Cái tát vào ngành giáo dục
Cập nhật ngày: 08/12/2018 06:35:21
ĐTO - Một lần nữa, ngành giáo dục lại xảy ra sự việc làm chấn động dư luận cả nước.
Đó là việc một cô giáo ở Quảng Bình bảo học sinh lớp 6 tát bạn cùng lớp 231 cái vì nói tục.
Sau khi vụ việc xảy ra, thay vì nghiêm túc nhìn nhận sai sót, rút kinh nghiệm, hiệu trưởng trường này lại phát phiếu điều tra học sinh với 19 câu hỏi, trong khi cơ quan chức năng đã khởi tố vụ án hình sự với tội danh hành hạ người khác.
Theo thông tin báo chí, trong buổi họp báo của Chính phủ ngày 3/12, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Thị Nghĩa nhận xét việc làm của hiệu trưởng này vừa thiếu kinh nghiệm, vừa yếu nghiệp vụ. Còn Giáo sư Phạm Minh Hạc, nguyên Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo thì cho rằng những người làm ra các câu hỏi thể hiện sự ngớ ngẩn, nếu người ngoài ngành nhìn vào sẽ đánh giá đây là tra khảo, xâm hại tâm lý học sinh chứ không phải nhằm mục đích tìm ra sự thật vụ 231 cái tát, và những gì hiệu trưởng này được học trong trường sư phạm trước đây về bộ môn tâm lý, giáo dục sư phạm đã không hề được vận dụng khi giải quyết sự việc xảy ra.
Tưởng rằng vụ 231 cái tát cùng những nhận xét, đánh giá vụ việc của lãnh đạo ngành giáo dục và không ít chuyên gia là tiếng chuông cảnh tỉnh những người đang được trao sứ mệnh trồng người thì ngày 3/12, tại Hà Nội, một học sinh lớp 2 bị bạn cùng lớp tát theo lệnh cô giáo.
Giọt nước đã tràn ly.
Ngành giáo dục đã có những đóng góp to lớn cho sự nghiệp xây dựng, phát triển và bảo vệ đất nước. Tuy nhiên, còn đó những tồn tại đã được chỉ ra, nhưng chậm được khắc phục, đó là bệnh thành tích; một bộ phận giáo viên yếu nghiệp vụ, thiếu tu dưỡng rèn luyện.
Theo một số sử liệu ghi lại, cách nay khoảng 2.300 năm, Alexandre đại đế xứ Macedonia, một trong những danh tướng vĩ đại nhất mọi thời đại, đã nói: cha đẻ cho cuộc sống tạm thời, còn thầy giáo cho cuộc sống bất tử.
Câu “nhất tự vi sư, bán tự vi sư” được du nhập vào Việt Nam trở thành đạo lý ứng xử của dân tộc ta đối với người thầy giáo.
Cho thấy, sự kính trọng, tôn vinh đối với người thầy giáo mang tính phổ quát của nhân loại.
Nhưng để đạt được sự kính trọng, tôn vinh đó, những người làm nghề dạy học ngoài kiến thức hơn người còn phải là tấm gương về đạo đức, ứng xử. Xã hội đòi hỏi họ phải là những nhà mô phạm.
Không thể bào chữa việc bảo mẫu hành hạ trẻ, giáo viên yêu cầu học sinh tát bạn, điều tra học sinh... là do thu nhập thấp, áp lực công việc... Bởi khi đã chọn nghề, chắc rằng những người này đã biết về những thuận lợi, khó khăn trong quá trình hành nghề.
Những sai sót, tiêu cực xảy ra ở những cơ sở giáo dục vừa qua còn có nguyên nhân ít được đề cập: quyền lực của hiệu trưởng và giáo viên.
Có nhiều văn bản quy phạm pháp luật về quyền hạn, trách nhiệm hiệu trưởng trường công lập. Với vai trò người đứng đầu, cùng cơ chế thủ trưởng kiêm nhiệm bí thư chi bộ nếu là đảng viên, hiệu trưởng hầu như có toàn quyền, từ tiếp nhận, phân công giáo viên.
Đối với học sinh, giáo viên như và hơn cả cha mẹ. Ở nhà còn dám cãi lời cha mẹ, khi đến trường, học sinh nào cãi lời thầy cô sẽ bị liệt vào dạng học sinh cá biệt.
Tăng cường giám sát, kiểm tra của tổ chức, cơ quan chức năng đối với quyền lực hiệu trưởng, giáo viên sẽ góp phần giảm thiểu sai sót, tiêu cực trong ngành giáo dục.
Để không còn tái diễn những cái tát vào học sinh, mặc dù suy cho cùng chính họ, những người trực tiếp hoặc gián tiếp làm việc đó đã tự tát vào mặt mình và tát vào ngành giáo dục nước nhà.
Hữu Ý