Cuộc thi sáng tạo thanh thiếu niên, nhi đồng và Hội thi sáng tạo kỹ thuật
Nhiều giải pháp mang tính ứng dụng thực tiễn cao
Cập nhật ngày: 17/11/2019 05:28:38
ĐTO - Hơn 10 năm qua, Cuộc thi sáng tạo thanh thiếu niên, nhi đồng (STTTNNĐ) và Hội thi sáng tạo kỹ thuật (STKT), do Liên hiệp các Hội Khoa học Kỹ thuật tỉnh Đồng Tháp (cơ quan thường trực) tổ chức thật sự trở thành sân chơi bổ ích đối với nhiều nhà sáng tạo của tỉnh Đồng Tháp. Thông qua hoạt động này, nhiều giải pháp, sáng kiến hay có tính ứng dụng thực tiễn cao kịp thời được tôn vinh và tạo điều kiện phát triển. Từ đó, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội tỉnh nhà phát triển trong nhiều năm qua.
Em Võ Thị Thanh Trúc (trái) và em Phạm Hoàng Trúc Mai bên sản phẩm xà phòng từ mỡ cá tra
Ươm mầm sáng tạo cho thanh, thiếu niên ngay từ ghế nhà trường
Một trong những điểm nhấn nổi bật của Cuộc thi STTTNNĐ lần thứ 12 năm 2019 đó là có nhiều giải pháp tham gia dự thi thuộc lĩnh vực bảo vệ môi trường. Theo thống kê của Ban tổ chức, Cuộc thi STTTNNĐ lần thứ 12 có 133 mô hình, sản phẩm tham gia dự thi, trong đó có đến 41 mô hình, giải pháp thuộc lĩnh vực môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu. Đây là tín hiệu đáng mừng vì cho thấy, bên cạnh việc học tập tích lũy kiến thức thì các em học sinh tỉnh nhà cũng rất quan tâm đến vấn đề bảo vệ môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu.
Một trong những sản phẩm ấn tượng và đạt giải cao tại cuộc thi lần này là sản phẩm xà phòng từ mỡ cá tra của nhóm tác giả Võ Thị Thanh Trúc và Phạm Hoàng Trúc Mai học sinh lớp 12S, Trường THPT Chuyên Nguyễn Đình Chiểu, TP.Sa Đéc.
Trong một lần tình cờ đi ngang khu vực có các nhà máy chế biến cá tra, mùi hôi bốc lên từ nước thải khu vực nhà máy chế biến cá tra đã khiến cho Thanh Trúc và Trúc Mai đều phải suy tư về tình trạng ô nhiễm môi trường. Võ Thị Thanh Trúc tâm sự: “Hiện nay vấn đề ô nhiễm không khí và ô nhiễm nguồn nước đang là điều bức xúc của xã hội. Em và bạn Trúc Mai đều nung nấu ý tưởng phải tìm ra giải pháp để góp phần giải quyết mùi hôi ở những khu vực này. Từ đây, ý tưởng sử dụng mỡ cá cá để làm xà phòng là giải pháp được chúng em lựa chọn”. Nguyên liệu chính của sản phẩm xà phòng là mỡ từ cá tra (một loại phụ phẩm bỏ đi tại nhiều nhà máy chế biến cá tra) kết hợp với các loại tinh dầu như chanh, xả, hoa hồng... và một số loại phụ gia khác. Ưu điểm lớn nhất của sản phẩm này là thân thiện với môi trường, giá rẻ, đặc biệt nếu được triển khai sản xuất với quy mô lớn thì sản phẩm này sẽ góp phần mang lại giá trị gia tăng nhiều hơn cho con cá tra của Đồng Tháp, hơn nữa lại là giải pháp hiệu quả giúp các nhà máy chế biến cá tra giải quyết bài toán ô nhiễm môi trường trong sản xuất.
Với hiệu quả thiết thực, sản phẩm xà phòng từ mỡ cá tra của hai em Thanh Trúc và Trúc Mai đạt giải nhì tại Cuộc thi STTTNNĐ tỉnh Đồng Tháp lần thứ 12 và vinh dự đạt được giải ba tại Cuộc thi STTTNNĐ toàn quốc năm 2019.
Ngoài sản phẩm xà phòng từ mỡ cá tra, Cuộc thi STTTNNĐ lần thứ 12 còn có nhiều giải pháp và mô hình ấn tượng như: máy khử mùi hôi nhà vệ sinh, sản phẩm đạt giải nhất của em Võ Thị Ngọc Diễm - học sinh lớp 8A3, Trường THCS Nguyễn Văn Tre, huyện Tháp Mười; sản phẩm thùng rác tự động (giải nhì) của em Đặng Ngọc Huyền Trân - học sinh lớp 9A1, Trường THCS Nguyễn Du, huyện Tân Hồng; giải pháp sử dụng cảm biến làm chuông báo tự động khi gạo đầy bồ chứa trong nhà máy lau bóng gạo (giải nhì) của em Mai Văn Chánh Tổng - học sinh lớp 9/1, Trường THCS thị trấn Lấp Vò; sản phẩm Smarthome (giải ba) của em Nguyễn Trình Minh Cần - học sinh lớp 10A10, Trường THPT Lai Vung 1, huyện Lai Vung...
Từ các giải pháp và sản phẩm đạt giải trong cuộc thi năm nay, có thể xem cuộc thi là một sân chơi mở, giúp các em học sinh mạnh dạn trong sáng tạo. Đây cũng là cơ hội để các em áp dụng những kiến thức học được từ nhà trường vào thực tiễn đời sống.
Giải pháp của tác giả Huỳnh Thị Tố Chi góp phần nâng cao năng suất và chất lượng ớt hiểm lai
Nhiều giải pháp hay cho sản xuất nông nghiệp
Tại Hội thi STKT lần thứ 15 (2018 – 2019) lĩnh vực nông - lâm - ngư nghiệp và tài nguyên môi trường tiếp tục có nhiều sản phẩm dự thi với 21/34 giải pháp tham gia. Trong đó, các giải pháp có tính ứng dụng cao và có thể nhân rộng ở nhiều địa phương phải kể đến là giải pháp “Ảnh hưởng của gốc ghép và biện pháp phủ liếp đến bệnh héo xanh vi khuẩn, năng suất và chất lượng ớt hiểm lai tại cù lao huyện Thanh Bình” (giải nhì) của tác giả Huỳnh Thị Tố Chi, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Tháp Mười; giải pháp “Ứng dụng thực khuẩn thể phòng trừ bệnh héo xanh do vi khuẩn trên cây hoa cúc” (giải ba) của nhóm tác giả: Huỳnh Ngọc Tâm, Lê Uyển Thanh, Trần Thị Tho - Trường THPT Tràm Chim, huyện Tam Nông; giải pháp “Khảo sát mầm bệnh vi khuẩn trên ếch Thái và thử nghiệm độ nhạy cảm của vi khuẩn với kháng sinh” (giải ba) của tác giả Huỳnh Chí Thanh - Trường Cao đẳng Cộng đồng Đồng Tháp; “Nuôi trồng thành công nấm mối đen trên nguồn cơ chất có sẵn tại địa phương” của nhóm tác giả: Nguyễn Duy Phương, Trần Thị Pha Ly, Trần Thanh Phong, thuộc Công ty CP Xuất nhập khẩu Domesco; Giải pháp cải tiến môi trường nhân nhanh cây đồng tiền, lan Ý và một số cây hoa kiểng mới In Vitro (giải ba) của tác giả Ngô Thị Hồng Hương, thuộc Trung tâm Ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao Đồng Tháp...
Là một trong những đơn vị có nhiều tác giả đạt giải tại Hội thi STKT lần thứ 15, những đề tài dự thi của Trung tâm Ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao không những có ý nghĩa trong hoạt động thực tiễn của đơn vị mà còn góp phần vào việc phát triển ngành hàng hoa kiểng tại tỉnh Đồng Tháp.
Chia sẻ về vấn đề này, ông Phạm Hữu Phước - Giám đốc Trung tâm Ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao tỉnh Đồng Tháp cho biết: “Xác định việc nghiên cứu, sáng tạo trong sản xuất kinh doanh là yêu cầu then chốt, thời gian qua, Ban giám đốc Trung tâm thường xuyên khuyến khích, động viên và tạo điều kiện cho viên chức, người lao động phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật. Cụ thể, hàng năm, đơn vị luôn có những đề tài khoa học về việc lai tạo giống mới, cải tiến kỹ thuật trong sản xuất hoa kiểng được thực hiện. Trong đó, đáng lưu ý là những đề tài nghiên cứu giúp cho đơn vị nhân nhanh các giống hoa đẹp, hoa mới, tăng tỉ lệ sống của cây và giảm giá thành sản xuất, từ đó người dân hưởng lợi từ việc giảm giá mua cây giống hàng năm. Ngoài ra, từ các công trình nghiên cứu của các kỹ sư tại trung tâm, nhiều giống hoa kiểng mới lạ được lai tạo trồng thành công tại Sa Đéc. Từ đó, góp phần vào việc đa dạng hóa sản phẩm hoa kiểng và giảm giá thành sản xuất cho người nông dân”.
Sản phẩm thùng rác tự động
Đánh giá về mặt tích cực Cuộc thi STTTNNĐ và Hội thi STKT thời gian qua, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Nguyễn Thanh Hùng cho rằng, sáng tạo kỹ thuật là một hoạt động cần thiết cho sự phát triển kinh tế và xã hội của địa phương, vì vậy hoạt động này cần được nhân rộng và phát triển mạnh mẽ hơn nữa. Thời gian tới, đề nghị Ban tổ chức phối hợp sâu rộng hơn với các đoàn thể, đơn vị nhà nước cũng như các doanh nghiệp tư nhân nhằm khơi gợi và phát huy mạnh mẽ phong trào thi đua sáng tạo khoa học kỹ thuật tại các đơn vị, địa phương. Ngoài ra, đối với những đề tài, giải pháp sáng tạo kỹ thuật đạt giải có thể thương mại hóa, đề nghị Ban tổ chức phối hợp với các đơn vị liên quan nhằm kịp thời giúp đỡ, hướng dẫn các tác giả, các em học sinh hoàn thiện hơn các đề tài nghiên cứu.
Mỹ Lý