Ăn giỗ ở phố
Cập nhật ngày: 31/03/2014 03:59:45
Lâu lâu cậu được mời một lần ăn giỗ ở phố. Ăn giỗ ở phố khác ở quê chút đỉnh.
Tiệc giỗ ở phố có thể vào buổi trưa hoặc chiều muộn sang đêm. Chủ nhà tùy cơ ứng biến cho phù hợp với giờ giấc của khách mời là những người tất bật, đa đoan trăm công ngàn việc; không cứ nhứt thiết là phải buổi sáng như miệt quê.
Chỗ ngồi ăn giỗ cũng khác. Có khi tiệc được bày trong nhà khách lắp ráp dưới lòng, lề đường. Xe cộ qua lại ồn ả nghe vui tai hết biết.
Cũng có khi đau tim hết biết. Vì đang cao trào mà tiếng thắng xe ô tô rít lên ken két, như muốn nhảy chồm hổm vào nồi lẩu chưa kịp sôi. Có khi tiệc được bày trong phòng khách có máy lạnh êm ru, trong lành, sảng khoái. Cũng thi thoảng cậu được mời ngồi ăn giỗ trên sân thượng một căn lầu sang quá chừng sang. Xung quanh bonsai xanh tốt, kiểng cổ trăm năm khoe dáng kiêu hùng bên những dòng thác nhân tạo róc ra róc rách. Lời đá cuội rêu phong nỉ non nhớ đại ngàn chìm khuất trong tiếng cá kiểng đớp mồi phía hòn non bộ. Tiệc sân thượng thì thường bắt đầu chạm ly lúc nắng đã nhạt ngày. Mây che trên đầu nhưng nắng không có trên cao. Mây gió cho cậu cảm giác an nhiên phút chốc. Cậu nghĩ không mắc công “đi đâu loanh quanh cho đời mỏi mệt”.
Khách dự đám giỗ cũng khác nhiều miệt lúa. Áo quần bảnh bao, duyên dáng, thơm tho và cũng có khi sắc màu cá tính, sành điệu theo mùa. Tùy vào sự tế nhị hay thân tình, khách được tiếp đón và bố trí nơi an tọa sao cho phù hợp nhất, thoải mái nhất. Có khi tình cờ cậu bắt gặp sự tinh tế hoàn hảo đến mức ngỡ như không phải là bữa tiệc giỗ chạp bình thường. Thiệt là hay hết sức vậy đó. Nếu đám giỗ ở quê khách đa phần cũng coi như là chủ. Vì phần đông là con cháu các thế hệ tụ hội về dịp kỵ cơm ông bà. Khách ở phố thì số đông chính là... khách. Phân biệt dễ ợt hà. Nhiều lạ ít quen.
Tiệc giỗ ở phố bây giờ hay có nhạc sống. Mướn dàn âm thanh chắc rẻ, nên thấy có mặt khắp nơi. Tùy vào chủ nhà chịu chơi loại gì cũng có. Các em gái và giả gái chân ngắn, đùi to hát hò ong óng cả khúc phố. Mặc trưa, mặc chiều. Mới lambada cái sạt bỗng dưng chuyển qua áo bà ba cái rột. Hay đang mùi mẫn bolero chat bùm chat bum bỗng so dây chuyển qua ca cổ cái xèng. Phong phú dữ lắm. Gì cũng làm được ráo. Mà mấy em ca mồi lúc đầu thôi. Khúc sau chủ nhà và khách thi nhau trổ trài trò chơi âm nhạc.Tiếng đờn, tiếng ca áp đảo cả tiếng ly chén chạm nhau. Có chút văn nghệ văn gừng pha với hơi men thấy mọi người gần nhau hơn, không mất công ý tứ làm chi. Hình như mọi người cũng trở nên bí mật hơn, vì thấy ai nói chuyện cũng kề sát tai nhau thỏ thẻ thù thì. Họa may lắm mới có tiệc mà không có nhạc mướn hay karaoke tại gia góp phần ồn ã, nói không nên lời.
Câu chuyện xã giao trong tiệc giỗ ở phố hay lắm nghen. Cậu nhận ra nhiều thứ lắm nghen. Mà hình như cậu nhìn bằng góc độ thiển cận nên có phần quê mùa chút đỉnh. Tiệc mà, cũng râm ran, ồn ả, khi rượu (đa phần là bia) vào lời ra. Những câu chuyện tưởng chừng bâng quơ nhưng hình như cũng có sự chủ định, hàm ý đâu đó trong giọng nói, ánh nhìn.
- Dạ chào bác! Bác khỏe chứ ạ? Lâu quá em mới được gặp bác. Hôm rồi em ngang qua khu biệt thự vườn của bác mà lòng ngài ngại không dám vào thăm. Bác thiệt là có gu thẩm mỹ. Kiến trúc và sân vườn hòa quyện tuyệt vời nhứt xứ...
- Có phải chị không đấy? Càng ngày càng xinh và trẻ ra nhé! Em có tí việc định sang nhờ chị giúp mà ngại quá...
- Hời ơi! Lâu quá hỏng gặp vậy bồ! Sao? Lên tới chức gì rồi? Lúc này coi bộ phát tướng, phong độ lắm nghe!
- Chúc mừng em nhé! Tuổi trẻ tài cao có khác. Nghe nói bên đó mới có dự án đẹp phải không? Hôm nào chị ghé qua em tư vấn giúp nhé. Không quên ơn thằng em dễ thương của chị đâu!...
- Thằng kia! Lâu quá không thấy mời ông anh làm vài ve vậy mậy? Quên anh mày à?
...
Những nói cười, những va chạm và cả những cái bắt tay cũng đa ngôn, màu sắc tròn đầy. Tiệc giỗ ở phố không lê thê. Thời gian là vàng bạc. Chủ nhà vui khi khách đến đông đủ như ý. Khách cũng mừng thầm vì nhờ tới đây mà được tay bắt mặt mừng với chú Bảy, cô Ba, thằng Chín.
Cậu nghĩ thiệt lòng, đi ăn giỗ ở phố thiệt hay. Mở mang hết sức!
Nguyễn Phạm Đình Thảo