Bước ra từ đồng

Kỳ 1: Chiến lược thay đổi tư duy

Cập nhật ngày: 28/02/2020 19:16:37

http://baodongthap.com.vn/database/video/20200229050009ky-1.mp4

ĐTO - Những năm qua, Tỉnh ủy, Hội đồng Nhân dân, UBND tỉnh, các ban, ngành liên quan luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo công tác nghiên cứu, tổng kết thực tiễn các chủ trương, nghị quyết của Đảng. Trong đó, chú trọng những quan điểm, tư duy đổi mới về nhận thức, thực hiện các chủ trương đề án trọng tâm của tỉnh như Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp tỉnh gắn với xây dựng nông thôn mới, đi vào chiều sâu, đảm bảo, nâng cao đời sống người dân. Với sự nỗ lực, đổi mới, sáng tạo của cả hệ thống chính trị, kinh tế Đồng Tháp chuyển dịch theo hướng tích cực, nâng cao chất lượng, hiệu quả sản xuất. Để hiểu rõ hơn về quy luật, cơ hội, tiềm năng phát triển mang tính đột phá, thúc đẩy sự tăng trưởng trên các lĩnh vực, phóng viên Báo Đồng Tháp có cuộc trao đổi với đồng chí (Đ/c) Lê Minh Hoan - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp về vấn đề này.   

Phóng viên (P.V) : Với cương vị là Bí thư Tỉnh ủy, Đ/c trăn trở nhất điều gì đối với tư duy và cách làm nông nghiệp của nông dân hiện nay?

Đ/c Lê Minh Hoan (L.M.H):

Trước đây, người nông dân có tư tưởng muốn tăng sản lượng thì phải sản xuất tăng vụ, từ 1 đến 2 rồi 3 vụ. Đối với vườn cây ăn trái, họ tìm cách để cây sai quả hay các giải pháp tăng trọng ứng dụng trong chăn nuôi... Bây giờ xu thế thị trường đã thay đổi. Con người khá giả, đầy đủ hơn, nhu cầu đời sống của họ cũng cao hơn. Họ muốn ăn ngon hơn, thức ăn phải đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, không gây hại sức khỏe... Nói thế để thấy dòng thay đổi của thị trường, nhưng người nông dân không nhìn thấy được, không bắt nhịp với sự phát triển đó.

Điều này dẫn đến sự hụt hẫng đối với nhiều nông dân. Trước đây họ nghĩ sản xuất với sản lượng lớn thì lợi nhuận nhiều. Nhưng giờ đây, suy nghĩ đó không còn phù hợp. Hiện nay, với tư duy sản xuất mới, nếu người nông dân có thể sản xuất với sản lượng ít, nhưng đáp ứng một phân khúc nào đó của thị trường và biết cách chế biến, bảo quản hay làm đa dạng sản mình của mình làm ra... Đó gọi là tư duy kinh tế. Nếu tư duy sản xuất lấy sản lượng làm mục tiêu phấn đấu, thì tư duy kinh tế với giá trị gia tăng của nông sản làm mục tiêu phấn đấu.

P.V: Thưa Đ/c như vậy chúng ta nhất quán vấn đề đổi mới tư duy về nhận thức, đưa kinh tế nông nghiệp phát triển theo chiều sâu là định hướng và liên kết giúp nông dân, tiếp sức chứ không phải là giải cứu?

Đ/c L.M.H: Tư duy kinh tế nằm ở chổ lấy doanh thu trừ chi phí bỏ ra, phần còn lại gọi là lợi nhuận. Do đó, người nông dân luôn nghĩ khi giá bán cao, lợi nhuận thu về sẽ nhiều. Tuy nhiên, chúng ta không thể chủ động giá bán, bởi cả một thị trường rộng lớn, từ tỷ lệ cung – cầu, thì giá cả sẽ được điều chỉnh. Tại sao người dân không nghĩ ra cách giảm chi phí bỏ ra, vì đó cũng là giải pháp tăng lợi nhuận mà chính người dân có thể tự quyết định được. Ví dụ như giảm vật tư, phân bón, giảm tỷ lệ hao hụt sau thu hoạch hay tham gia hợp tác xã... Đó là những kiến thức mà chúng ta phải cung cấp cho người nông dân, giúp họ hiểu được có những cách khác làm tăng lợi nhuận sản xuất. Chứ không thể mãi chạy theo việc tăng sản lượng, để rồi xảy ra hiện tượng dư thừa cục bộ nông sản và câu chuyện “giải cứu”. Thời gian qua, chúng ta quá “chiều chuộng” người nông dân, mà các cuộc “giải cứu” nông sản chính là một trong những hành động chiều chuộng đó. Nhiệm vụ của chúng ta là phải lo cho người nông dân, tuy nhiên phải định nghĩa thế nào là “lo”. Nghĩa là, chúng ta lo cho người nông dân để họ tự biết lo cho chính mình. Đó mới là cái lo bền vững. Chứ không phải mỗi khi thấy người nông dân khổ thì hỗ trợ tiền; nông sản thừa mứa thì thu mua theo kiểu “giải cứu”. Nếu cứ làm như thế thì sẽ tiếp tục dẫn dắt người nông dân đi theo tư tưởng ỷ lại.


Đồng Tháp tổ chức hội thảo Đề tài “Tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận về mô hình Hội quán”

Chúng phải phân tích để người dân hiểu rõ những rủi ro, bởi đó là quy luật của thị trường. Hễ cứ được mùa là mất giá và khi làm nông nghiệp phải chấp nhận nhưng rủi ro đó. Tuy nhiên, chúng ta phải tìm cách khống chế những rủi ro đó như thế nào. Những quốc gia khác trên thế giới làm nông nghiệp không giống như chúng ta. Họ biết bảo quản, chế biến và đa dạng hóa sản phẩm nông sản. Đề án tái cơ cấu nông nghiệp của tỉnh ta cũng đi theo hướng đó để thay đổi cách nghĩ của người nông dân. Tỉnh Đồng Tháp bắt đầu tổ chức các lớp huấn luyện nông dân, ngoài kiến thức về sản xuất, chăn nuôi còn phải cung cấp kiến thức về thị trường. Người nông dân phải thay đổi cách nghĩ “làm ruộng – bán lúa”, mà hướng đến làm ruộng để bán gạo, gạo có thương hiệu, thậm chí bán các sản phẩm sau gạo.

P.V: Theo Đ/c để thay đổi một thói quen làm nông nghiệp vốn dĩ đã định hình từ rất lâu có dễ dàng hay không?Bởi lẽ thường những cái gì cố hữu, đã là thói quen thì luôn khó thay đổi?

Đ/c L.M.H: Bản thân người nông dân phải thay đổi và thương lái cũng phải thay đổi. Bởi một thời, những thương lái thu mua đã quá “dễ dãi” với tư tưởng “lời ăn lỗ chịu”. Còn một bộ phận nông dân mình có tư tưởng, nếu nông sản không bán được thì người ta cũng sẽ “giải cứu”. Để thay đổi suy nghĩ này, cấp ủy, chính quyền phải cùng vào cuộc. Chúng ta cùng truyền thông tạo ra giá trị gia tăng cho sản phẩm, ví dụ như việc kể câu chuyện về những thay đổi của người nông dân trong sản xuất để làm ra nông sản sạch, chất lượng đáp ứng thị trường. Khắc họa hình ảnh những người nông dân tử tế kết nối với người tiêu dùng tử tế, tạo ra giá trị cho nông sản... Nếu chúng ta cùng vào cuộc, tác động dần dần thì tôi tự tin người nông dân sẽ thay đổi. Cứ làm ăn theo kiểu cũ thì sẽ không bao giờ thay đổi được”. Mà việc thay đổi này phải là một hành trình và có sự chung tay, góp sức của rất nhiều người. Chúng ta phải giúp người nông dân bước ra từ đồng, ra khỏi bờ ao, thửa ruộng, miếng vườn của mình. Mỗi người hãy tự đốt lên một que diêm thay vì ngồi đó nguyền rủa bóng tối. Khi tôi trò chuyện cùng bà con tôi hay nói nếu mình thay đổi chậm thì người khác thay đổi trước. Lúc đó, muốn vượt qua các nông sản của những người thay đổi trước thì không còn là chuyện đơn giản nữa.

Tôi cũng thường nói với các nhà khoa học, viện nghiên cứu, trường và cơ quan hoạch định chính sách rằng từ các nội dung đề án, kế hoạch đến với người nông dân vẫn còn một khoảng trống mênh mông. Nhiệm vụ của chúng ta là kéo khoảng cách đó ngắn lại. Và tôi tin, nếu tất cả mỗi người chúng ta cùng chung tay, giúp đỡ, người nông dân sẽ thay đổi, tỉnh Đồng Tháp sẽ phát triển.


Bí thư Tỉnh ủy Lê Minh Hoan thăm Thuận Tân Hội quán (xã Tân Thuận Tây, TP.Cao Lãnh)

P.V: Được biết thời gian qua, Đ/c với cương vị là Bí thư Tỉnh ủy, cùng với cấp ủy Đảng, chính quyền đã có những chiến lược định hướng và lộ trình thay đổi tư duy phát triển nông nghiệp, nông dân. Những chiến lược định hướng và lộ trình đưa kinh tế nông nghiệp Đồng Tháp theo chiều sâu, đời sống người dân nông thôn có nhiều cải thiện. Đ/c có thể chia sẻ những đúc kết đối với chiến lược thay đổi này?

Đ/c L.M.H: Một người nông dân, với sản lượng nông sản làm ra không thể lo cùng lúc thị trường, bảo quản, chế biến hoặc sản lượng không đủ nhiều để có đơn vị khác bao tiêu sản phẩm. Chúng ta phải tập hợp nhiều nông dân lại thành Hợp tác xã, Hội quán, Tổ hợp tác. Khi đó, sản lượng đủ lớn, nhân lực đủ nhiều để đáp ứng các công đoạn tạo ra chuỗi ngành hàng. Đó cũng chính là những lý do Đồng Tháp ra đời mô hình Hội quán để cung cấp thông tin cho bà con, rồi bà con tự bàn bạc, suy nghĩ cách làm sao giảm giá thành, tăng giá trị nông sản mà mình làm ra. Tỉnh cũng tổ chức đoàn đưa nông dân tìm thị trường tại các chợ đầu mối, trung tâm thương mai hay các siêu thị lớn tại TP.HCM để bà con hiểu được dòng chảy của nông sản mình làm ra và nhận được những tín hiệu như thế nào từ nhà phân phối sản phẩm. Từ đó, phản hồi thông tin trở lại cho nông dân trồng nguyên liệu, giúp nông dân thay đổi suy nghĩ “bán cái người ta cần chứ không phải bán cái mình có”. Đồng thời, giúp bà con nắm bắt thông tin từ thị trường, được các chuyên gia cung cấp các kiến thức, kỹ năng trong sản xuất, kinh doanh, góp phần tăng giá trị nông sản, kích hoạt nâng chất lượng đời sống người dân vùng nông thôn... Từ đó, kéo người nông dân hợp tác lại với nhau thành một tập thể để cùng phát triển.

Từ trước đến nay, người nông dân cứ nghĩ việc hợp tác, chia sẻ kinh nghiệm, bí quyết trong sản xuất nông nghiệp giống như chia quyền lợi từ một “chiếc bánh”. Khi đó, nếu người này nhận nhiều thì người kia nhận ít. Bây giờ chúng ta cần chứng minh rằng việc hợp tác giữa những người nông dân để làm cho “chiếc bánh” lớn hơn, để mỗi người được chia trên chiếc bánh lớn đó, thì lợi ích cũng lớn hơn và bền vững hơn, giống như câu nói: “Muốn đi nhanh thì đi một mình, muốn đi xa thì đi cùng nhau”. Rất may mắn là một bộ phận nông dân của Đồng Tháp đã thay đổi nhận thức, tinh thần hợp tác trong suy nghĩ của người dân bắt đầu “nhen nhóm”. Có thể điều này không tạo ra giá trị ngay lập tức, nhưng có thể trong tương lai thì những thay đổi này có thể mang lại lợi ích to lớn cho người nông dân.

P.V: Thưa Đ/c, hiện nay tại Đồng Tháp những thay đổi về tư duy sản xuất nông nghiệp đã được định hình, làm tiền đề cho những giai đoạn tiếp theo, trước sự thay đổi, nhiều biến động của nền kinh tế thị trường, sự định hướng của Đảng bộ, chính quyền tỉnh Đồng Tháp và sự chuẩn bị của nông dân Đồng Tháp trong thời gian tới?  

Đ/c L.M.H: Cả hệ thống chính trị, từ cấp ủy, chính quyền cho đến các tổ chức chính trị - xã hội, thậm chí đến các Hội xã hội nghề nghiệp phải vào cuộc. Và nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị là giúp người nông dân thay đổi nhận thức. Nền nông nghiệp của tỉnh Đồng Tháp một thời mang hình ảnh “bán mù – mua mù”. Tức là người mua không biết người bán; ngược lại người bán không cần biết người tiêu dùng đang cần gì; người mua không biết được chất lượng nông sản mình mua như thế nào... Tất cả những “điểm mù” đó làm cho giá nông sản thấp. Bây giờ nhiệm vụ của chúng ta là làm sao xóa những “điểm mù” đó. Để tất cả các bên đều nắm rõ về nhau. Người mua biết rõ các mặt hàng nông sản, xuất xứ, quy trình sản xuất, chất lượng... Người bán biết người mua cần gì, đáp ứng yêu cầu đó thông qua quá trình sản xuất, để có sự hợp tác lâu dài, bền vững. Tất cả kéo theo giá trị nông sản được tăng lên.

Đây cũng chỉ là những thành công bước đầu. Vì vậy, chúng ta cũng nên tập hợp lại để không gian lớn hơn, tập hợp được nhiều thành phần trong xã hội. Doanh nghiệp, chuyên gia tư vấn, chuyên gia thị trường, chuyên gia chế biến, chuyên gia bảo quản, hợp tác xã, hội quán, thậm chí là truyền thông và những nhà chuyên môn, giới hoạch định chính sách sẽ cùng ngồi vào một bàn tròn để xây dựng một chiến lược phát triển một ngành hàng chủ lực (ví dụ: sen, hoa kiểng hay xoài...). Đồng Tháp cũng vừa cho ý kiến thành lập trung tâm bảo quản, chế biến nông sản, mà trung tâm đó có sự góp vốn của nhiều doanh nghiệp, thậm chí của hợp tác xã và người nông dân..., để qua đó mọi cá nhân thấy được trách nhiệm của mình và quyền lợi của bản thân khi tham gia. Khi đó, những người chuyên nghiệp sẽ giúp quản lý, kết nối với các nhà chuyên môn, nhà khoa học. Định kỳ tổ chức các buổi hội thảo thông tin đầy đủ về tình hình thị trường cho người sản xuất thay vì cứ đi riêng lẻ từng hội quán, từng hợp tác xã như hiện nay. Đồng thời, phân tích các yếu tố cạnh tranh để tìm ra hướng đi riêng cho từng ngành hàng nông sản.

Rất may là tỉnh đã kết nối được với các chuyên gia, doanh nghiệp và họ sẵn sàng giúp cho Đồng Tháp. Tất nhiên, không thể đầu tư ngay, nhưng tất cả công việc sắp tới sẽ hướng đến mục tiêu xây dựng một trung tâm như thế. Nếu làm được như vậy, những ngành hàng của nền nông nghiệp sẽ thay đổi căn cơ. Những nhà nhập khẩu nước ngoài cũng sẽ yên tâm hơn trong việc chọn mặt hàng nông sản của nông nghiệp Đồng Tháp.

P.V: Xin cám ơn đồng chí!

D.Chinh – C.Phương – P.Lộc (thực hiện)

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn