HỒNG NGỰ
Triển khai thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp có hiệu quả
Cập nhật ngày: 26/02/2020 10:12:29
ĐTO - Huyện Hồng Ngự đã chọn các ngành hàng chủ lực thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh trên địa bàn gồm: Lúa gạo, hoa màu và cây công nghiệp ngắn ngày, rau an toàn, cá tra giống, bò sinh sản và bò vỗ béo và bổ sung ngành hàng vịt. Trong đó, chú trọng tổ chức lại sản xuất các ngành hàng theo hướng giảm giá thành, sản xuất theo tiêu chuẩn an toàn gắn kết sản xuất với liên kết tiêu thụ, nâng cao chất lượng, giá trị nông sản thông qua việc áp dụng các tiến bộ khoa học và kỹ thuật mới, tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị ngành hàng đã phát huy hiệu quả.
Tuyên truyền tạo sự đồng thuận trong xã hội
Huyện ủy, UBND huyện Hồng Ngự chỉ đạo các ngành, UBND các xã, thị trấn tăng cường công tác thông tin tuyên truyền, tạo đồng thuận trong xã hội nhằm từng bước thay đổi nhận thức, tập quán từ sản xuất nhỏ lẻ, tự phát chuyển sang sản xuất theo hình thức liên kết và tiêu thụ hàng hóa, tăng giá trị thu nhập trên cùng một diện tích. Mô hình Hội quán nông dân của huyện phát huy tinh thần đoàn kết, tự quản, tự bàn, tự quyết định và tạo điều kiện để nông dân gặp gỡ giao lưu trao đổi thông tin thị trường, chia sẻ kinh nghiệm trong sản xuất “nói cho nhau nghe và nghe nhau nói”. Qua đó, đã phát hành 17.900 sổ tay tuyên truyền và tổ chức 558 cuộc tuyên truyền, tập huấn cho hơn 25.103 người, Trạm Truyền thanh các xã, thị trấn định kỳ phát thanh 2 lượt/tuần về nội dung thực hiện Tái cơ cấu ngành nông nghiệp trên địa bàn xã; lồng ghép các nội dung tuyên truyền về thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp tỉnh và huyện tại các lớp bồi dưỡng, đào tạo do Trung tâm Bồi dưỡng chính trị huyện Hồng Ngự tổ chức.
Tái cơ cấu ngành hàng lúa gạo tập trung vào công tác tổ chức lại sản xuất, áp dụng các biện pháp khoa học kỹ thuật nhằm giảm giá thành, nâng cao chất lượng hạt gạo và tạo ra sản phẩm mới từ phụ phẩm để nâng cao giá trị ngành hàng. Cụ thể: diện tích sản xuất lúa từ năm 2016 - 2019 đều đạt từ 85-100% so với kế hoạch đề ra; tỷ lệ sử dụng giống xác nhận tăng dần theo hàng năm bình quân 60% trên tổng diện tích sản xuất lúa; tỷ lệ lúa chất lượng cao hàng năm đạt 74,25%; có 100% diện tích sản xuất áp dụng cơ giới hóa từ khâu làm đất đến khâu thu hoạch, 90% diện tích tưới tiêu bằng bơm điện, 99% giảm tổn thất trong sản xuất, thu hoạch và sau khi thu hoạch.
Duy trì và phát triển các mô hình sản xuất có hiệu quả
Mô hình liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản phát triển theo chiều sâu, nâng cao chuỗi giá trị từ khâu cung cấp đầu vào đến bao tiêu đầu ra, sản lượng được các công ty, doanh nghiệp liên kết tăng dần qua hàng năm với tổng diện tích liên kết tiêu trong gần 5 năm qua đạt hơn 10.300ha. Việc liên kết tiêu thụ giúp nông dân tăng thêm lợi nhuận bình quân từ 3 - 4 triệu đồng/ha/vụ so với sản xuất truyền thống. Mô hình sản xuất nông nghiệp tiên tiến, nông nghiệp sạch: mô hình sản xuất lúa theo hướng hữu cơ diện tích 42,9ha được duy trì thực hiện hàng năm, cung cấp gạo an toàn cho thị trường bình quân 160 tấn (sản xuất 2 vụ), 240 tấn (sản xuất 3 vụ). Bên cạnh đó, địa phương triển khai trình diễn nhiều mô hình áp dụng kỹ thuật “3 giảm, 3 tăng” tiến tới “1 phải, 5 giảm”; mô hình sản xuất lúa bằng phương pháp cấy máy gắn với liên kết tiêu thụ, mô hình giảm giá thành, mô hình sử dụng phân bón thông minh được nông dân hưởng ứng tham gia và nhân rộng ra toàn huyện.
Diện tích sản xuất hoa màu hàng năm tăng dần theo kế hoạch đề ra, diện tích bình quân 1.453ha gồm các loại bắp, mè, đậu nành và đậu phộng... Ngoài ra, diện tích cây ăn trái cũng được huyện quan tâm phát triển, công tác chuyển đổi cơ cấu cây trồng tiếp tục chuyển dịch theo hướng tăng diện tích trồng cây ăn trái có giá trị kinh tế cao đạt 322,16ha (cuối năm 2018 là 244ha) gồm các loại cây xoài, cây có múi, dừa, nhãn.
Toàn huyện Hồng Ngự có khoảng 890 cơ sở ương nuôi cá tra giống với diện tích gần 300ha. Hàng năm cung cấp ra thị trường hơn 17 tỷ con cá tra bột. Đặc biệt, những năm gần đây, địa phương thực hiện chương trình nâng cao chất lượng đàn cá bố mẹ để cải thiện di truyền số lượng hàng ngàn con, qua đó góp phần nâng cao chất lượng con giống của trị trường trong và ngoài tỉnh. Huyện có 130ha tại 2 xã Thường Phước 1 (45ha) và Thường Thới Hậu B (85ha) nằm trong Đề án giống cá tra 3 cấp chất lượng cao của UBND tỉnh.
|
DŨNG CHINH