Huyện Hồng Ngự

Tập trung giải quyết việc làm cho người lao động

Cập nhật ngày: 16/09/2017 07:03:23

ĐTO - Tập trung giải quyết việc làm cho người lao động (LĐ), đầu năm 2017 đến nay, UBND huyện Hồng Ngự tuyên truyền vận động người dân tham gia đi LĐ có thời hạn ở nước ngoài, giới thiệu việc làm trong và ngoài tỉnh. Kết quả, giới thiệu việc làm cho trên 900 LĐ, có 79 LĐ xuất cảnh làm việc tại các thị trường: Nhật Bản, Đài Loan, Hàn Quốc.


Người lao động có việc làm tại cơ sở may gia công ở xã Thường Phước 2, huyện Hồng Ngự

Để công tác giải quyết việc làm đạt hiệu quả, huyện chú trọng tuyên truyền hướng đến các đối tượng là quân nhân xuất ngũ, thanh niên học xong đại học, cao đẳng, thanh niên tại địa phương chưa tìm được việc làm; tổ chức các buổi tư vấn, giới thiệu đến người LĐ về nhu cầu tuyển dụng LĐ của các thị trường LĐ như: Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan...

Từ đầu năm đến nay, Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐ, TB&XH) huyện phối hợp với Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh tổ chức 3 buổi tư vấn, tuyên truyền tại các xã: Thường Phước 1, Thường Thới Tiền, Phú Thuận A... về công tác đưa người LĐ đi làm việc ở nước ngoài có thời hạn.

Tạo điều kiện thuận lợi cho LĐ tham gia đi làm việc ở nước ngoài, các xã duy trì thường xuyên hoạt động tư vấn, hướng dẫn LĐ đăng ký tham gia đi làm việc ở nước ngoài; hỗ trợ hoàn chỉnh hồ sơ, thủ tục vay vốn. UBND huyện kết hợp UBND các xã thành lập đoàn đến từng hộ gia đình có người trong độ tuổi LĐ tuyên truyền, vận động tham gia LĐ có thời hạn ở nước ngoài.

Đối với thị trường LĐ trong tỉnh, LĐ được tư vấn tìm việc làm tại các khu công nghiệp trong, ngoài tỉnh. Tính từ đầu năm 2017 đến nay, huyện đã tư vấn giúp cho 971 LĐ tìm được việc làm. Chị Nguyễn Thị Hen ngụ ấp Trà Đư, xã Thường Lạc cho biết: “Gia đình tôi thuộc hộ nghèo, chủ yếu làm mướn nhưng không ổn định. Hơn 5 tháng nay, vợ chồng tôi được Phòng LĐ, TB&XH tư vấn đi làm việc cho một công ty đồ gỗ ở tỉnh Đồng Nai. Tổng thu nhập của vợ chồng tôi là 8 triệu đồng/tháng. Nhờ có công việc và mức lương ổn định nên cuộc sống gia đình đỡ chật vật hơn trước, có tiền gửi về quê cho con ăn học”.

Phòng LĐ, TB&XH phối hợp với hội đoàn thể các xã tích cực mở nhiều lớp dạy nghề nông thôn gồm: sửa chữa máy phun xịt, sửa kiểng bonsai, điện dân dụng, may gia công, đan ghế nhựa với hơn 500 học viên tham gia. Tại một số xã như Thường Phước 2, Phú Thuận A, Thường Thới Hậu B... có các tổ hợp tác may gia công, tổ đan ghế nhựa do Hội Liên hiệp Phụ nữ xã phối hợp các hộ gia đình mở góp phần giải quyết việc làm tại chỗ cho nhiều LĐ. Khi làm việc tại địa phương, LĐ có thể chuyển nguyên liệu về nhà làm và đem sản phẩm giao cho cơ sở. Cơ sở may của chị Phạm Thị Hoàng ngụ ấp 2, xã Thường Phước 2, mỗi ngày có trên 40 lao động nữ tham gia. Chị Hoàng cho biết: “Do còn nhiều LĐ ở các ấp khác và khu vực lân cận cần việc làm nên thời gian tới, tôi dự định nhờ Hội Liên hiệp Phụ nữ xã giới thiệu vay vốn mua thêm khoảng 10 máy may nữa để mở rộng cơ sở và tạo việc làm cho nhiều người hơn”.

MỸ XUYÊN

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn