Công đoàn Đồng Tháp - 39 năm xây dựng và phát triển
Cập nhật ngày: 23/07/2014 05:38:41
Phỏng vấn của phóng viên Báo Đồng Tháp với bà Phan Thị Quyến, Tỉnh ủy viên, Chủ tịch Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) tỉnh Đồng Tháp nhân dịp kỷ niệm 85 năm Ngày thành lập Công đoàn Việt Nam (28/7/1929 - 28/7/2014).
Bà Phan Thị Quyến
Phóng viên (PV): Xin bà cho biết một số kết quả nổi bật trong phong trào công nhân, viên chức, lao động (CNVCLĐ) và hoạt động công đoàn Đồng Tháp 39 năm qua?
Bà Phan Thị Quyến (P.T.Q): Được thành lập vào tháng 5/1975, trải qua 9 kỳ đại hội, hiện nay toàn tỉnh có 1.513 công đoàn cơ sở (CĐCS), nghiệp đoàn và 81.317 CNVCLĐ, trong đó có 64.524 đoàn viên (ĐV) công đoàn.
Kết quả nổi bật là tất cả hoạt động công đoàn tỉnh đã bám sát vào Nghị quyết của Tổng Liên đoàn và của Tỉnh ủy. Trong tổ chức phong trào, công đoàn đã từng bước hoàn thiện, đổi mới, sáng tạo, sát cơ sở và thực tiễn, thiết thực với từng đối tượng, cơ sở và đời sống CNVCLĐ. Hoạt động chăm lo bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của CNVCLĐ; tuyên truyền, quán triệt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, Tháng Công nhân, tuyên truyền về tình hình biển Đông và các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục - thể thao được tổ chức thường xuyên, liên tục, rộng khắp hướng về cơ sở và nhận được sự đồng tình, hưởng ứng tích cực của ĐV, CNVCLĐ.
Điển hình một số phong trào như: thể dục, thể thao CNVCLĐ; liên hoan văn nghệ CNVCLĐ; hội thi tìm hiểu, đối thoại pháp luật; chương trình đưa hàng Việt về khu công nghiệp; phong trào thi đua “Lao động giỏi, lao động sáng tạo”, “Giỏi việc nước, đảm việc nhà”, “Thi đua chung sức xây dựng nông thôn mới”, “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”,... và các hoạt động xã hội, từ thiện; các mô hình mới như tổ công nhân tự quản khu nhà trọ, công đoàn đồng hành cùng doanh nghiệp thực hiện chính sách, pháp luật ngày càng có sức lan tỏa. Qua đó, ĐV công đoàn, CNVCLĐ được rèn luyện, trưởng thành và không ngừng phát triển.
Đồng Tháp là tỉnh đầu tiên trong cả nước thực hiện Chương trình xây dựng nhà tình thương cho CNVCLĐ có hoàn cảnh khó khăn về nhà ở, nay là Chương trình Mái ấm Công đoàn. Qua 14 năm vận động, Quỹ mái ấm Công đoàn đã lên đến con số gần 25 tỷ đồng, đã hỗ trợ xây dựng mới hơn 1.800 căn, trị giá mỗi căn nhà cũng được nâng lên theo từng giai đoạn.
P.V: Theo bà, phong trào CNVCLĐ và hoạt động công đoàn đã góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương như thế nào?
Bà P.T.Q: Từ năm 1975 đến nay, kinh tế - xã hội của tỉnh không ngừng phát triển, nhất là quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Nhiều khu công nghiệp, cụm công nghiệp được hình thành và đi vào hoạt động mang lại hiệu quả. Theo đó, lực lượng CNVCLĐ ngày càng đông, đã góp phần quan trọng vào quá trình tăng trưởng kinh tế của tỉnh. Quan trọng hơn là những năm gần đây, Đồng Tháp duy trì được nhịp độ tăng trưởng kinh tế cao. Năm 2012 dẫn đầu cả nước và năm 2013 nằm trong tốp 5 bảng xếp hạng chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI). Trong thành tựu đó có sự đóng góp to lớn của cộng đồng doanh nghiệp, CNVCLĐ và tổ chức công đoàn tỉnh nhà.
Theo đó, các cấp công đoàn tiếp tục vận động CNVCLĐ tích cực học tập, nâng cao trình độ về mọi mặt, thi đua lao động sản xuất, có nhiều sáng kiến làm lợi cho cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp góp phần vào phát triển kinh tế chung của tỉnh.
PV: Để nâng cao hiệu quả phong trào CNVCLĐ và hoạt động công đoàn tỉnh, cần có những giải pháp gì?
Bà P.T.Q: Cần chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng, quy hoạch cán bộ, nhất là cán bộ trẻ, cán bộ kế thừa. Có kế hoạch sử dụng, bố trí cán bộ công đoàn (CBCĐ) đảm bảo khoa học, hợp lý; làm tốt công tác qui hoạch, đào tạo. Xây dựng đội ngũ CBCĐ có phẩm chất, năng lực, có tâm huyết, nhiệt tình với công tác công đoàn, có uy tín, kinh nghiệm hoạt động thực tiễn, trưởng thành từ phong trào; tăng cường cán bộ đi cơ sở; lấy hiệu quả hoạt động của công đoàn làm thước đo, đánh giá năng lực CBCĐ.
Quán triệt đến các cấp công đoàn việc chăm lo, đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của CNVCLĐ chính là góp phần thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Quá trình vận dụng các chức năng cơ bản của công đoàn cần được tiến hành đồng bộ, xem việc góp phần đảm bảo hài hòa lợi ích của nhà nước, đơn vị, doanh nghiệp và của người lao động là một vấn đề có tính nguyên tắc được thể hiện cụ thể qua các chương trình, kế hoạch phối hợp hoạt động giữa tổ chức công đoàn với các cơ ngành hữu quan, với người sử dụng lao động.
Kịp thời quán triệt các chỉ đạo, chủ trương, nghị quyết của cấp ủy, của công đoàn cấp trên đến CĐCS; xác định nhiệm vụ, phương thức hoạt động cụ thể cho từng giai đoạn; trong đó, nhiệm vụ kết nạp ĐV mới, phát triển tổ chức công đoàn, công đoàn tích cực tham gia thực hiện quy chế dân chủ cơ sở tại nơi làm việc, đại diện tập thể người lao động thương lượng, ký kết thỏa ước lao động tập thể tại doanh nghiệp nhằm xây dựng mối quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ trong doanh nghiệp, góp phần chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động là nhiệm vụ quan trọng nhất.
Cần làm tốt công tác dự báo tình hình, kịp thời đề ra giải pháp thích hợp; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát của công đoàn. Làm tốt công tác tham mưu và tranh thủ sự lãnh đạo của Đảng, sự phối hợp, hỗ trợ của chính quyền, các ngành, đoàn thể, doanh nghiệp.
Với những việc làm nêu trên chắc chắn Công đoàn tỉnh Đồng Tháp sẽ không ngừng lớn mạnh về mọi mặt, luôn là lực lượng đi đầu và có đóng góp quan trọng đối với sự phát triển chung của tỉnh cũng như trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
PV: Xin cảm ơn bà!
DU-LH
(Thực hiện)