Vẫn còn chủ quan trong phòng ngừa bệnh sốt xuất huyết

Cập nhật ngày: 25/06/2012 08:58:24

Từ đầu năm 2012 đến nay, toàn tỉnh có trên 1.040 người mắc sốt xuất huyết (SXH), tăng trên 200 trường hợp so với cùng kỳ năm 2011. Các địa phương có số trường hợp mắc SXH cao tính đến ngày 17-6 là: huyện Hồng Ngự 163 trường hợp, Châu Thành và Tam Nông 109 trường hợp, thành phố Cao Lãnh và huyện Cao Lãnh 93 trường hợp. So với các địa phương trong tỉnh, huyện Lai Vung có số ca mắc SXH ít nhất nhưng cũng đã lên đến con số gần 40 trường hợp.


Các bệnh nhân mắc bệnh SXH đang điều trị tại Bệnh viện Đa Khoa Đồng Tháp

Theo bà Nguyễn Lệ Thủy - Phó Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng Đồng Tháp, do vào thời điểm mùa mưa nên lăng quăng, muỗi có điều kiện phát triển và chích người. Song song đó, hiện trong cộng đồng đang có sẵn mầm bệnh SXH (người SXH) nên thời gian gần đây bệnh SXH trên địa bàn tỉnh tăng cao so với những mùa khác, đặc biệt là 6 tháng đầu năm, bệnh SXH lại tăng cao hơn so với cùng kỳ năm trước.

Tại Bệnh viện đa khoa Đồng Tháp, số người mắc bệnh SXH nhập viện tháng sau tăng cao hơn tháng trước. Nếu như trong tháng 5 - 2012 bệnh viện tiếp nhận chỉ trên 50 ca mắc SXH thì chỉ từ đầu tháng 6 đến nay, bệnh viện đã tiếp nhận 98 bệnh nhân vào điều trị do mắc SXH. Theo bác sĩ Nguyễn Thị Hồng Thắm - Trưởng Khoa Nhiễm (Bệnh viện Đa Khoa Đồng Tháp), trung bình mỗi ngày Khoa điều trị cho 20 ca mắc SXH, số ca sốc trung bình một ngày là từ 1 đến 2 ca.

So với các huyện, thị, thành trong tỉnh thì huyện biên giới Hồng Ngự là địa phương có số ca mắc SXH cao nhất tỉnh. Anh Lê Thành Sơn - Phó trưởng Trạm y tế xã Long Thuận, huyện Hồng Ngự cho biết, từ đầu năm 2012 đến nay toàn xã có đến trên 40 trường hợp mắc SXH, số ca mắc SXH cùng kỳ năm 2011 trên địa bàn xã là chưa đến 10 ca.

Tiếp xúc với các bệnh nhân và người nhà bệnh nhân mắc SXH hầu hết mọi người đều cho rằng biết cách phòng ngừa SXH, tuy nhiên họ không quan tâm lắm trong việc phòng SXH vì nghĩ đây là bệnh khó mắc. Chị Hồ Thị Thơm ngụ ấp Long Phú A, xã Phú Thành A, huyện Tam Nông cho biết, có khả năng 2 đứa con chị là Vân Hồ Trung và Vân Tấn Trương ngủ trưa hoặc học bài đến khuya mà không giăng mùng tránh muỗi nên cả 2 đều bị bệnh SXH phải điều trị tại bệnh viện, chị không ngờ cả 2 đứa con mình dễ bị mắc SXH như vậy.

Điều đáng quan tâm hơn, có trường hợp người bị SXH nhiều ngày liền nhưng không được sớm đưa đi điều trị tại các trạm y tế gần nhà hoặc bệnh viện. Theo Khoa Hồi sức nhi - cấp cứu, Bệnh viện Đa Khoa Đồng Tháp, bệnh tình bé Lê Kim Thoại, 8 tuổi (ngụ ấp Bình Thuận, xã Bình Thành, huyện Thanh Bình) đã qua cơn nguy kịch. Trước đó, sáng ngày 18-6, bé Thoại nhập viện và được điều trị tại Khoa Nhiễm trong tình trạng sốt, ói, đau bụng. Sau khi xác định bé bị sốc do SXH, buổi chiều cùng ngày bé được chuyển đến Khoa Hồi sức nhi - cấp cứu. Chị Phan Ngọc Thúy, mẹ bé Thoại cho biết, bé bị sốt, ói, đau bụng liên tiếp 4 ngày, chị đã đưa con đến phòng khám tư trị bệnh. Khoảng 2 giờ khuya ngày thứ tư bệnh tình con chị trở nên nặng hơn nên chị đưa con đến điều trị tại bệnh viện và không ngờ bé bị SXH nặng.

Theo bà Nguyễn Lệ Thủy - Phó Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng Đồng Tháp, để phòng ngừa bệnh SXH, thời gian qua, tại các địa phương, ngành Y tế đã thường xuyên tuyên truyền, phun thuốc, xử lý ổ dịch,... song còn một bộ phận không nhỏ người dân vẫn còn chủ quan trước bệnh SXH, nhiều người biết lăng quăng và muỗi là nguyên nhân chính dẫn đến bệnh SXH nhưng nhiều hộ không diệt và phòng ngừa, do đó mật độ lăng quăng trong cộng đồng trên địa bàn tỉnh vẫn còn cao.

Trước tình trạng bệnh SXH tăng cao, bà Nguyễn Lệ Thủy đề nghị các bậc phụ huynh cần chăm sóc con em và tự bảo vệ mình bằng cách giữ vệ sinh nhà cửa, diệt lăng quăng, học bài hoặc đi ngủ (dù ban ngày hay ban đêm) cũng phải mặc áo dài tay, quần dài, giăng mùng để tránh bị muỗi đốt dẫn đến bệnh SXH. Bác sĩ Nguyễn Thị Hồng Thắm - Trưởng Khoa Nhiễm (Bệnh viện Đa Khoa Đồng Tháp) cũng khuyên người dân không nên chủ quan với bệnh SXH, nếu phát hiện trẻ sốt đơn thuần trong mùa này cũng nên nghỉ ngay đến nguy cơ bệnh SXH và đưa trẻ đến Trạm y tế gần nhất để được theo dõi, điều trị.

Bệnh SXH là bệnh dễ mắc và người mắc bệnh này nếu không được điều trị kịp thời sẽ dẫn đến tử vong. Để đề phòng bệnh SXH cho mình và người thân, thiết nghĩ mọi người không được chủ quan trong phòng ngừa bệnh.

Hữu Nghĩa

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn