Tăng cường giải pháp giúp người chấp hành xong án phạt tù tái hòa nhập cộng đồng

Cập nhật ngày: 30/08/2013 06:01:20

Theo đánh giá của UBND tỉnh, quá trình thực hiện công tác hòa nhập cộng đồng đối với người chấp hành xong án phạt tù còn những khó khăn, hạn chế. Nguyên nhân là các văn bản hướng dẫn thực hiện công tác tái hòa nhập cộng đồng ban hành còn chậm nên triển khai thực hiện công tác này có lúc, có nơi chưa đồng bộ giữa các địa phương; chính sách được cụ thể hóa bằng văn bản pháp quy còn thiếu, dẫn đến việc gắn trách nhiệm chưa rõ ràng.


Bên cạnh đó, nhận thức của cấp ủy, chính quyền ở một số địa phương còn chưa quan tâm đúng mức và chỉ đạo sâu sát. Có địa phương đã có hành động nhưng thiếu cụ thể và mang tính phong trào, hiệu quả không cao. Khảo sát từ năm 2002 đến 2012 về tình hình người chấp hành xong án phạt tù cho thấy, người ra tù trở về địa phương vẫn gặp khó khăn trong cuộc sống, thu nhập thấp. Cụ thể, theo số liệu khảo sát của ngành chức năng trong số 5.490 người chấp hành xong án phạt tù về địa phương chỉ có 1.611 người có việc làm ổn định; 3.300 người có việc làm tạm ổn định và 579 người chưa có việc làm... Trong khi nhu cầu chủ yếu của người chấp hành xong án phạt tù là có công ăn việc làm, được học nghề, vay vốn sản xuất kinh doanh thì số người ra tù được chính quyền, cơ quan, tổ chức giúp đỡ giải quyết việc làm, cho vay vốn chiếm tỷ lệ thấp.

Từ việc thiếu hành động cụ thể, chính sách về công tác tái hòa nhập cộng đồng chưa thấm được nhiều vào nhận thức của mọi người, dẫn đến còn có sự kỳ thị, phân biệt đối xử. Về phía người chấp hành xong án phạt tù, do quyền và lợi ích hợp pháp của họ chưa được thực hiện nghiêm túc nên còn mặc cảm, tự ti và cũng chưa thấy hết được trách nhiệm, nghĩa vụ đối với cộng đồng và xã hội nên nhiều người đã không chấp hành quy định của pháp luật về cư trú, tiếp tục vi phạm pháp luật. Về mặt nghiệp vụ, công tác quản lý cư trú đối với người chấp hành xong án phạt tù còn lỏng lẻo, dẫn đến tình trạng một số người chấp hành xong án phạt tù không về trình diện nơi cư trú...

Thời gian qua, cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp trong tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp nhằm huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị và toàn dân tích cực tham gia quản lý, giáo dục giúp đỡ người chấp hành xong án phạt tù trở về địa phương tái hòa nhập cộng đồng. Công an tỉnh đã xây dựng kế hoạch, chỉ đạo, hướng dẫn Công an cấp huyện, thị xã, thành phố thực hiện công tác tiếp nhận, quản lý, giáo dục, giúp đỡ người chấp hành xong án phạt tù, tạo điều kiện cho họ thực hiện các quyền và nghĩa vụ công dân (như hộ khẩu, chứng minh nhân dân) theo quy định của pháp luật; chủ trì, phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể, tổ chức xã hội giúp đỡ những người chấp hành xong án phạt tù khắc phục khó khăn, ổn định cuộc sống, đồng thời chỉ đạo cơ quan thi hành án hình sự của Công an địa phương theo định kỳ hoặc khi có yêu cầu tổng hợp số liệu, hình ảnh, đánh giá kết quả thực hiện việc tiếp nhận, quản lý, giáo dục, giúp đỡ người chấp hành xong án phạt tù tái hòa nhập cộng đồng, số người không về nơi cư trú, số người tái phạm tội và vi phạm pháp luật trong phạm vi địa phương quản lý...

Do có sự quan tâm, đầu tư nên các cơ quan thi hành án phạt tù (trại giam, trại tạm giam) trên địa bàn tỉnh đã thành lập nhiều trung tâm dạy nghề, hướng nghiệp cho phạm nhân nhằm chuẩn bị cho họ có nghề để có thể kiếm sống sau khi mãn hạn tù; chính quyền cơ sở cũng quan tâm, chỉ đạo các ban, ngành, đoàn thể vào cuộc tiếp nhận, quản lý, giáo dục, giúp đỡ những người chấp hành xong án phạt tù trở về địa phương ổn định cuộc sống. Nhiều địa phương có những hành động thiết thực giúp đỡ những người lầm lỡ tái hòa nhập cộng đồng. Điển hình như UBND huyện Hồng Ngự quan tâm chỉ đạo Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện phối hợp với phòng Lao động - Thương binh và Xã hội giúp đỡ 26 người chấp hành xong án phạt tù được vay vốn sản xuất kinh doanh, mỗi đối tượng được vay từ 10 - 15 triệu đồng. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng nhận những người chấp hành xong án phạt tù vào làm việc ổn định, lâu dài...

Tuy có nhiều biện pháp, song công tác giúp đỡ người hoàn lương vẫn còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc. Vì vậy, rất cần sự giúp đỡ của cả cộng đồng bằng những biện pháp thiết thực, tích cực như: tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục; nâng cao vai trò, trách nhiệm, sự nhiệt tình của người tiếp cận, giúp đỡ, kèm cặp người chấp hành xong án phạt tù; đa dạng hóa các biện pháp hỗ trợ về kiến thức pháp luật, hướng nghiệp, dạy nghề, giới thiệu việc làm cho người chấp hành xong hình phạt tù trở về địa phương; chú trọng đề cao vai trò của các doanh nghiệp trong việc tiếp nhận và tạo việc làm. Tuy nhiên, điều quan trọng là những người chấp hành xong án phạt tù phải tự nhận thức được trách nhiệm để tích cực hoàn lương trong quá trình tái hòa nhập cộng đồng.

Kim Ngân

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn