Thứ trưởng Bộ NN&PTNT làm việc với 4 tỉnh ĐBSCL về tình hình tạm trữ lúa, gạo

Cập nhật ngày: 07/11/2012 06:14:41

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bùi Bá Bổng vừa chủ trì Hội nghị tổng kết điều tra nông hộ tạm trữ lúa tại 4 tỉnh trồng lúa trọng điểm ở ĐBSCL gồm: Đồng Tháp, An Giang, Kiên Giang và Trà Vinh.


Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Bùi Bá Bổng (trái) phát biểu tại hội nghị

Là vựa lúa lớn nhất của cả nước, ĐBSCL có hơn 90% sản lượng lúa xuất khẩu, tuy nhiên, đời sống của nông dân vẫn còn nhiều khó khăn do có nhiều bất cập trong sản xuất và tiêu thụ. Để nâng cao lợi nhuận cho người nông dân, vừa qua Bộ NN&PTNT đã xây dựng tờ trình “Về Quy chế tạm trữ lúa, gạo hỗ trợ trực tiếp cho nông dân” và đã tiến hành khảo sát thực tế để đưa ra giải pháp thiết thực.

Qua thực tế khảo sát tình hình tạm trữ lúa tại 16 huyện trọng điểm trồng lúa của 4 tỉnh: Đồng Tháp, An Giang, Kiên Giang và Trà Vinh với 1.600 nông hộ, kết quả có hơn 70% số hộ nông dân không tạm trữ hoặc không có khả năng tạm trữ khi lúa rớt giá (chủ yếu là ở Đồng Tháp và Trà Vinh); hơn 84% số hộ nông dân không có kho chứa lúa, số còn lại chỉ sử dụng khoảng không gian trống trong nhà để tạm trữ với cách thức hết sức đơn giản như đóng bao xếp đống, quây bồ đổ xá... dẫn đến hao hụt và ảnh hưởng đến chất lượng.

Một số ý kiến cho rằng, việc tạm trữ lúa theo hình thức nông hộ là cần thiết. Tuy nhiên, trong thực tế có đến 17,8% số hộ phải vay tự do với lãi suất cao để phục vụ sản xuất, nên việc người dân bán lúa tươi cho thương lái sau khi thu hoạch để trang trải chi phí sản xuất, các khoản nợ là điều tất yếu. Do đó, để hỗ trợ người nông dân trong việc tạm trữ lúa, chính sách cần nêu rõ hơn việc bổ sung vốn vay sản xuất cho người nông dân. Bên cạnh đó, chính sách nên đưa ra thời gian tạm trữ và mức hỗ trợ cụ thể cho từng nông hộ xây dựng kho chứa lúa.

Ngoài ra, một số ý kiến còn cho rằng, không nên hỗ trợ đại trà cho các hộ không có điều kiện xây dựng kho chứa lúa vì chưa chắc việc dự trữ bán được giá cao trong khi nhu cầu cần vốn trang trải rất cao, do đó chỉ nên hỗ trợ những hộ thật sự có điều kiện và nhu cầu xây dựng kho chứa lúa...

Tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bùi Bá Bổng gợi ý: Để chính sách tạm trữ lúa, gạo hỗ trợ trực tiếp cho nông dân có thể vận hành hiệu quả, các tỉnh có thể thực hiện song song hai cơ chế là vừa hỗ trợ nông dân có điều kiện xây dựng kho chứa lúa, vừa hỗ trợ doanh nghiệp thu mua lúa cho nông dân được hưởng lợi ích trực tiếp các chính sách như lãi suất, vốn vay...

Mỹ Nhân

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn