Niềm tin mới trên quê hương Hồng Ngự
Cập nhật ngày: 03/08/2020 10:33:31
ĐTO - Sự đổi thay của đô thị vùng biên những năm gần đây đã khẳng định vai trò lãnh đạo của Đảng bộ huyện Hồng Ngự cùng sự đồng lòng của người dân trong Chương trình mục tiêu Quốc gia (MTQG) xây dựng nông thôn mới (XDNTM). Nhiều công trình giao thông được đầu tư xây dựng khang trang; cơ cấu nông nghiệp chuyển dần theo hướng chú trọng nâng cao chuỗi giá trị sản phẩm, liên kết tiêu thụ nhằm mang lại lợi nhuận cao nhất cho người nông dân, góp phần tạo điều kiện thúc đẩy phát triển kinh tế nông nghiệp và nông thôn, nâng cao thu nhập cho người dân.
Phối cảnh Công viên văn hóa Nguyễn Tất Thành
Kiện toàn bộ máy, phát huy nguồn lực
Giai đoạn 2016 - 2020, đối với cấp huyện, Ban chỉ đạo (BCĐ) Chương trình MTQG XDNTM và Tái cơ cấu ngành nông nghiệp, phát triển kinh tế tập thể được kiện toàn. Trong đó, đồng chí Bí thư Huyện ủy làm Trưởng ban, đồng chí Chủ tịch UBND huyện làm Phó Trưởng ban, các ngành huyện liên quan làm thành viên. Văn phòng Thường trực đặt tại Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Hoạt động kiện toàn bộ máy còn thực hiện đồng bộ từ xã đến ap. Điểm mới của công tác kiện toàn bộ máy thành viên thực hiện Chương trình MTQG XDNTM tại huyện Hồng Ngự là ngay tại các ấp cũng có các Ban quản lý, Ban Phát triển ấp. Ông Nguyễn Hoàng Nhung – Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Hồng Ngự cho biết: “Giải pháp kiện toàn bộ máy từ huyện đến cơ sở đã phát huy mạnh mẽ hiệu quả công tác lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai, thực hiện cũng như công tác giám sát, kiểm tra, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc. BCĐ Chương trình MTQG XDNTM đã chú trọng công tác cập nhật kiến thức cho đội ngũ cán bộ làm công tác XDNTM, có 4.071 lượt cán bộ tham dự 64 lớp tập huấn. BCĐ Chương trình MTQG XDNTM huyện cùng các đơn vị trực thuộc đã tuyên truyền hơn 7.783 đợt qua các buổi họp lệ, hội nghị, hội thảo, cuộc thi, có 332.905 lượt cán bộ, đảng viên, hội viên và người dân tham gia. Phối hợp Văn phòng Điều phối XDNTM tỉnh in ấn và cap phát 20.824 tờ rơi, 17.900 sổ tay, tài liệu hỏi đáp về tuyên truyền XDNTM theo 19 tiêu chí...”.
Cá tra - thế mạnh phát triển kinh tế nông nghiệp tại huyện Hồng Ngự. Ảnh: H.Trọng
Huyện đã đề ra các giải pháp nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác cải cách hành chính, rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục hành chính cho tổ chức, cá nhân; duy trì và thực hiện tốt phần mềm một cửa nhằm giúp cho tổ chức, công dân tra cứu kết quả giải quyết thủ tục hành chính được thuận tiện, nhanh chóng. Công tác tiếp nhận, giải quyết hồ sơ của người dân tại Bộ phận Tiếp nhận và Trả kết quả của huyện được tổ chức thực hiện đúng quy định, mức độ hài lòng của người dân và doanh nghiệp hằng năm được nâng cao, chất lượng phục vụ Nhân dân đảm bảo.
Bên cạnh đó, cấp ủy, chính quyền các cấp của huyện Hồng Ngự đã phát động nhiều phong trào thi đua như thi đua phát triển kinh tế, đổi mới tổ chức sản xuất theo hướng tăng cường thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp; liên kết sản xuất; thi đua xây dựng và phát triển văn hóa, xã hội góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân; xây dựng thực hiện nếp sống văn minh, xây dựng gia đình văn hóa. Huyện Hồng Ngự đã phát huy hiệu quả công tác chỉ đạo tăng cường huy động nguồn lực XDNTM, trong đó chú trọng phát huy nguồn nội lực tại chỗ. Ngoài nguồn vốn Trung ương, tỉnh phân bổ hàng năm, huyện đã bố trí lồng ghép từ nguồn vốn ngân sách tập trung, sự nghiệp kinh tế. Giai đoạn 2016 - 2020, toàn huyện đã huy động đạt 603,9 tỷ đồng gồm các nguồn vốn: trực tiếp cho chương trình XDNTM, ngân sách Trung ương, tỉnh, huyện, vốn lồng ghép từ các chương trình, dự án khác, tín dụng và huy động sự đóng góp của cộng đồng dân cư.
Một góc nội ô huyện Hồng Ngự
Nâng cao chất lượng đời sống người dân
Chương trình MTQG XDNTM và Tái cơ cấu ngành nông nghiệp đã góp phần vào sự phát triển mạnh mẽ của huyện Hồng Ngự trong thời gian qua. Đến nay, có 9/9 xã của huyện đạt các tiêu chí về giao thông, thủy lợi, điện nông thôn, trương học, cơ sở vật chất văn hóa, chợ nông thôn, thông tin và truyền thông, nhà ở dân cư. Các hoạt động phát triển sản xuất gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn, nâng cao thu nhập cho người dân được cấp ủy, chính quyền các cấp đặc biệt quan tâm. Qua việc lựa chọn các ngành hàng chủ lực. Đối với ngành hàng lúa – gạo, tổng diện tích gieo trồng hàng năm từ 85 - 100%, hoạt động sản xuất chủ động từ khâu tổ chức liên kết tiêu thụ và đẩy mạnh áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất đã giúp người dân giảm giá thành, tăng lợi nhuận.
Cảm nhận những đổi thay trên quê hương Hồng Ngự, bà Trần Thị Tiền ngụ ấp Bình Hòa Hạ, xã Thường Lạc, huyện Hồng Ngự nói: “Trước đây, con đường chính của xã hư hỏng, nhiều ổ voi, ổ gà, người dân đi lại khó khăn lắm. Tôi còn nhớ mỗi lần ra huyện làm giấy tờ là mỗi lần ngao ngán. Giờ đây xã mình là xã nông thôn mới rồi, đường xá thông thoáng. Các tuyến đường trong xã giờ toàn là đường đan, đường nhựa, đâu còn cảnh lầy lội như xưa, con cháu mình nhờ vậy mà đi học thuận tiện hơn. Ban đêm đèn sáng, rồi camera đầy đương, khỏi lo trộm cắp...”.
Cơ cấu cây trồng tiếp tục chuyển dịch theo hướng phát triển cây công nghiệp ngắn ngày, tăng dần diện tích cây ăn trái. Diện tích cây ăn trái có giá trị kinh tế cao cũng được huyện quan tâm phát triển tăng dần theo từng năm, đến cuối năm 2019 đạt 322,16ha, trong đó chuyển đổi từ vườn tạp sang trồng cây ăn trái 78,16ha gồm các loại cây xoài, cây có múi, dừa, nhãn... Diện tích sản xuất cây công nghiệp ngắn ngày được duy trì và phát triển bình quân hàng năm 1.545,4ha tập trung một số cây trồng như bắp, mè, đậu các loại. Các mô hình sản xuất mang lại hiệu quả kinh tế cao tiếp tục được duy trì và mở rộng như: áp dụng “3 giảm 3 tăng”, “1 phải 5 giảm”, cánh đồng hiện đại, mô hình giảm giá thành, sản xuất lúa bằng phương pháp cấy máy, liên kết sản xuất và tiêu thụ lúa, sản xuất lúa theo hướng hữu cơ, sản xuất lúa theo hướng an toàn. Dự án Chuyển đổi nông nghiệp bền vững “VnSAT”, toàn huyện có 5 hợp tác xã tại xã Thường Phước 1, thị trấn Thường Thới Tiền, xã Thường Lạc. Diện tích sản xuất rau an toàn bình quân hàng năm 160ha, trong đó 13,7ha sản xuất theo hướng VietGAP tại Hợp tác xã sản xuất rau củ an toàn. Hoạt động chăn nuôi trên địa bàn huyện được duy trì và phát triển; công tác giám sát, phòng trừ dịch bệnh và kiểm tra an toàn vệ sinh thực phẩm luôn được sự quan tâm chỉ đạo và các ngành chuyên môn phát huy hiệu quả. Toàn huyện Hồng Ngự có 890 cơ sở sản xuất cá tra giống với diện tích 289ha, sản xuất bình quân 550 triệu con giống và 13.700 triệu cá tra bột. UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch thực hien Đề án giống cá tra 3 cấp chất lượng cao trên địa bàn huyện với diện tích 130ha tại 2 xã: Thường Phước 1 (diện tích 45ha) và Thường Lạc 85ha...
Du khách nước ngoài du lịch và mua sản phẩm tại làng dệt choàng xã Long Khánh A. Ảnh: T.Phong
Đến nay có 9/9 xã đạt 100% các tiêu chí: lao động có việc làm, tổ chức sản xuất, giáo dục và đào tạo; 100% Trạm Y tế trên địa bàn huyện đủ điều kiện khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế và được công nhận đạt chuẩn Quốc gia về y tế xã. Công tác an sinh xã hội, chăm lo cho các đối tượng chính sách, hộ nghèo, hộ cận nghèo về y tế, giáo dục, nhà ở, vay vốn tín dụng ưu đãi, đào tạo nghề, giải quyết việc làm,... đều đạt và vượt chỉ tiêu đề ra. Chất lượng đời sống văn hóa của người dân nông thôn được quan tâm với phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”; hệ thống thiết chế văn hóa cấp xã luôn được quan tâm đầu tư, huyện có 60% số xã có Trung tâm văn hóa, thể thao, 100% có Nhà văn hóa, nơi sinh hoạt văn hóa, thể thao phục vụ cộng đồng, 100% số xã có điểm vui chơi giải trí và thể thao cho trẻ em và người cao tuổi theo quy định... Công tác an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững; tổ chức phòng ngừa, đấu tranh có hiệu quả với hoạt động của các loại tội phạm; không để hình thành băng, nhóm tội phạm hình sự nguy hiểm. Huyện Hồng Ngự có 1.270 Tổ Nhan dân tự quản trên địa bàn vững mạnh, hoàn thành nhiệm vụ giữ gìn an ninh trật tự ở địa bàn cơ sở...
P.L