Dòm con nước lớn
Cập nhật ngày: 16/12/2013 05:28:22
Suốt tuổi thơ của mình, cậu lẩn quẩn ở bến quê đó miết. Ra tới trường huyện là xa nhứt rồi, chớ có còn đi đâu nữa đâu. Mà, nhớ có lần được theo tía ra tuốt miệt chợ bán dưa hấu. Hời ơi, cái chợ gì mà lớn! Người ta ở đâu tụ về mà đông hết sức. Lâu quá rồi, nên cũng đâu nhớ tên là cái chợ gì.
Hồi còn nhỏ chút xíu, má ngồi mí cầu dừa tắm cho đám con nheo nhóc, cũng tại cái bến quê này chớ đâu. Cậu thì lúc nào cũng được ưu tiên tắm trước. Má sợ cậu lạnh lẽo. Cậu thì tong teo, bịnh không kể mùa gì ráo trọi. Mà cây cầu dưới bến sông cũng thiệt ngộ. Cây dừa lão mấy chục tuổi sát mé nước bị trốc gốc xuống sông. Thân cây bị cắt cụt khỏi gốc thì cứ nằm đó trên bãi sình, làm cầu dưới bến quê.
Lớn chút đỉnh, cậu cùng tụi con nít trong xóm chơi sình chơi đất cũng dưới cái bến này. Mát rượi bóng tre, bóng bần. Pháo đất nổ qua suốt mùa tuổi nhỏ. Đó là những lúc nước ròng, bến cạn mút ngọn cầu dừa. Thiệt tình cậu thích con nước lớn hơn. Thấy trong lòng nó ngộ lắm, khó tả lắm.
Bến nước lớn buổi khuya lộp cộp tiếng xuồng, tiếng tháo dây xích, tiếng lao xao ì oạp của nước vỗ bờ. Đó là lúc người lớn sửa soạn cho một ngày đi làm đồng xa. Trên cái xuồng cui nhỏ chật người, đem theo đủ thứ phản, cù nèo, dao, lưỡi hái, đồ ăn và nước mưa để uống cho tới bữa chiều.
Bến nước lớn buổi sáng có má, các dì, các chị xúm xít làm đủ thứ chuyện. Tiếng cười nói dập dềnh theo tiếng máy tàu xuôi ngược sông quê. Người làm cá, chẻ tre vót đũa, người quét lá đốt un khói lan mờ mịt.
Bến nước lớn buổi chiều đông đúc nói cười. Sau một ngày làm lụng cực khổ, người nhà quê được sông gội rửa hết trơn lam lũ. Tiếng người bên này sông níu tiếng người bên kia sông. Thanh âm chơn chất bện thành chiếc cầu tình thâm làng xóm.
Rồi lớn lên cậu bỏ lại bến quê hồi nào không nhớ nữa. Những cuộc đi trong hành trình mưu sinh kéo cậu qua nhiều miền đất. Những miệt sông mênh mang bờ bãi, tấp nập ghe thuyền lạ lẫm. Không uống nước, không tắm gội, không bâng khuâng trên nhánh sông nào đã qua. Lớn, ròng, được, mất trong hành trình viễn xứ đã đong đầy. Cậu thành người kẻ chợ. Cậu mãi miết neo vào ký ức mùa rong trong vắt bến quê. Hoài niệm không màu đôi khi xóa tan ồn ã, tất bật bon chen sớm chiều phố thị.
Bến nước lớn theo con trăng và quy luật của đất trời. Không đổi dời được, như cái tình của người nhà quê thì khó lay chuyển. Biết cách dòm thì sẽ thấy. Thấy thì phải giữ cho được.
Nguyễn Phạm Đình Thảo