Dấu ấn đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm và giảm nghèo bền vững

Cập nhật ngày: 09/08/2019 10:46:37

ĐTO - Các cấp, ngành, địa phương đã cụ thể hóa chương trình việc làm giai đoạn 2016-2020, nhất là công tác dạy nghề kết hợp chặt chẽ với giải quyết việc làm cho người lao động (NLĐ), góp phần giảm nghèo có hiệu quả. Các cơ sở dạy nghề, doanh nghiệp thực hiện tốt công tác dạy nghề, giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập của người dân, tạo đà thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nhà.


Gia đình ông Huỳnh Văn Huyền (bên phải) ngụ thị trấn Mỹ An, huyện Tháp Mười có 3 người con đi lao động ở nước ngoài

Từ việc làm và thị trường LĐ

Thực hiện Đề án đào tạo nghề cho lao động (LĐ) nông thôn theo Quyết định số 1956 của Thủ tướng Chính phủ, trong 5 năm qua, tỉnh đã triển khai đồng loạt các hoạt động dạy nghề bằng nhiều hình thức thiết thực như: dạy nghề nông thôn; dạy nghề theo địa chỉ cho các doanh nghiệp cho 102.667 LĐ, qua đó tạo việc làm và thu nhập cho LĐ, nhất là LĐ ở nông thôn. Chị Trương Thị Hồng Thắm ngụ ấp 4, xã Mỹ Hiệp, huyện Cao Lãnh cho biết, nhờ tham gia học nghề đan lục bình nên chị nhận sản phẩm về đan và “truyền nghề” cho nhiều chị em trong ấp cùng làm. Hiện tại, các chị tham gia đan lục bình có thu nhập trên dưới 100.000 đồng/người/ngày (tùy số lượng sản phẩm). Ngoài đan lục bình, chị Thắm còn mua bán sản phẩm từ lục bình nên có thu nhập khá...

Cùng với công tác đào tạo nghề, việc giải quyết việc làm cũng được triển khai, thực hiện thường xuyên, liên tục thông qua hoạt động tư vấn, cung ứng, giới thiệu việc làm ngày càng đa dạng, phong phú nhằm giúp NLĐ và gia đình nắm bắt thông tin về thị trường LĐ, chủ động tìm kiếm việc làm. Hoạt động dịch vụ việc làm đã kết nối NLĐ với người sử dụng LĐ, nhất là chương trình đưa NLĐ đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài đã mở ra thị trường LĐ có việc làm ổn định, thu nhập cao, thu hút đông đảo NLĐ tham gia.

Các cấp tổ chức chính trị - xã hội của huyện Tháp Mười tập trung tuyên truyền rõ ràng nhiều chính sách hỗ trợ của tỉnh như: học ngoại ngữ, giáo dục định hướng, cho vay vốn tín chấp làm chi phí. Từ đó, nhiều con em hội viên Hội Liên hiệp Phụ nữ, Hội Nông dân, Hội Cựu chiến binh tham gia đi LĐ có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng. Để minh chứng hiệu quả của công tác trên theo hướng “Người thật, việc thật”, Hội Cựu chiến binh huyện Tháp Mười mời những gia đình, NLĐ đã tham gia làm việc ở nước ngoài sau khi hoàn thành hợp đồng trở về nước để tiếp xúc, đối thoại thực tế nhằm tạo sự yên tâm cho LĐ có nhu cầu đi làm việc ở nước ngoài. Qua đó, hộ ông Huỳnh Văn Huyền ở thị trấn Mỹ An, huyện Tháp Mười có 3 người con tham gia đi LĐ, hộ ông Võ Chí Công ở xã Hưng Thạnh (huyện Tháp Mười) cũng có 2 người con tham gia LĐ ở nước ngoài... Kết quả từ năm 2012 đến nay, toàn tỉnh đã giải quyết việc làm cho hơn 200.000 LĐ, trong đó 4.935 người đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài.


Lao động nữ ở xã Phú Đức, huyện Tam Nông có thêm thu nhập từ nghề đan lục bình vào thời điểm nông nhàn

Đến dấu ấn giảm nghèo

Qua triển khai thực hiện công tác giảm nghèo trên địa bàn tỉnh đã đạt nhiều kết quả quan trọng, nổi bật là sự quyết tâm vào cuộc của cả hệ thống chính trị, thu hút đông đảo cộng đồng dân cư và doanh nghiệp tham gia. Nhiều chính sách giảm nghèo được triển khai, lồng ghép cùng với các chương trình phát triển kinh tế - xã hội ở các địa phương. Các chính sách xã hội hỗ trợ cho người nghèo, hộ nghèo ngày càng phát huy tác dụng như: y tế, giáo dục, nhà ở, hỗ trợ vốn vay... tạo điều kiện cho người nghèo, hộ nghèo vươn lên thoát nghèo.

Tỉnh đã bố trí ngân sách 376.556 triệu đồng mua, cấp thẻ bảo hiểm y tế cho 1.019.839 lượt người; mỗi năm hỗ trợ miễn, giảm học phí, trợ cấp học tập cho hơn 65.000 học sinh thuộc hộ nghèo; hỗ trợ tín dụng cho 30.530 hộ nghèo vay vốn làm ăn; xây dựng 11.118 căn nhà cho hộ nghèo theo Quyết định 67 và 288 căn được hỗ trợ theo Quyết định 33 của Thủ tướng Chính phủ; kêu gọi, vận động các nhà hảo tâm, doanh nghiệp hỗ trợ xây dựng 11.135 căn nhà cho hộ nghèo;... Kết quả thực hiện chương trình giảm nghèo trong giai đoạn 2011-2015 từ 15,73% năm 2011 xuống còn 3,67% vào cuối năm 2015, với hơn 60.000 hộ thoát nghèo và có gần 11.000 hộ nghèo mới phát sinh.

Kết quả giảm nghèo đến năm 2018 theo tiêu chí mới (Quyết định số 59 của Thủ tướng Chính phủ) ban hành chuẩn nghèo đa chiều, tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh giảm 4,28%, bình quân tỷ lệ hộ nghèo giảm hàng năm 2,24% giai đoạn 2012 – 2018. Cụ thể, sau cuộc tổng điều tra, rà soát hộ nghèo theo phương pháp tiếp cận đa chiều vào cuối năm 2015, toàn tỉnh có 43.588 hộ nghèo (chiếm 9,98%) và 22.176 hộ cận nghèo (chiếm 5,08%). Đến cuối năm 2018, số hộ nghèo còn lại là 4,28% (với 19.077 hộ), tỷ lệ hộ nghèo giảm 1,83% vượt chỉ tiêu (chỉ tiêu 1,5%); thu nhập bình quân đầu người của hộ nghèo năm 2018 gấp 2,02 lần so với năm 2010.

D.C-C.P

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn