Nghĩa tình của những người “gieo chữ” nơi biên giới
Cập nhật ngày: 03/01/2019 14:40:00
ĐTO - Cụm dân cư Giồng Bàng thuộc xã biên giới Thường Phước 1, huyện Hồng Ngự có 160 nóc nhà, với 550 nhân khẩu sinh sống. Do điều kiện giao thông đi lại khó khăn nên việc học hành của trẻ em nơi đây khá trắc trở.
Điểm trường Tiểu học Thường Phước 1A tại Giồng Bàng
Cụm dân cư (CDC) Giồng Bàng chỉ cách nước bạn Campuchia bởi kênh Thường Phước - Ba Nguyên và mảnh đất ruộng rộng khoảng 200m. Từ Tỉnh lộ ĐT.841 muốn đến được Giồng Bàng, mọi người phải đi theo đường đất “độc đạo” dài hơn 5km ghồ ghề, khúc khuỷu. Đó là mùa khô, còn vào mùa nước nổi, đường vào Giồng Bàng bị ngập, CDC này bị chia cắt và trở thành “ốc đảo” giữa bốn bề biển nước. Muốn đến đây, người ta chỉ còn cách đi xuồng, ghe mất hơn 1 giờ mới đến. Khó khăn, vất vả là thế nhưng không làm chùng bước những người thầy đến Giồng Bàng “gieo chữ”.
Hành trình “gieo chữ” nơi biên giới
Ở CDC Giồng Bàng chủ yếu là các hộ nghèo từ vùng sạt lở của huyện Hồng Ngự và một số hộ Việt kiều từ Campuchia về sinh sống. Trước đây, muốn con em mình biết chữ, người dân phải mất nhiều thời gian đưa đón con em học tại trung tâm xã hoặc cho các em tham gia học ở các lớp xóa mù chữ do các “thầy giáo” mang quân hàm xanh của lực lượng biên phòng tình nguyện đứng lớp. Đến năm 2003, Phòng Giáo dục - Đào tạo (GD-ĐT) huyện Hồng Ngự cho lắp ghép 3 phòng học bằng khung sắt, mái lợp tôn hình thành nên Điểm phụ của Trường Tiểu học Thường Phước 1A tại CDC giúp trẻ em ở Giồng Bàng học hành thuận lợi.
Thầy Nguyễn Văn Hợp trong giờ lên lớp
Năm học đầu tiên, trường huy động mở được hai lớp 1, mỗi lớp có 28 em theo học. Các giáo viên nam, trẻ, vững vàng nghiệp vụ sư phạm, có tinh thần tự nguyện vào vùng đặc biệt khó khăn công tác được Ban Giám hiệu trường Tiểu học Thường Phước 1A ưu tiên lựa chọn. Năm đó, hai thầy giáo Nguyễn Văn Hợp và Nguyễn Cao Cường đáp ứng đầy đủ các tiêu chí đặt ra để vinh dự trở thành các giáo viên được đào tạo chính quy đầu tiên đứng lớp ở Giồng Bàng.
Do điều kiện giao thông bất lợi, 1 phòng học lắp ghép còn trống được nhà trường tận dụng làm nơi cho thầy Hợp và thầy Cường tá túc để “gieo chữ” ở miền biên giới này. Vào Giồng Bàng dạy học trùng vào mùa nước nổi, đường xá bị chia cắt không thể về nhà được nên các thầy phải ở hẳn tại trường suốt một thời gian dài.
Thầy Nguyễn Văn Hợp cho hay, khi nhận nhiệm vụ tại nơi biên giới này cũng đã ít nhiều hình dung ra sự vất vả của những người dân địa phương, nhưng thực tế cuộc sống của họ còn khó khăn hơn nhiều. Sống ở vùng nông thôn nhưng đa số các hộ dân ở Giồng Bàng đều không có ruộng đất. Mùa khô, họ đi cắt lúa mướn hay làm cỏ thuê. Đến mùa nước nổi, CDC nằm giữa “biển nước” nên họ chuyển sang giăng câu, thả lưới bắt cá kiếm tiền đong gạo. Vì phải đội nắng mò cua, bắt ốc, làm việc phụ giúp cha mẹ nên trẻ em trong CDC đứa nào đứa nấy đen nhẻm, đầu tóc vàng hoe. Nhiều em đến lớp nhưng thiếu tập sách, các thầy phải nhín ít tiền lương hỗ trợ, giúp các em mua dụng cụ học tập.
Đáp lại nghĩa tình của các thầy giáo hết lòng vì học sinh, người dân Giồng Bàng đối đãi với các thầy giáo như người thân ruột thịt. Khi thì họ kêu học trò mang biếu thầy ít gạo, hôm khác lại mang cho con cá, bó rau để các thầy cải thiện bữa ăn. Chính từ nghĩa tình đó đã khiến thầy Nguyễn Cao Cường quyết định mang cả gia đình vào Giồng Bàng định cư để tiện bề dạy bảo các trẻ con trong CDC. Riêng thầy Nguyễn Văn Hợp cũng đã có 12 năm xung phong vào Giồng Bàng dạy học. Thầy Nguyễn Văn Hợp chia sẻ: “Các hộ dân và trẻ em ở Giồng Bàng tuy khó khăn, lam lũ nhưng rất ham học. Họ luôn xem chúng tôi như người thân, bắt được ít cá dưới sông cũng mang biếu thầy. Thấy thương lắm nên mình không thể bỏ bọn trẻ được”.
Lớp học “2 trong 1”
Thạc sĩ Đặng Vinh Em - cán bộ chuyên trách Tiểu học của Phòng GD-ĐT huyện Hồng Ngự cho biết, để bù đắp những bất lợi về giao thông, địa lý, ngành giáo dục huyện luôn tạo mọi điều kiện cho trẻ em ở Giồng Bàng có được nơi học hành. Chỉ vài năm sau khi Điểm trường tại Giồng Bàng được dựng lên, địa phương quyết định cho xây 3 phòng học kiên cố thay thế, giúp các em có nơi học tập an toàn. Ngoài ra, Trường Tiểu học Thường Phước 1A cũng tổ chức mở các lớp học “2 trong 1” ghép học sinh của 2 lớp ở hai khối khác nhau vào cùng một phòng học để giáo viên giảng dạy, tránh được tình trạng trẻ em nơi đây phải đi xa học do tại CDC không đủ học sinh để mở lớp.
Thầy Lê Văn Tuấn (trái) và thầy Nguyễn Văn Hợp phải đi ghe về nhà sau khi kết thúc việc dạy học
Năm học 2018-2019, Điểm trường Giồng Bàng có tổng cộng 45 trẻ em địa phương theo học từ lớp 1 đến lớp 5. Ngoài thầy Hợp, thầy Cường còn có thêm thầy Lê Văn Tuấn tình nguyện vào đứng lớp. Thầy Nguyễn Cao Cường phụ trách riêng lẻ lớp 2 với 11 học sinh, còn lại là tổ chức thành 2 lớp học “2 trong 1”, trong đó thầy Nguyễn Văn Hợp dạy lớp 1 và lớp 3 với tổng cộng 20 em, còn thầy Lê Văn Tuấn dạy lớp 4 và lớp 5 gồm 14 em.
Trong điều kiện khó khăn, phụ trách lớp học bình thường đã khó, phụ trách các lớp “2 trong 1” càng khó hơn. Các thầy đứng lớp “2 trong 1” phải soạn cùng lúc hai giáo án cho 2 khối lớp mình phụ trách. Ngoài ra, để các em chú ý bài giảng, cũng phải bố trí 2 bảng viết ở hai đầu lớp học để học sinh của mỗi khối quay đầu về một phía. Trong quá trình dạy học, cũng đòi hỏi giáo viên phải biết sắp xếp chương trình khoa học để học sinh trong phòng học ít bị phân tâm và chú ý vào bài giảng.
Có kinh nghiệm gần chục năm dạy lớp ghép “2 trong 1” nên thầy Nguyễn Văn Hợp tổ chức giảng dạy rất hợp lý. Trong phòng học do thầy phụ trách, các học sinh khá hứng khởi với bài học. Trong khi nhóm học sinh khối lớp 1 đánh vần ê a theo hướng dẫn của thầy Hợp thì các em ở nhóm lớp 3 quay về phía bản cuối lớp cặm cụi làm các phép toán.
Thầy Nguyễn Văn Hợp cười tươi cho biết: “Dạy lớp ghép tuy cực nhưng vui. Trong phòng này có nhiều học trò trước đây tôi dạy cho phụ huynh, giờ thì dạy con”. Đó là trường hợp của 2 anh em ruột Nguyễn Thị Hoàng Vy (học lớp 1) và Nguyễn Hoàng Thiên Bảo (học lớp 3) đang ngồi chung phòng học. Vy và Bảo là con của chị Nguyễn Thị Tài Linh, vốn là 1 học trò thuộc lứa đầu tiên thầy Hợp dạy học tại Giồng Bàng. Do ở địa phương không có việc làm nên vợ chồng chị Linh để con lại quê cho ba mẹ chăm sóc để lên TP.Hồ Chí Minh làm thuê.
Nhiều trẻ em tại Giồng Bàng phải chịu cảnh tương tự như các con chị Linh. Các em vốn thiệt thòi và thiếu thốn nhiều so với trẻ em ở nơi khác nên các thầy giáo khi vào nhận nhiệm vụ tại CDC này luôn cố gắng dạy bảo các em thật tốt. Thầy Lê Văn Tuấn cho biết: “ Đây là năm đầu tiên tôi vào Giồng Bàng dạy học và cũng lần đầu dạy lớp ghép. Khá vất vả nhưng trẻ em ở đây chịu nhiều thiệt thòi nên phải nỗ lực để các em có kiến thức như các em học ở điểm chính”.
Các giáo viên đứng lớp “2 trong 1” hưởng tiền lương gấp 1,5 lần so với các thầy cô phụ trách lớp bình thường để bù đắp cho công việc mà họ phải gánh vác. Tuy nhiên để trụ được tại Giồng Bàng, một nơi thuộc vùng sâu đặc biệt khó khăn của tỉnh thì các thầy giáo cần phải có tinh thần yêu nghề sâu sắc. Theo thầy Nguyễn Văn Hợp, suốt gần 4 tháng mùa nước nổi hằng năm, các thầy phải đi nhờ xuồng, ghe của phụ huynh học sinh vào Giồng Bàng dạy học. Cơm nhà vợ nấu để cà mên mang theo ăn trưa, hết giờ dạy buổi sáng các thầy mắc võng nghỉ trưa ngay tại trường để chờ dạy tiếp buổi chiều.
Đường “tương lai” cho Giồng Bàng
Do trở ngại về giao thông và điều kiện gia đình không cho phép nên đa số các trẻ em ở Giồng Bàng không theo đuổi việc học đến nơi đến chốn. Học hết cấp 1 nếu muốn học tiếp, các em phải lặn lội ra trung tâm xã mới có trường cấp 2. Còn muốn học cấp 3 thì phải ra trung tâm huyện Hồng Ngự xa khoảng 20km mới có trường học.
Trải qua gần 15 năm gắn bó với nơi biên giới này, rất nhiều con em của người dân Giồng Bàng được được thầy Hợp và thầy Cường dìu dắt hết cấp 1. Tuy nhiên, tỷ lệ học sinh nơi đây học hết cấp 2 không nhiều, còn học sinh học hết cấp 3 chỉ đếm trên đầu ngón tay. “Cuộc sống lam lũ, giao thông không thuận tiện nên dân ở Giồng Bàng học hết cấp 3 rất ít. Nhiều em muốn đi học tiếp nhưng do đường đi bất tiện, xa trường nên các em đành bỏ học. Mình thấy tiếc lắm”, thầy Nguyễn Văn Hợp ưu tư nói.
Cũng chính vì như thế mà đời sống và trình độ học vấn của người dân Giồng Bàng chưa phát triển nhiều. Hiện tại là thế, nhưng tương lai và diện mạo mới đang dần hiện ra đối với người dân nơi đây. Ngày chúng tôi đến đây là lúc con đường dân sinh biên giới dọc theo kênh Thường Phước - Ba Nguyên được Bộ Quốc phòng đầu tư đang triển khai thi công nền hạ. Chắc chắn không lâu nữa tuyến đường kết nối Giồng Bàng với bên ngoài sẽ hoàn thành và xóa đi sự trắc trở về giao thông. Khi đó, con đường đến Giồng Bàng để “gieo chữ” của các thầy giáo nghĩa tình như thầy Hợp, thầy Cường, thầy Tuấn... sẽ dễ dàng hơn và trẻ em nơi đây sẽ đi học thuận tiện để có tương lai tươi sáng hơn.
Thầy Nguyễn Thành Mừng - Hiệu phó Trường Tiểu học Thường Phước 1A cho biết: “Hằng năm, Công đoàn trường có phát động cán bộ, giáo viên của trường mỗi tháng đóng góp 10.000 đồng/người hỗ trợ tiền xăng cho các giáo viên nhận lớp dạy học tại Giồng Bàng. Do số lượng cán bộ, giáo viên của trường không nhiều nên mỗi thầy chỉ nhận hỗ trợ chưa đến 200.000 đồng/tháng. Đứng lớp dạy học ở vùng sâu rất vất vả nên trường hay động viên các thầy cố gắng. |
Phú Thuận