Tăng cường công tác giáo dục học sinh về đạo đức và lối sống

Cập nhật ngày: 18/01/2020 05:00:28

ĐTO - Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT), các đơn vị trường luôn chú trọng công tác giáo dục đạo đức học sinh trong nhà trường qua các hoạt động sinh hoạt tập thể, sinh hoạt dưới cờ, hoạt động trải nghiệm, duy trì các câu lạc bộ sinh hoạt định kỳ trong nhà trường. Đồng thời khuyến khích, tạo điều kiện cho học sinh tham gia các cuộc thi, hội thi giáo dục truyền thống cách mạng.


Học sinh tham gia hoạt động đọc sách trong khuôn viên sân trường

Ngay từ đầu năm học, Sở GD&ĐT chỉ đạo, triển khai thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm của ngành, trong đó có việc chú trọng, quan tâm công tác tuyên truyền, giáo dục đạo đức học sinh. Cụ thể, các đơn vị trường, Phòng GD&ĐT đa dạng hóa công tác tuyên truyền, tổ chức các hoạt động phong trào, chương trình hành động các tổ chức Đoàn, Hội, Đội trong nhà trường, xem đây là nhiệm vụ thường xuyên. Các đơn vị Phòng GD&ĐT, các đơn vị trường đã cụ thể hóa thành các nội dung, tập trung thực hiện các hình thức như sinh hoạt tổ chuyên môn, họp hội đồng sư phạm nhà trường, sinh hoạt dưới cờ, sinh hoạt chủ nhiệm, sinh hoạt ngoài giờ...

Toàn ngành giáo dục đã triển khai, thực hiện phong trào thi đua “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”, đưa phong trào trở thành một hoạt động giáo dục thường xuyên trong nhà trường. Các đơn vị trường đã duy trì hiệu quả các mô hình như “Gian hàng khuyến học 0 đồng” với sự đóng góp của giáo viên, học sinh bằng các sản phẩm như quần, áo, đồng phục, truyện, sách giáo khoa... Khuyến khích các em học sinh phát triển năng lực, phẩm chất, gắn việc học lý thuyết với thực hành, Trường THPT Lai Vung 1, huyện Lai Vung đã thực hiện mô hình học tập “Vườn rau thủy canh” trong khuôn viên sân trường. Tham gia mô hình, các em vận dụng kiến thức đã học để áp dụng cho việc trồng, chăm sóc cây đến lúc thu hoạch. Mô hình đã mang lại sự trải nghiệm thú vị đối với các em đối với bộ môn sinh học, công nghệ, làm vườn...

Mỗi năm học, Sở GD&ĐT tổ chức các hội thi như: văn nghệ học đường, diễn tiểu phẩm, vẽ tranh cổ động, thi kể chuyện, biểu diễn tiểu phẩm các tiết mục xoay quanh chủ đề ca ngợi Đảng, Bác Hồ kính yêu, quê hương, đất nước. Khuyến khích các em tham gia văn hóa đọc trong nhà trường. Sở GD&ĐT kết nối, định hướng, phát triển hệ thống thư viện trường học, nhân rộng những mô hình thư viện đảm bảo chất lượng hoạt động, thu hút học sinh tham gia văn hóa đọc, tạo sự thân thiện, gần gũi, phát triển nhân cách học sinh. Ở các đơn vị trường, Ban giám hiệu và đội ngũ giáo viên luôn quan tâm, đồng hành, khuyến khích học sinh tham gia các hoạt động trải nghiệm giáo dục đạo đức, lối sống, lòng yêu nước. Trường THPT Đốc Binh Kiều, huyện Tháp Mười là một trong những đơn vị có thành tích tốt trong việc tham gia cuộc thi cấp tỉnh, khu vực, toàn quốc. Tháng 12/2019, trường có 2 cá nhân tham dự vòng chung kết Cuộc thi “Tuổi trẻ học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” lần thứ V, năm 2019 do Bộ GD&ĐT, Ban Tuyên giáo Trung ương, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh và Tập đoàn giáo dục Egroup phối hợp tổ chức và được trao Giải III chung cuộc.

Năm học 2019 – 2020, Sở GD&ĐT phối hợp với các ngành có liên quan chỉ đạo các cơ sở giáo dục tăng cường giáo dục tư tưởng, đạo đức, lối sống, kỹ năng sống, văn hóa ứng xử trong nhà trường bằng các biện pháp khả thi và phù hợp. Giáo viên, học sinh các trường duy trì thường xuyên hoạt động chào cờ đầu tuần thứ 2, học sinh và giáo viên trực tiếp hát Quốc ca. Đảm bảo nền nếp trong nhà trường, học sinh tuân thủ nghiêm túc nội quy, quy chế sinh hoạt, chia sẻ, giúp đỡ nhau cùng tiến bộ, có trách nhiệm với gia đình, nhà trường, xã hội. Để giáo dục đạo đức học sinh trong tác phong, lối sống, ngành GD&ĐT đã triển khai, thực hiện cuộc vận động “Mỗi thầy, cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo”, đồng thời biểu dương, khen thưởng những tấm gương nỗ lực vượt qua khó khăn đạt kết quả tốt trong học tập; ghi nhận, khen thưởng những đóng góp của các thầy cô giáo tận tụy với học trò, không ngại vất vả giảng dạy, phụ đạo giúp các em học sinh yếu, kém củng cố kiến thức, hoàn thành chương trình học, góp phần hạn chế tình trạng học sinh bỏ học, nghỉ học; cùng với địa phương vận động duy trì ổn định sỉ số học sinh.

C.Phương

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn