Sản xuất nông nghiệp và phát triển nông thôn gắn với thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp

Cập nhật ngày: 24/12/2018 06:28:34

Ngày 21/12, tại Hội trường UBND tỉnh, UBND tỉnh tổ chức hội nghị trực tuyến tổng kết sản xuất nông nghiệp năm 2018. Hội nghị do Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Nguyễn Thanh Hùng chủ trì.


Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Nguyễn Thanh Hùng phát biểu chỉ đạo tại hội nghị

Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, sản xuất nông nghiệp trong năm 2018 của tỉnh diễn ra trong điều kiện thuận lợi, giá bán một số sản phẩm chủ lực phục hồi và duy trì ở mức cao, dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi được kiểm soát. Ước giá trị sản xuất toàn ngành năm 2018 đạt trên 41.500 tỷ đồng, giá trị tăng thêm đạt hơn 17.100 tỷ đồng (tăng 4,93% so với năm 2017).

Lĩnh vực trồng trọt, đối với cây lúa, diện tích gieo trồng năm 2018 đạt gần 520.400ha. Ước năm 2018 giá trị sản xuất ngành hàng lúa gạo đạt 15.374 tỷ đồng, tăng 562 tỷ đồng so với năm 2017. Có 469,31ha được chứng nhận VietGAP sản xuất theo hướng an toàn; đã có 90 công ty, thương lái thực hiện liên kết tiêu thụ với diện tích tiêu thụ trên 293.000 tấn.

Diện tích hoa màu và cây công nghiệp ngắn ngày đạt gần 28.000ha. Riêng ngành hàng hoa kiểng phát triển ổn định, diện tích gieo trồng là 2.200ha; ước giá trị sản xuất đạt 2.479 tỷ đồng (tăng 170 tỷ đồng so với năm 2017). Diện tích cây ăn trái đạt 29.122ha; có 507ha được chứng nhận sản xuất an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP.

Tình hình chăn nuôi trên địa bàn tỉnh tương đối ổn định, không xảy ra dịch bệnh. Giá trị sản xuất ngành chăn nuôi năm 2018 đạt 2.525 tỷ đồng.

Trong đó, ngành hàng vịt đạt 653 tỷ đồng (tăng 10 tỷ đồng so với năm 2017). Lĩnh vực thủy sản, tổng diện tích thả nuôi trong năm đạt 7.930ha (bằng 102% kế hoạch, vượt 3% so với năm 2017). Nhờ áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật và quy trình sản xuất sạch, đến cuối tháng 10/2018, diện tích đã được chứng nhận các tiêu chuẩn trên cá tra là 806ha.

Mô hình hội quán tiếp tục phát huy hiệu quả trong việc hợp tác, liên kết sản xuất và tiêu thụ. Chương trình xây dựng nông thôn mới được nhân dân tích cực tham gia thực hiện, diện mạo nông thôn từng bước được thay đổi, góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân.

Kết quả thực hiện Đề án tái cơ cấu nông nghiệp bước đầu đạt được một số thành tựu như: chuyển dịch nội bộ ngành theo hướng tích cực, nông dân đã chú ý đến chất lượng sản phẩm, đẩy mạnh ứng dụng cơ giới hóa tạo điều kiện chuyển dịch lao động ra khỏi nông nghiệp; nông dân bước đầu ý thức chuyển từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp (tập trung vào lợi nhuận thu được hơn là doanh thu đạt được).

Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch Nguyễn Thanh Hùng biểu dương những kết quả đạt được của ngành nông nghiệp trong năm qua.

Phó Chủ tịch chỉ đạo, trong năm 2019, ngành nông nghiệp và các địa phương phải tiếp tục thực hiện đi vào trọng tâm Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp; tăng cường công tác quản lý sản xuất của ngành nông nghiệp, trong đó lưu ý vấn đề quản lý chất lượng nông lâm thủy sản, triển khai ngay các biện pháp xử lý, phòng trừ bệnh trên cây có múi, tích cực hỗ trợ cho doanh nghiệp đầu tư hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp...

Phó Chủ tịch cũng yêu cầu các ngành, địa phương tăng cường công tác quản lý, bảo vệ tài nguyên rừng; lưu ý quan tâm vấn đề xả lũ gắn với cơ cấu mùa vụ sao cho hài hòa; tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động sâu rộng trong toàn Đảng, toàn dân về chương trình xây dựng nông thôn mới, phấn đấu trong năm 2019, huyện Tháp Mười được công nhận huyện nông thôn mới.

Thanh Hiền

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn