranh chống các loại tội phạm này ở địa phương.
Lê Hiếu