Tinh thần vượt sóng biển của những đầu bếp trên tàu

Cập nhật ngày: 09/01/2015 14:06:39

Ai có dịp đi công tác ở huyện đảo Trường Sa bằng những chiếc tàu của lực lượng chức năng, mới thấy hết sự quyết tâm vượt qua khó khăn của những người làm việc trên con tàu, nhất là những lúc sóng to, gió lớn.


Chuẩn bị thịt heo để chế biến

Thượng tá Lê Minh Phúc, Thuyền trưởng tàu 996 (thuộc Hải đội 411, vùng 4 Hải quân) đã hơn 10 năm thực hiện nhiệm vụ trên quần đảo Trường Sa cho biết, anh em làm nhiệm vụ trên tàu có khi rất vất vả, nhất là khi gặp gió lớn, áp thấp nhiệt đới, bão. Những lúc như vậy, anh em phát huy tinh thần đoàn kết, vận dụng nhiều biện pháp, kinh nghiệm để hoàn thành nhiệm vụ được giao. Khi sóng to gió lớn, nhiều anh em cũng bị say sóng nhưng đều cố gắng làm việc, khi nào mệt lắm mới nằm nghỉ chờ sóng gió ít đi lại cùng làm với anh em, để hoàn thành nhiệm vụ được giao theo đúng kế hoạch. Những lúc khó khăn tưởng chừng như không thể vượt qua, nhưng anh em không nghĩ về cá nhân mà cùng chung sức, mỗi người hoàn thành từng phần nhỏ, góp lại hoàn thành công việc của tập thể nhằm đảm bảo an toàn cho mọi người và cả con tàu. Yêu cầu của thủy thủ là tư tưởng phải vững vàng. Khi tư tưởng thông thì khó khăn mấy cũng trở thành bình thường, việc lớn cũng thành việc nhỏ...

Nhiều ngày cùng đoàn công tác trên tàu 996 vượt sóng gió ra thăm cán bộ, chiến sĩ và nhân dân trên quần đảo Trường Sa, tôi thấy các anh em trong tổ phục vụ đều rất tích cực. Các anh bắt đầu công việc của một ngày từ khoảng 4 giờ sáng để chuẩn bị bữa ăn sáng cho những người đi trên tàu đúng giờ và tới khoảng 20 giờ mới xong việc bếp. Anh Trần Trọng Lâm nhiều năm tham gia nấu ăn trên tàu từ đất liền ra quần đảo Trường Sa và ngược lại cho biết, những lúc gặp sóng to, các nồi nấu thức ăn đều phải buộc dây vào nơi cố định trên bếp, nếu không sẽ bị đổ. Khi làm thức ăn xong, đem đến bàn ăn cho người đi trên tàu và cho những người làm bộ phận khác trên tàu... phải dựa vào vách, vịn một nơi cố định hoặc đi thế 2 hàng mới bưng thức ăn đến nơi; có khi sóng giật mạnh làm lật cả nồi thức ăn hoặc đồ ăn đã dọn lên bàn chạy từ đầu này đến đầu kia rồi đỗ hết xuống sàn tàu... “Những lúc sóng lớn, trong tổ phục vụ có 10 người, thì bị say sóng 5, 6 người, làm việc rất chậm hoặc nằm nghỉ, số còn lại phải nỗ lực làm việc để đảm bảo các bữa ăn cho hàng trăm người trên tàu. Nếu có vài anh em trong tổ phục vụ bị say sóng thì đa số những người đi trên tàu cũng bị say sóng, nằm, ói,... Những lúc như vậy những người phục vụ chưa bị say sóng nhiều còn phải chăm sóc cho những người đi trên tàu bị say sóng” - anh Lâm chia sẻ.

Bình thường mỗi ngày người đi trên tàu được phục vụ 3 bữa ăn (sáng, trưa, chiều), có đoàn phục vụ 4 bữa (sáng, trưa, chiều, tối). Mỗi bữa ăn có 4 món chính như: giò, chả, trứng, canh rau. Ngoài ra, còn có các món khác như sữa, bánh mì, trái cây, khoai lang, cơm cháy,... để phục cho những người bị say sóng. Trước mỗi chuyến đi, tổ phục vụ xây dựng thực đơn, thông qua cấp trên. Khi được duyệt, thực đơn đảm bảo đúng khẩu phần, đúng khẩu vị, đúng tiêu chuẩn.

Thành Nam

 

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn