Câu chuyện thứ hai mươi sáu

Cập nhật ngày: 22/11/2017 07:58:30

Nói liền, hai mươi sáu là thứ tự một Hội quán vừa mới ra đời ở xã Bình Hàng Tây, huyện Cao Lãnh - "Minh Long Hội quán" với 38 thành viên. Lại 38 người dân thân thương quê tôi đã mạnh dạn làm một cuộc cách mạng nhỏ trong bản thân mình rồi. Đó là cuộc cách mạng từ bỏ cách sống lủi thủi một mình để tham gia vào một không gian cộng đồng, bàn những chuyện của cộng đồng, mà cũng chính là chuyện của mỗi nhà, mỗi người.

Thường thì cái gì mà nhiều quá thì đôi khi cũng thấy... bình thường, thậm chí hơi bị ngán. Nhưng mà sao cái vụ Hội quán, mặc dù đến cái thứ hai mươi sáu rồi, mà cũng không thấy bình thường, không thấy ngán chút nào. Vẫn tràn đầy cảm xúc, vẫn náo nức khi gặp những bà con quê tôi. Vẫn thấy thương mến từ nụ cười hào sảng tới lời nói chất phát của người dân. Hình như, bà con đến với Hội quán với nhiều tâm trạng khác nhau. Háo hức hoà vào cái mới mẽ. Âm thầm chờ đợi điều gì sẽ thay đổi. Đâu có gì lạ đâu, "cái buổi ban đầu" còn ngỡ ngàng, còn lúng túng, còn e dè. "Trước lạ sau quen" thôi mà!

Nghe bà con kể lại để có buổi ra mắt hôm nay, lãnh đạo cấp uỷ, chính quyền từ huyện tới xã năm lần bảy lượt xuống cơ sở, vào từng cộng đồng dân cư để tiếp xúc, đối thoại, gợi mở với bà con. Nào là, vì sao lại cần có Hội quán, bà con có lợi ích gì khi trở thành thành viên Hội quán. Nào là, vì sao bà con cần phải có tinh thần tự quản của cộng đồng. Rồi lấy chuyện xứ này xứ nọ để minh chứng cho việc người ta trở nên giàu có nhờ vào tinh thần chăm chỉ, tự lực, hợp tác,... Vậy đó, làm việc gì cũng phải chuẩn bị chu đáo, phải bắt đầu từ việc thay đổi nhận thức người dân, nghe dân nói rồi nói lại với dân, truyền cảm hứng cho nhau. Muốn vậy phải "nhấc mông lên mà đi", và thực sự đã có nhiều lãnh đạo "nhấc mông lên mà đi" rồi. Cuộc sống thực tiễn phong phú lắm. Bà con mình đâu phải ai cũng như ai. "Mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh", đâu chỉ một nghị quyết hay vài ba kế hoạch là thay đổi được đâu!!! Phải tới lui, lên xuống nhiều lần. Phải "vào tận ngõ, gõ từng nhà". Tư tưởng bà con mà hổng thông thì vác bình tông còn hổng nổi nữa là, ông bà mình tổng kết vậy đó!

Kể từ cái Hội quán đầu tiên ra đời cho đến cái thứ hai mươi sáu này, ngoài sự thay đổi từ người dân, còn thấy đâu đó sự thay đổi của đội ngũ cán bộ của mình. Có một lãnh đạo chia sẻ, kể từ khi có Hội quán, anh em ở cơ sở rất vui mỗi khi đến sinh hoạt cùng với bà con. Anh em thấy bớt nặng nề, khuôn thước khi chỉ quanh quẩn trong phòng làm việc của mình. Vậy là, đến với dân, vậy là về với dân rồi. "Đến và về" để mà hiểu dân và dân hiểu mình. "Đến và về" để cảm nhận điều chúng ta gọi là "Đảng sống trong lòng dân, dân trong lòng Đảng". "Đến và về" để "đưa cuộc sống vào nghị quyết", chớ hổng phải chỉ hô hào suông là "đưa nghị quyết vào cuộc sống" - Hổng khéo là mình làm ngược đó nghen! "Đến và về" để luôn tự nhắc nhở rằng, mình là con em của nhân đân, từ nhân dân, rồi nay mai mình cũng trở lại là người dân, người công dân tốt.

Đọc trên báo lâu lâu thấy nói chỗ này, chỗ kia, cán bộ cấp xã coi mình là quan, dân thì coi cán bộ mà như ông trời con. Ngay cả tới cấp thôn, ấp mà cũng hạch sách người dân, lạm thu chỗ này, hoạnh hẹ chỗ kia. Ủa, vậy "Quy chế dân chủ cơ sở" chỉ để treo ở công sở thôi sao? Hổng lẽ tới giờ này mà còn tư tưởng "phụ mẫu chi dân" sao? Nghe mà thấy nặng lòng quá. Nhìn lại quê mình thấy nhẹ lòng vì chưa có những trường hợp như vậy. Nhưng lúc nào cũng phải cảnh giác, phải rèn luyện. Học và làm theo tấm gương, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh thì hãy khắc ghi lời Bác: "Nhiều cán bộ chưa hiểu, cho nên trong lúc làm việc, thường mắc sai lầm đến nỗi chia cán bộ Chính phủ và Đảng ra một phía, quần chúng nhân dân ra một phía".

Vậy là, mô hình Hội quán không chỉ là chuyện thay đổi của người dân, mà còn là chuyện thay đổi của cán bộ cơ sở. Hai sự thay đổi này sẽ cộng hưởng với nhau trở thành sức mạnh của cả xã hội nông thôn. Những điều như vậy cần nên trở thành giáo trình đào tạo, bồi dưỡng cho cán bộ cơ sở trong các trung tâm bồi dưỡng chính trị cấp huyện. Bài học dân vận là ở đó. Đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với cấp uỷ cơ sở dường như cũng ở đó.

Hôm dự lễ khai trương "Minh Long Hội quán", có kể cho bà con mới trước đây một ngày thôi, "Hợp tác xã nông sản an toàn An Hoà" ra đời trên cái nền của "Canh Tân Hội quán". Nói vậy để bà con mình hiểu rằng mục tiêu của Hội quán là để mai này tiến tới hợp tác với nhau trong sản xuất kinh doanh. Có hợp tác xã để làm ăn quy mô lớn, để vượt qua hai điểm nghẽn chết người của nông nghiệp xứ mình là "chi phí cao, chất lượng kém". Làm sao mà cạnh tranh với thiên hạ cho được khi hai điểm nghẽn đó như mũi gươm treo lơ lửng trên đầu người nông dân?

Chia sẻ nhiều điều rồi thấy bà con mình gật gù mà thấy nhẹ cả lòng. Lại thêm nhiều bà con quê tôi thay đổi nữa rồi. Bữa đó, có anh trong Ban Chủ nhiệm Hội quán vô câu vọng cổ ngọt sớt: "... Bình Hàng Tây quê mình hôm qua bom cày đạn xới...". Hôm qua là như vậy, nhưng mai này, bộ mặt Bình Hàng Tây sẽ thay đổi mạnh mẽ, hoa rồi sẽ nở khắp Bình Hàng Tây như đoạn đường làng trước Hội quán hôm khai trương vậy.

Xích Lô

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn