Đại biểu Phạm Văn Hòa góp ý dự án Luật và dự thảo Nghị quyết

Cập nhật ngày: 25/05/2020 16:03:57

ĐTO - Ngày 25/5, tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV thảo luận về một số nội dung của dự án Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án; Dự thảo Nghị quyết về miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp. Tham dự tại điểm cầu Đồng Tháp có Bí thư Tỉnh uỷ - Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh Đồng Tháp Lê Minh Hoan, cùng các ĐBQH đơn vị tỉnh Đồng Tháp.


Đại biểu Phạm Văn Hòa tham gia thảo luận trực tuyến từ điểm cầu Đồng Tháp

Đóng góp ý kiến dự án Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án, Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Phạm Văn Hòa thống nhất với dự thảo Luật về phạm vi hòa giải, đối thoại tại tòa. Theo ông Hòa, Luật này góp phần giải quyết nhanh chóng, hiệu quả các tranh chấp, khiếu kiện trên cơ sở tôn trọng quyền tự định đoạt của cơ quan, tổ chức, cá nhân.

Tuy nhiên, ông Hòa đề nghị cân nhắc việc không thu phí hoà giải đối thoại (Điều 9) và đề nghị xem xét những trường hợp vụ việc dân sự có giá trị hàng hoá hoặc tiền từ 100 triệu đồng trở lên nên có thu một khoản phí để bù đắp chi phí cho công tác hoà giải đối thoại. Bởi vì, có những vụ không chỉ hoà giải, đối thoại 1 lần mà có thể nhiều lần, chi phí cho hoà giải viên, chi phí cho mỗi lần hoà giải tại các Toà án trong cả nước, ngân sách Nhà nước phải bỏ ra số tiền tương đối lớn, do đó nên thu phí để bù đắp.

Về tiêu chuẩn hoà giải viên, ngoài các chức danh được ghi trong dự án Luật, đề nghị các chức danh luật sư, chuyên gia, nhà chuyên môn khác chỉ cần có 5 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực công tác là được thay vì 10 năm. Nếu quy định chuẩn như dự thảo thì chỉ có những chức danh quy định trong Luật mới làm hoà giải viên, các chức danh khác rất khó được công nhận hoà giải viên. Ông Phạm Văn Hòa cũng thống nhất nhiệm kỳ hoà giải viên là 3 năm, đồng thời đề nghị xem xét xử lý vi phạm của hoà giải viên bằng hình thức xử lý hành chính nếu hoà giải viên vi phạm.

Về thủ tục ra quyết định công nhận kết quả hoà giải thành, đối thoại thành (Điều 32), ông Hòa cho rằng, Thẩm phán phụ trách hoà giải đối thoại ra quyết định công nhận kết quả hoà giải đối thoại thành mà không cần thiết phải mở phiên họp; thời gian để Thẩm phán ký quyết định công nhận nên rút ngắn lại 10 ngày thay vì 15 ngày. Việc ra quyết định công nhận kết quả hoà giải, đối thoại thành (Điều 32) là cần thiết nhằm đảm bảo tính pháp lý.

Đối với Tờ trình dự thảo Nghị quyết miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp, ông Phạm Văn Hòa thống nhất cao với tờ trình của Chính phủ về thời hạn được miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp đến năm 2025, sau năm 2025 Chính phủ có tổng kết, Quốc hội sẽ cho chủ trương tiếp. Tuy nhiên, ông Hòa cho rằng cần xem xét các trường hợp cá nhân, hộ gia đình mua đất nông nghiệp không trực tiếp sản xuất mà để cho chủ cũ sản xuất, khi nhà nước đền bù có hỗ trợ thì lại xảy ra tranh chấp giữa chủ cũ và mới, thậm chí có nơi không hỗ trợ cho ai.

Đối với tổ chức được nhà nước giao đất mà không trực tiếp sử dụng để đất hoang hoá hoặc giao cho tổ chức, cá nhân khác nhận thầu để sản xuất nông nghiệp thì thực hiện thu hồi đất theo quy định Luật Đất đai. Trong thời gian chưa thu hồi phải nộp 100% thuế sử dụng đất nông nghiệp và phạt theo Luật thuế, chứ không để cho tổ chức được thuê, không sản xuất mà cho thuê lại để hưởng chênh lệch.

  K.N

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn