Chung tay hỗ trợ người nghèo
Cập nhật ngày: 24/01/2018 15:31:33
ĐTO - Thời gian qua, ngoài ngành lao động, thương binh và xã hội, các ban, ngành, đoàn thể, các tổ chức, cá nhân đã chung tay hỗ trợ người nghèo với rất nhiều phương thức và hoạt động. Qua đó, giúp nhiều người có hoàn cảnh khó khăn vươn lên thoát nghèo, ổn định cuộc sống.
Hội Chữ thập đỏ trao bò hỗ trợ hộ nghèo
Cụ thể, những năm qua, các cấp Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) trong tỉnh đã có nhiều mô hình giúp hội viên phụ nữ nghèo phát triển kinh tế. Nổi bật như các mô hình: 3 hộ khá, giàu giúp 1 hộ thoát nghèo bền vững; giúp phụ nữ nghèo có địa chỉ; phụ nữ làm kinh tế giỏi; 5 không 3 sạch;... bằng nhiều hình thức như: giúp kiến thức, hỗ trợ vốn, dạy nghề, chuyển giao khoa học kỹ thuật, truyền nghề, giới thiệu việc làm trong và ngoài nước. Qua đó đã có nhiều gương phụ nữ nghèo vươn lên thoát nghèo làm kinh tế giỏi.
Từ 1 hộ nghèo đi làm thuê để nuôi gia đình 6 miệng ăn nhưng được Hội LHPN xã Thanh Mỹ, huyện Tháp Mười giới thiệu học nghề đan lục bình và hỗ trợ vốn để phát triển nghề, gia đình cô Đỗ Thị Điệp (ngụ ấp Hưng Lợi) đã vươn lên thoát nghèo, cất được căn nhà khang trang.
Được biết, sau khi học được nghề, cô Điệp về dạy lại các thành viên trong gia đình và những người trong xóm. Sau đó, cô Điệp mạnh dạn thành lập Tổ đan lục bình rồi đứng ra liên hệ với một số công ty nhận đơn hàng, lấy mẫu, khung và đầu tư vốn mua nguyên liệu giao cho các thành viên trong tổ đan gia công. Cô Điệp chia sẻ: “Hiện tại, tổng thu nhập của gia đình (6 thành viên) khoảng10 triệu đồng/tháng”.
Trong năm 2017, các cấp hội phụ nữ trong tỉnh đã nhận hỗ trợ cho 24.164 hộ nghèo bằng nhiều hình thức, qua đó có 4.087 hộ được đưa vào danh sách bình xét thoát nghèo vào cuối năm 2017.
Hội Nông dân tỉnh cũng quan tâm, giúp đỡ tạo điều kiện cho hộ nghèo và cận nghèo tiếp cận các chính sách của Nhà nước, tạo việc làm, hỗ trợ nhà ở, tiếp cận vốn Quỹ hỗ trợ nông dân, vốn ủy thác của Ngân hàng Chính sách Xã hội kết hợp các phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi; đã lôi cuốn, khích lệ hàng trăm ngàn hội viên, nông dân phát huy tinh thần lao động cần cù, đoàn kết vươn lên giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững.
Một trong những mô hình tiêu biểu của Hội là Tổ hùn vốn cất nhà kiên cố và bán kiên cố, giúp nhiều hộ khó khăn về nhà ở được an cư, yên tâm lao động phát triển kinh tế gia đình.
Được biết, toàn tỉnh hiện có 77 tổ hùn vốn cất nhà kiên cố, bán kiên cố với trên 800 thành viên, đã cất mới trên 500 căn nhà.
Gia đình ông Trần Văn Phương (ấp K9, xã Phú Hiệp, huyện Tam Nông) trước đây sống trong căn nhà gỗ, mái lợp tôn lụp xụp. Sau khi tham gia tổ hùn vốn và được xét chọn nhận 70 triệu đồng vốn, cộng với vốn tiết kiệm từ nhiều năm qua, ông Phương đã xây dựng được căn nhà tường khang trang, rộng rãi, nền lót gạch bông, chiều ngang 13m, dài 15m, trị giá trên 350 triệu đồng. Ông Phương chia sẻ: “Tôi phấn khởi lắm, vợ chồng tôi hết lo về nhà cửa nữa rồi, chỉ lo cho con cái ăn học”.
Một trong những ngôi nhà được cất từ Tổ hùn vốn cất nhà kiên cố của Hội Nông dân
Năm 2017, Hội Chữ thập đỏ tỉnh cũng đã hỗ trợ cho hơn 720 lượt người nghèo: tặng quà, xây nhà, hỗ trợ con giống (116 con bò), khám bệnh, cấp phát thuốc cho người nghèo,... với tổng số trên 154 tỷ đồng. Tỉnh đoàn phối hợp Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tổ chức 11 sàn giao dịch việc làm, thu hút trên 10.320 lượt đoàn viên, thanh niên tìm việc làm, học nghề; giải quyết việc làm cho trên 22.210 lao động. Hội Cựu chiến binh, Hội Khuyến học, Liên đoàn Lao động, Công an, Quân sự,... cũng tổ chức nhiều hoạt động, mô hình hỗ trợ người nghèo.
Song song đó, các tổ chức đoàn thể chính trị tỉnh, nhiều tổ chức, cá nhân trong tỉnh cũng tích cực tham gia hỗ trợ người nghèo. Như sự chia sẻ của 4 lão nông ở ấp K11, xã Phú Hiệp, huyện Tam Nông. Suốt hơn 5 năm qua, họ đã đứng ra đi thuê đất của các hộ khác để trồng lúa, lấy lợi nhuận cất nhà tình thương cho hộ nghèo, hỗ trợ người nghèo bị bệnh đột xuất và nhiều hoạt động từ thiện, nhân đạo khác tại địa phương. Sự hỗ trợ từ 18 thành viên Nhóm Tấm lòng nhân ái (TP.Cao Lãnh) bằng cách hàng tuần đóng góp và vận động các nhà hảo tâm hỗ trợ cho các gia đình khó khăn: tiền, quần áo, mùng mền, gạo và các nhu yếu phẩm,... Cụ Hà Văn Cống ở phường 6, TP.Cao Lãnh, Tết năm nào cũng vận động người thân tặng gạo cho bà con nghèo, dùng tiền để dành mua xe đạp cũ rồi tự tay sửa chữa lại để tặng cho học sinh nghèo,...
Nhờ sự chung tay hỗ trợ mà công tác giảm nghèo trên địa bàn tỉnh chuyển biến tích cực. Năm 2017, tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh giảm 2,03%, vượt chỉ tiêu (chỉ tiêu 1,5%). Thu nhập bình quân hộ nghèo tăng 1,14% so với đầu giai đoạn 2016 – 2020 (thu nhập bình quân hộ nghèo cuối năm 2015 là 711.795 đồng, cuối năm 2017 là 810 ngàn đồng).
BÍCH LIỄU