Nhiều giải pháp phòng ngừa tai nạn thương tích, đuối nước trẻ em
Cập nhật ngày: 18/01/2021 09:28:58
ĐTO - Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) đã phối hợp các ban, ngành, tổ chức chính trị - xã hội tỉnh và hệ thống Ban Bảo vệ trẻ em (TE) huyện, thành phố đẩy mạnh thực hiện các giải pháp tuyên truyền, xây dựng mô hình ngôi nhà an toàn tại các gia đình, phổ cập bơi cho TE,... nhằm nâng cao ý thức, trách nhiệm của gia đình, cộng đồng trong việc chăm sóc, phòng, chống tai nạn thương tích (TNTT), đuối nước TE.
Trẻ em tại xã Tân Phước, huyện Lai Vung luyện tập các kỹ năng bơi cơ bản tại buổi học phổ cập bơi
Năm 2020, Sở LĐ-TB&XH phối hợp hệ thống Ban Bảo vệ TE các huyện, thành phố chọn mỗi huyện, thành phố 2 xã để thực hiện mô hình ngôi nhà an toàn phòng, chống TNTT, đuối nước TE. Đồng thời triển khai các tiêu chí ngôi nhà an toàn để địa phương thực hiện. Ngoài các xã được chọn, Ban Bảo vệ TE các xã, thị trấn trong tỉnh cũng triển khai tuyên truyền, vận động người dân thực hiện mô hình ngôi nhà an toàn.
Tại xã Phương Thịnh, huyện Cao Lãnh, Ban Bảo vệ TE xã vận động các gia đình có con dưới 16 tuổi ở 7 ấp thực hiện mô hình ngôi nhà an toàn. Công chức LĐ-TB&XH xã phối hợp cộng tác viên ấp tuyên truyền các kiến thức, kỹ năng chăm sóc trẻ, phòng tránh TNTT, đuối nước TE, hướng dẫn thực hiện các tiêu chí ngôi nhà an toàn cho từng hộ gia đình. Qua đó, nhiều gia đình đã chủ động trang bị các biện pháp an toàn để bảo vệ TE. Anh Hà Văn Lén (SN 1953) ngụ ấp 1, xã Phương Thịnh cho biết: “Nhà tôi có 2 cháu nhỏ rất hiếu động, thường hay chạy đi chơi, nhà tôi lại gần đường, bờ sông nên rất nguy hiểm. Được địa phương vận động, tôi đăng ký thực hiện mô hình ngôi nhà an toàn. Tôi làm hàng rào xung quanh nhà cho các cháu chơi trong nhà để an toàn hơn, di dời những vật sắc nhọn, điện, bếp lửa, nước sôi,... xa tầm tay các cháu để tránh nguy hiểm”. Anh Đinh Hoàng Sáng - công chức LĐ-TB&XH xã Phương Thịnh cho biết: “Mô hình ngôi nhà an toàn được người dân ở xã tích cực thực hiện. Năm 2020, toàn xã có 450 hộ gia đình đăng ký thực hiện đạt các tiêu chí ngôi nhà an toàn được công nhận. Qua thực hiện mô hình, người dân đã ý thức hơn trong việc đảm bảo an toàn cho TE, góp phần kéo giảm các vụ TNTT, đuối nước TE ở xã”. Hiện nay, ngoài xã Phương Thịnh, nhiều địa phương khác trong tỉnh cũng vận động người dân thực hiện mô hình ngôi nhà an toàn đảm bảo an toàn cho TE. Theo Sở LĐ-TB&XH, năm 2020, toàn tỉnh có hơn 40.770 hộ gia đình thực hiện đạt các tiêu chí mô hình ngôi nhà an toàn và được công nhận, góp phần hạn chế các vụ TNTT, đuối nước TE.
Ngoài ra, hàng năm, ngành văn hóa, thể thao và du lịch phối hợp các địa phương triển khai chương trình phổ cập bơi cho TE từ 7 - 15 tuổi trong tỉnh. Năm 2020, toàn tỉnh đã mở 986 lớp phổ cập bơi, trang bị cho các em kỹ năng bơi cơ bản, biết xử lý tình huống trong môi trường nước đã giúp cho trên 24.650 TE biết bơi. Đặc biệt, từ năm 2019 đến nay, thực hiện dự án “Hỗ trợ triển khai các can thiệp hiệu quả và bền vững để phòng, chống đuối nước TE” tại 15 xã điểm của 4 huyện: Châu Thành, Lấp Vò, Lai Vung, Tam Nông đã tổ chức dạy bơi cho nhiều TE. Riêng năm 2020, đã dạy cho hơn 1.800 TE biết bơi. Bên cạnh đó, Sở LĐ - TB&XH còn phối hợp các ngành giáo dục và đào tạo, công an, y tế, Ban Bảo vệ TE các cấp tổ chức các hội thi về kỹ năng an toàn trong môi trường nước cho TE tham gia; tổ chức trên 2.000 cuộc tuyên truyền xây dựng cộng đồng an toàn phòng, chống TNTT, đuối nước TE, cấp phát trên 20.000 tờ rơi các kiến thức về phòng ngừa TNTT, đuối nước TE cho hộ gia đình ở khu vực các xã vùng nông thôn.
Tiếp tục thực hiện công tác phòng, chống TNTT, đuối nước TE, Sở LĐ - TB&XH phối hợp các ngành tăng cường nhiều giải pháp tuyên truyền nâng cao nhận thức của gia đình, cộng đồng trong việc chăm sóc, đảm bảo an toàn cho TE, phòng, chống TNTT, đuối nước; duy trì thực hiện mô hình ngôi nhà an toàn, công tác phổ cập bơi tại địa phương; tăng cường giáo dục trang bị kỹ năng sống cho trẻ; vận động xã hội hóa đầu tư hồ bơi cho các xã vùng nông thôn nhằm tạo điều kiện cho TE được học bơi để phòng, chống TNTT, đuối nước.
MỸ XUYÊN