Trường Đại học Đồng Tháp tiếp tục kiến tạo môi trường hỗ trợ sinh viên khởi nghiệp
Cập nhật ngày: 15/05/2024 10:10:35
ĐTO - Trong những năm qua, cùng với việc phát triển chương trình đào tạo các học phần về khởi nghiệp và kỹ năng mềm, Trường Đại học (ĐH) Đồng Tháp tổ chức nhiều hoạt động “đánh thức tiềm năng khởi nghiệp”, nuôi dưỡng cảm hứng khởi nghiệp cho người học và kết nối với các hệ sinh thái khởi nghiệp để phát huy nguồn lực góp phần phục vụ cộng đồng và đóng góp cho phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Với kết quả mang lại rất đáng ghi nhận, trường tiếp tục kiến tạo môi trường hỗ trợ sinh viên khởi nghiệp, hướng đến chiến lược xây dựng môi trường giáo dục đại học hiện đại, năng động, sáng tạo, đáp ứng nhu cầu xã hội và hội nhập.
Buổi ra mắt Hội quán Sinh viên khởi nghiệp Trường Đại học Đồng Tháp (Ảnh: Hoàng Long)
Từ năm 2017, Câu lạc bộ Sinh viên khởi nghiệp Trường ĐH Đồng Tháp đã được thành lập và tổ chức đa dạng các hoạt động để khơi nguồn, khuyến khích các ý tưởng khởi nghiệp của sinh viên; kịp thời cung cấp các kiến thức về khởi nghiệp, cách lập dự án kinh doanh, hỗ trợ sinh viên hình thành và phát triển ý tưởng khởi nghiệp, kết nối các ý tưởng với cộng đồng doanh nghiệp cho sinh viên, giảng viên trẻ.
Trên nền tảng đó, vào tháng 3/2024, Hội quán Sinh viên khởi nghiệp Trường ĐH Đồng Tháp được thành lập với mục tiêu tiếp tục kiến tạo môi trường sinh hoạt, giao lưu, kết nối các bạn sinh viên có đam mê, yêu thích khởi nghiệp, góp phần phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp của trường. Hội quán góp phần phát triển năng lực cho các hội viên thành những hạt nhân tiêu biểu về hoạt động khởi nghiệp, nghiên cứu khoa học; hỗ trợ về các lớp đào tạo, tập huấn, tư vấn và đội ngũ cố vấn, hỗ trợ truyền thông cho các sản phẩm, kêu gọi vốn và định hướng cho các thành viên có điều kiện đóng góp về vật chất, tinh thần cho cộng đồng.
Các hoạt động hỗ trợ sinh viên khởi nghiệp, giáo dục hướng nghiệp, giảng dạy kỹ năng mềm và khởi nghiệp được triển khai tại các khoa trong trường. Các khoa đã tập trung phát triển nội lực khởi nghiệp thông qua giảng viên và chuyên viên hỗ trợ khởi nghiệp, thúc đẩy nghiên cứu khoa học và giảng viên tham gia khởi nghiệp, xây dựng kết nối với cộng đồng doanh nghiệp, hỗ trợ cho các dự án sinh viên khởi nghiệp. Cốt lõi của khởi nghiệp là công nghệ và đổi mới sáng tạo, để hỗ trợ sinh viên khởi nghiệp và xây dựng hệ sinh thái sinh viên khởi nghiệp có hiệu quả cao và bền vững, cần gắn kết với nền tảng giáo dục và đào tạo. Sinh viên cần được tiếp cận nhiều hơn với giáo dục STEM (Khoa học, Công nghệ, Kỹ thuật, Toán học) và được trải nghiệm thực tiễn trong quá trình học tại trường. Các khoa đã kết nối với các thế hệ cựu sinh viên để sinh viên đang học có thể giao lưu học hỏi, tìm kiếm cơ hội khởi nghiệp; khuyến khích, tạo điều kiện để lực lượng cựu sinh viên “quay trở về” khoa, trường cùng hỗ trợ phong trào sinh viên khởi nghiệp.
Để tăng cường hỗ trợ sinh viên khởi nghiệp trong thời gian tới, Hội quán Sinh viên khởi nghiệp sẽ triển khai đồng bộ các giải pháp nâng cao nhận thức, phát huy tinh thần khởi nghiệp của sinh viên; đẩy mạnh kiến tạo môi trường học tập rèn luyện, tìm kiếm, bồi dưỡng hạt nhân khởi nghiệp; củng cố và mở rộng mạng lưới kết nối giữa các tổ chức đoàn thể xã hội, doanh nghiệp trong tỉnh Đồng Tháp, cựu sinh viên của trường; kịp thời tham mưu đề xuất nhà trường tạo thêm cơ chế chính sách, tuyển chọn và phân công cán bộ chuyên trách lĩnh vực khởi nghiệp; mở rộng thêm không gian kết nối, sân chơi sáng tạo, gần gũi cho sinh viên; đề xuất thành lập Trung tâm hỗ trợ sinh viên khởi nghiệp; tận dụng, khai thác hiệu quả các kênh thông tin hỗ trợ khởi nghiệp quốc gia; góp phần hình thành tư duy “người khởi nghiệp”, “doanh nhân sinh viên” để khởi nghiệp thật sự là nhu cầu, khát vọng tự thân của sinh viên; khi đó, khởi nghiệp sẽ mang hồn cốt của một lẽ sống và mang giá trị cuộc sống đối với sinh viên khi ra trường.
TUẤN PHAN - VĂN NGHIÊM