Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp

Cập nhật ngày: 15/06/2012 07:56:51

Trong những năm qua, cùng với việc chú trọng chăm lo phát triển kinh tế - xã hội, công tác bảo tồn và phát triển các di sản văn hóa trong tỉnh luôn được Đảng bộ quan tâm đặc biệt. Xác định di sản văn hóa là tài sản vô giá của các thế hệ cha ông ta để lại cho thế hệ trẻ hôm nay và mai sau, có ý nghĩa rất quan trọng trong việc giáo dục thế hệ trẻ về truyền thống lịch sử văn hóa của dân tộc, là phương tiện để giới thiệu về hình ảnh địa phương cho các du khách trong và ngoài nước, tạo tiền đề cho các chiến lược phát triển du lịch góp phần tăng trưởng kinh tế - xã hội tỉnh nhà.


Ngoài 14 di tích được xếp hạng cấp quốc gia và 49 di tích được xếp hạng cấp tỉnh, hàng năm, Bảo tàng Đồng Tháp tổ chức trưng bày, triển lãm lưu động tại các địa phương trong tỉnh nhất là vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới nhiều bộ sưu tập tư liệu, hiện vật, hình ảnh quý hiếm... vừa phục vụ nhu cầu giáo dục về lịch sử truyền thống cách mạng của Đảng, về đất nước con người Việt Nam, về tiềm năng triển vọng Đồng Tháp vừa phục vụ nhu cầu hưởng thụ văn hóa của nhân dân.

Với bề dày lịch sử của Đồng Tháp, ngoài các di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh thì nét văn hóa đặc trưng riêng biệt của con người Đồng Tháp còn chứa đựng nhiều vốn văn hóa dân gian tiềm ẩn, lưu truyền trong nhân dân. Hoạt động nghệ thuật dân gian phát triển đa dạng với nhiều điệu lý, câu hò, thơ ca, đờn ca tài tử với những nhạc cụ dân tộc như đàn bầu, đàn tranh, đàn cò... đã trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu của người dân Đồng Tháp. Những lễ hội văn hóa truyền thống mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc; những làng nghề thủ công truyền thống vô cùng tinh xảo được thể hiện qua đôi tay điêu luyện của các nghệ nhân được lưu giữ chủ yếu trong dân gian theo phương pháp truyền miệng, truyền nghề. Hiện nay, tỉnh Đồng Tháp đang thực hiện 9 dự án về văn hóa phi vật thể, bảo tồn và duy trì hoạt động thường xuyên 123 lễ hội truyền thống, 195 câu lạc bộ đờn ca tài tử và 38 loại hình trò chơi dân gian và 44 làng nghề truyền thống. Hướng tới tỉnh có chủ trương tiếp tục sưu tầm kiểm kê các giá trị văn hóa phi vật thể như giai thoại truyền khẩu, tên gọi sông rạch, cầu đường, địa danh làng ấp, chuyện dân gian... làm cho hoạt động văn hóa phi vật thể ngay càng phong phú đang dạng.

Trong những năm qua, các cấp, các ngành đã có nhiều cố gắng và đạt được những hiệu quả nhất định trong việc bảo tồn, tôn tạo và phát huy các giá trị di sản văn hóa trên địa bàn tỉnh từ đó thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội nhất là các hoạt động du lịch - dịch vụ. Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Tỉnh lần thứ IX đã đề ra phương hướng, nhiệm vụ chung để phát triển văn hóa - xã hội là “Chăm lo đời sống văn hóa - tinh thần, xây dựng con người, bảo đảm tiến bộ xã hội và phát triển bền vững”, một trong những giải pháp để thực hiện là quan tâm chú trong công tác bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể, tạo điều kiện khôi phục lễ hôi, tôn vinh các giá trị truyền thống của dân tộc... Vì vậy, nhiệm vụ trong thời gian tới là cần đẩy mạnh công tác quản lý di sản văn hoá theo đường lối của Đảng để vừa bảo tồn được văn hóa truyền thống, vừa khai thác giá trị phục vụ phát triển kinh tế địa phương, vừa đảm bảo được sự phát triển bền vững lâu dài của các mục tiêu chung về chính trị, kinh tế, văn hóa.

Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa trên địa bàn tỉnh đòi hỏi đầu tư nhiều công sức, trí tuệ và thời gian lâu dài của toàn thể xã hội. Thông qua các loại hình báo chí tuyên truyền, giáo dục cho mọi tầng lớp nhân dân, nhất là thế hệ trẻ hiểu biết giá trị di sản văn hóa của địa phương. Từ đó, khơi dậy lòng tự hào, trân trọng di sản văn hóa của ông cha để lại.

Lan Quyên

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn