Nỗi lòng những gánh mưu sinh

Cập nhật ngày: 27/06/2012 05:34:35

Vừa qua, thành phố Cao Lãnh chính thức áp dụng quy định cấm bán hàng rong trên 9 tuyến đường, phố trong tỉnh. Dù rằng quy định này nhằm làm sạch đẹp cảnh quan, văn minh đường phố, song cứ nghĩ đến đằng sau quy định ấy là hàng ngàn gánh hàng rong sẽ phải đối mặt với nỗi lo thất nghiệp, nhiều người không khỏi chạnh lòng.


Mua bán lấn chiếm vỉa hè

Nỗi lòng những gánh mưu sinh

“Mấy hôm rày làm ăn mà cứ phập phòng lo sợ, thấy Công an thì đứng dậy dọn bàn sát vô nhà, hễ để ló ra vạch trắng một chút là bị tịch thu liền, bán mà với tâm trạng bất an, rầu quá!” - bà Tư bán quán nước giải khát ở đường Thiên Hộ Dương than. Cũng như bà Tư, chị Trang bán trái cây gần đó cũng buồn bã: “Hôm trước em đi họp ở phường cho biết ngày đầu chỉ dọn dẹp nhắc nhở, từ ngày thứ 2 trở đi nếu tái phạm thì sẽ bị tịch thu hàng hóa, nhưng mới ngày đầu Công an phường đến kiểm tra đã tịch thu 2 cây dù che trái cây của em luôn. Các anh ấy nói phải đợi giải quyết hết mới trả lại, bây giờ em cũng chỉ biết đợi...”. Đồng cảnh ngộ, chị Hồng Biên bán cháo trắng ở đường Phạm Hữu Lầu phường 4 cho biết: “Chồng tôi làm thợ hồ, cả tháng chỉ có hơn triệu bạc thu nhập, tôi chẳng có nghề nghiệp gì nên phải kiếm tiền từ nồi cháo này. Mỗi ngày xe cháo cũng giúp gia đình tôi lo tiền ăn, tiền điện. Chỉ mong sao thành phố cân nhắc và xem xét để tạo điều kiện cho những người bán hàng rong một chỗ ổn định để bán hàng...”.

Giải pháp nào cho hàng rong?

Thực tế khá rõ ràng là việc kinh doanh, bán hàng rong gây cản trở về giao thông, lấn chiếm vỉa hè, lòng đường, chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm của loại hình mua bán này cũng không được quản lý chặt chẽ... Tuy nhiên cũng không thể phủ nhận rằng, các gánh hàng rong đã giải quyết công ăn việc làm cho không ít thành phần lao động nghèo, lao động ngoại tỉnh. Họ không có nghề nghiệp, phải trông chờ vào gánh hàng rong mưu sinh. Chị Biên nói: “Chúng tôi vẫn biết là mình ngồi bán hàng trên vỉa hè thế này là lấn mất chỗ của người đi bộ. Do hoàn cảnh khó khăn nên chúng tôi cũng chỉ theo được cái nghề bán rong này thôi, giờ bị cấm thì không biết xoay sở ra sao”.


Nhiều hộ kinh doanh trên đường Nguyễn Huệ lấn chiếm lòng lề đường

Cũng có khá nhiều người dân tỏ ra đồng tình với quy định này, nhưng một số vẫn còn nhiều băn khoăn. Cô Nguyễn Thị Tuyết Mai (chủ forum photoshop Tuyết Phương đường Phạm Hữu Lầu, phường 4) ủng hộ chủ trương của thành phố nhưng thông cảm với những người bán hàng rong vì đây chủ yếu là dân nghèo. Cô cho rằng cấm bán hàng rong là “đánh” vào dân nghèo. “Đẹp nhưng phải no, dân mình đang nghèo, thành phố không nên cấm một cách triệt để mà nên chăng cần quy định cho phép hàng rong được bán hàng theo giờ quy định. Ngoài thời gian này, cần kiên quyết cấm loại hình mua bán trên hoạt động. Như vậy sẽ đảm bảo cả lợi ích của người dân và trật tự mỹ quan đô thị” - cô nói.

Tuy nhiên, một số người dân còn nghi ngờ về tính khả thi của quy định. Ông Hai N. (phường 4) cho rằng: “Tuy thực tế khá rõ ràng là việc kinh doanh, bán hàng rong gây cản trở về giao thông, lấn chiếm vỉa hè, lòng đường..., nhưng nếu nói về mặt mỹ quan đô thị thì còn rất nhiều điểm mấu chốt khác quan trọng hơn hàng rong như các quán nhậu, những điểm bán xe, cửa hàng kinh doanh, các nhà hàng lớn họ chiếm dụng hè phố - đấy mới là ách tắc giao thông, mới là bộ mặt nhếch nhác của đô thị, nhưng hình như những chỗ đó hiện nay chưa ai động đến. Ví dụ như cửa hàng bán xe máy nằm trên đường chính của thành phố (đường Nguyễn Huệ) đã lấy toàn bộ vỉa hè để xe, buổi chiều họ còn lấy luôn vỉa hè để bán nước, người đi bộ phải xuống lòng đường, có đẹp gì đâu. Trong khi đối với những gánh hàng rong thì lại quyết liệt xử lý... “Tuy nhiên, nói vậy nhưng khi quy định được thực hiện một cách triệt để, chắc chắn người dân sẽ phải thực hiện. Nhưng để “tâm phục, khẩu phục”, cơ quan quản lý cần phải thực hiện thật bài bản và có lộ trình. Có như vậy, chủ trương, chính sách của Nhà nước mới được người dân hưởng ứng...” - ông N. nói thêm.

Giải đáp những vấn đề thắc mắc của người dân, ông Nguyễn Văn Mung - đội phó đội Cảnh sát trật tự Công an thành phố Cao Lãnh cho biết: Vẫn biết trên địa bàn thành phố có một số hộ rất khó khăn, họ kiếm sống bằng cách bám lấy vỉa hè. Chúng tôi cũng rất trăn trở, dẹp thì khó mà để thì vi phạm trật tự đô thị. Trước mắt, chúng tôi chỉ áp dụng quy định ở 9 tuyến đường chính, còn những tuyến đường khác vẫn để người dân buôn bán. Hướng lâu dài sẽ quy hoạch những khu bán hàng theo từng khu vực để người dân yên tâm mưu sinh. Riêng đối với những thắc mắc của người dân, chúng tôi sẽ có kế hoạch kiểm tra và xử lý vi phạm. Đặc biệt, nếu trường hợp nào vi phạm trật tự đô thị mà người dân phát hiện và báo cho Công an, chúng tôi sẽ rất hoan nghênh.

T.A

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn