Những người phụ nữ cống hiến thầm lặng

Cập nhật ngày: 07/03/2016 13:01:27

Có người nhiệt tâm với công tác từ thiện, có người tâm huyết với nghề do mình chọn, nhưng điểm chung ở họ là sống và cống hiến thầm lặng cho xã hội.


Bà Nguyễn Thị Thủy

Tấm lòng thiện nguyện

Nhiều năm nay, bà Nguyễn Thị Thủy (SN 1962, ngụ ấp K12, xã Phú Hiệp, huyện Tam Nông) vận động các tổ chức, cá nhân hỗ trợ vật chất để giúp đỡ những mảnh đời khó khăn sớm vươn lên trong cuộc sống; xây dựng, sửa chữa cầu, đường giao thông nông thôn, cất nhà tình thương; hỗ trợ chi phí mổ mắt cho bệnh nhân nghèo. Cụ thể, bà Thủy ủng hộ hàng trăm triệu đồng và vận động mạnh thường quân được khoảng 4 tỷ đồng để xây dựng 5 cây cầu bê-tông, cất mới 179 căn nhà tình thương, hỗ trợ hàng ngàn bệnh nhân nghèo phẫu thuật mắt và tặng hàng tấn gạo cho các gia đình khó khăn. “Hiện giờ, cuộc sống của tôi ổn định. Tôi thấy bà con khó khăn hơn mình, nên thấy thương và giúp đỡ họ vươn lên trong cuộc sống” - bà Thủy cho biết.

Những việc làm thiện nguyện của bà Thủy đã góp phần phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương, xây dựng nông thôn mới, vì cuộc sống cộng đồng và an sinh xã hội.


Bà Huỳnh Thị Ni

Sau khi nghỉ hưu bà Huỳnh Thị Ni (SN 1948, ngụ khóm 4, thị trấn Lai Vung, huyện Lai Vung) tham gia công tác từ thiện xã hội ở địa phương. Năm 2003, bà Ni làm Tổ trưởng bếp ăn tình thương ở Bệnh viện Đa khoa huyện Lai Vung. Mỗi năm, bà vận động các nhà hảo tâm trong và ngoài huyện đóng góp hàng trăm triệu đồng để đảm bảo cho bếp ăn của bệnh viện được duy trì và hoạt động hiệu quả, giúp đỡ những người gặp khó khăn khi đến bệnh viện điều trị.

Từ năm 2010, hàng tháng, bà Ni trích tiền lương hưu của mình ra đóng góp vào Quỹ Khuyến học của thị trấn Lai Vung để giúp đỡ học sinh có hoàn cảnh khó khăn và tự nguyện đóng góp hàng triệu đồng vào Quỹ Vì người nghèo của thị trấn để xây nhà tình thương và hỗ trợ gia đình khó khăn. “Điều kiện gia đình của tôi ổn định, với lại lớn tuổi nên xài tiền cũng ít, do đó tôi trích một phần lương hưu làm công tác xã hội. Tôi nhận thấy, trong xã hội còn nhiều người có hoàn khó khăn hơn mình, nên cảm thương họ. Hàng ngày, tôi chịu khó tiết kiệm trong sinh hoạt một chút, để dành đóng góp nhiều hơn cho xã hội” - bà Ni chia sẻ.

Tâm huyết với nghề


Cô giáo Nguyễn Thị Thanh Nhi

Năm 1987, cô giáo Nguyễn Thị Thanh Nhi - Trường THCS Phong Hòa (huyện Lai Vung) tốt nghiệp Cao đẳng chuyên ngành Vật lý và được phân công về giảng dạy tại Trường THCS Phong Hòa cho đến nay. Cô Nhi kể, những năm đầu mới vào nghề, cô gặp không ít khó khăn, cơ sở vật chất của trường còn thiếu thốn, giao thông đi lại không thuận tiện, nhưng với lòng yêu nghề nên cô luôn phấn đấu khắc phục khó khăn và chuyên tâm giảng dạy. Sau nhiều năm tích lũy kinh nghiệm từ thực tế đứng lớp, học hỏi từ đồng nghiệp và sự quan tâm của Ban giám hiệu nhà trường đã tạo điều kiện để cô phát huy năng lực chuyên môn.

Năm 2000 và 2001, cô Nhi dự thi giáo viên dạy giỏi cấp huyện đạt kết quả cao. Năm 2002, cô dự thi giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh và đạt danh hiệu Viên phấn vàng môn Vật lý. “Để có phương pháp dạy học tốt, đạt hiệu quả cao, giáo viên cần phải tìm hiểu từng đối tượng học sinh, nghiên cứu, lựa chọn phương pháp dạy học phù hợp; gần gũi với học sinh yếu, kém để giúp đỡ, hỗ trợ thêm cho các em. Ngoài ra cần phải rút kinh nghiệm trong việc biên soạn giáo án qua từng tiết dạy; không ngừng học hỏi, trau dồi kiến thức với đồng nghiệp và thường xuyên cập nhật kiến thức qua sách, báo” - cô Nhi chia sẻ.

Không chỉ giỏi chuyên môn, với vai trò là giáo viên chủ nhiệm, cô Nhi luôn tận tâm với học sinh, gần gũi tìm hiểu hoàn cảnh gia đình từng em để có cách giúp đỡ kịp thời, không để học sinh bỏ học không có lý do chính đáng. Cô Nhi cho biết: “Đối với học sinh cá biệt, phải tìm hiểu nguyên nhân khiến các em có nhân cách không tốt, từ đó giúp đỡ các em vượt qua lỗi lầm để các em cảm nhận được từng việc làm của mình, tự bản thân sửa đổi và tham gia các hoạt động của trường, lớp đưa ra. Đối với học sinh khá, giỏi thì tạo điều kiện bồi dưỡng thêm cho các em ngoài giờ học chính khóa, trong tiết dạy cố gắng lồng ghép kiến thức mở rộng nâng cao cho các em”.


Bác sĩ Nguyễn Kim Dung

30 năm gắn bó với ngành y tế, bác sĩ Nguyễn Kim Dung - Trưởng Trạm Y tế xã Phú Cường (huyện Tam Nông) luôn nỗ lực vượt mọi khó khăn, cống hiến hết mình cho sự nghiệp dân số kế hoạch hóa gia đình và chăm sóc sức khỏe nhân dân. Bác sĩ Dung cho biết, năm 1987, tốt nghiệp Y sĩ Đa khoa Trường Trung học Y tế Đồng Tháp và được tiếp nhận làm việc tại Trạm Y tế xã Phú Thọ. Đến năm 1989, bác sĩ Dung được chuyển về Trạm Y tế xã Phú Cường. Công tác được 6 năm, bác sĩ Dung đi học bác sĩ đa khoa ở Trường Đại học Cần Thơ. Khi hoàn thành khóa học, trở về làm việc tại Bệnh viện Đa khoa huyện Tam Nông. Năm 2002, bác sĩ Dung được điều động giữ chức Trưởng Trạm Y tế xã Phú Cường cho tới nay.

Trải qua 30 năm công tác trong ngành y tế và hơn 20 năm phụ trách chương trình dân số kế hoạch hóa gia đình, bác sĩ Dung tích cực tuyên truyền, vận động, giáo dục, thuyết phục mỗi gia đình nên có ít con để có cuộc sống hạnh phúc. Ngoài ra, bác sĩ Dung phụ trách xây dựng mạng lưới nhân viên sức khỏe cộng đồng ở từng khu vực dân cư và cùng các thành viên đến từng ấp để điều tra, nắm chắc các đối tượng trong độ tuổi sinh đẻ chưa áp dụng kế hoạch hóa gia đình; tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng và hoàn cảnh từng gia đình để có kế hoạch tư vấn kịp thời, đúng lúc.

Bác sĩ Dung nhớ lại: “Có lần, tôi chuyển một sản phụ sinh khó, có nguy cơ vỡ tử cung cần chuyển nhanh lên Bệnh viện Đa khoa huyện Tam Nông. Bệnh viện cho hướng xử trí là phẫu thuật và phải chuẩn bị máu trước để truyền cho sản phụ. Bệnh viện hết máu dự trữ, đành phải vận động người thân sản phụ thử máu để hiến. Kết quả không có người nào trong gia đình sản phụ cùng nhóm máu. Cuối cùng, tôi cùng nhóm máu và là người tình nguyện hiến máu để cứu sản phụ”.

Bác sĩ Trần Hữu Trí - Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Tam Nông nhận xét: “Bác sĩ Dung là một trong những tấm gương sáng về y đức. Dù trong gian khó, bác sĩ Dung vẫn bền lòng, vững chí vượt qua, tận tâm với nghề chăm sóc sức khỏe nhân dân. Tôi đánh giá rất cao bác sĩ Dung là một người năng động, nhạy bén và linh hoạt; một tấm gương thầy thuốc hy sinh thầm lặng cho ngành y tế, rất đáng trân trọng”.

DƯƠNG ÚT

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn