Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Đồng Tháp
“Trình làng” 3 tập sách mới
Cập nhật ngày: 26/03/2014 05:13:35
Tại Khu di tích Nguyễn Sinh Sắc, Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Đồng Tháp (Hội) vừa “trình làng” 3 tập sách mới do Hội xuất bản: Hoa đồng - tuyển tập truyện ngắn các tác giả nữ Đồng Tháp, Mười năm vẫn mới màu hoa cũ - tập thơ của tác giả Lê Minh Chánh và Tuyển tập kịch ngắn nhiều tác giả tỉnh Đồng Tháp. Nội dung các tập sách đã vẽ lên được những nét đa dạng của cuộc sống.
Bìa ba tập sách mới
Tuyển tập kịch ngắn nhiều tác giả tỉnh Đồng Tháp ra mắt bạn đọc đã đánh dấu sự phát triển của đội ngũ viết kịch sân khấu Đồng Tháp sau nhiều năm được phát hiện, bồi dưỡng và đào tạo. Theo ông Nguyễn Thành Thu, Phó Chủ tịch Hội, 12 tác phẩm của 10 tác giả chưa phải là nhiều nhưng bên cạnh những tác giả đã có tên tuổi như Thanh Hà, Thanh Hùng, Bạch Phần thì lĩnh vực sân khấu Đồng Tháp cũng có nhiều tác giả mới, trong đó có những tác giả nữ như: Loan Anh, Thể Hồng, Hương Sen, Các kịch bản trong tuyển tập đề cập đến nhiều vấn đề của cuộc sống như chuyện đất đai, quan hệ giữa doanh nghiệp và nông dân, ý thức tham gia giao thông, dân số, kế hoạch hóa gia đình, tệ nạn xã hội; mối quan hệ giữa bộ đội và nhân dân, hình tượng người chiến sĩ công an nhân dân, hạnh phúc cá nhân, vợ chồng, chuyện giáo dục con cháu,...
Có thể nói các tác phẩm đã góp phần vẽ ra bức tranh xã hội nhiều sắc màu và gửi tới người đọc, người xem những thông điệp nhiều ý nghĩa, sâu sắc và bổ ích. Tuyển tập kịch này còn đáp ứng nhu cầu dàn dựng, biểu diễn của các đơn vị biểu diễn văn hóa nghệ thuật và công chúng yêu thích sân khấu trong và ngoài tỉnh. Đây có thể xem là một ghi nhận về thành công ban đầu của sân khấu Đồng Tháp trên lĩnh vực kịch ngắn và hứa hẹn sẽ xuất hiện những tác phẩm kịch dài hơi sau này. Bạn Nguyễn Thanh Toàn, sinh viên Khoa Ngữ Văn, Trường Đại học Đồng Tháp chia sẻ: “Một tác phẩm kịch bản văn học ra đời là một quá trình chứ không phải là một cảm xúc xuất thần, chính vì vậy em cảm thấy thật sự vui mừng khi được cầm trên tay tập kịch đầu tiên của các tác giả Đồng Tháp với những tác phẩm tiêu biểu của những tác giả đã được biết đến cũng như đã được công diễn để lại nhiều ấn tượng khó phai trong lòng em”.
Mười năm vẫn nhớ màu hoa cũ là tập thơ đầu tay của tác giả trẻ - bác sĩ Lê Minh Chánh, tập thơ gồm 30 bài thể hiện chất giọng ngọt ngào, sâu lắng tình yêu quê hương, đầy chất trữ tình. Không cầu kỳ rối rắm, những bài thơ trong tập thơ của Lê Minh Chánh giàu hình ảnh với cấu tứ độc đáo. Tác giả đã đưa vào thơ khá nhiều đề tài quê hương, bạn bè, triết lý sống,... Và chính điều đó đã mang lại sắc thái nhất định cho tập thơ. Thầy Nguyễn Giang San - Giáo viên Trường THPT Thiên Hộ Dương có những tâm tư khi đọc thơ anh: “Cầm trên tay tập thơ cũng có nghĩa là đang cùng Chánh lặng mở từng trang thương nhớ tinh khôi. Ở đấy có những hoài vọng về những tháng ngày đã qua. 30 bài thơ trong Mười năm vẫn mới màu hoa cũ là 30 cung bậc của cảm xúc, vẫn có đôi bài, đôi câu chưa thật sự tròn chỉnh nhưng chính sự chưa tròn chỉnh ấy đủ cho người đọc có chút gì luyến tiếc, bâng khuâng”.
Tập truyện ngắn đầu tiên ở Đồng Tháp in riêng cho các tác giả nữ với 22 truyện có tên Hoa đồng, chủ yếu được tập hợp và tuyển chọn những sáng tác mới nhất, như một dấu mốc đáng nhớ, đánh dấu chặng đường phát triển ổn định và thành công của truyện ngắn Đồng Tháp, trong đó có sự “lên ngôi” của các cây bút phái đẹp. Nói về tập truyện Hoa đồng, nhà thơ Thai Sắc nhìn nhận: “Điều dễ nhận thấy, tuy ít nhiều, dài ngắn khác nhau, song tất cả truyện ngắn của 8 tác giả trong tập sách này đều tập trung khai thác duy nhất một vùng đề tài hẹp, đó là miền đất Đồng Tháp. Nếu các truyện ngắn của Thanh Bình, Nguyễn Thị Kim Tuyến, Ngọc Điệp,... chủ yếu bám vào nông thôn và từ quê cha đất tổ của mình để kể về biết bao số phận, nỗi niềm khác nhau của người nông dân thì Bùi Thị Cao Nguyên, Kim Thắm, Hữu Phước, Bạch Phần, Phạm Thị Toán, thường đi vào những ngành nghề khác, nơi mình đang hoạt động như: giáo dục, công an, thủy sản, để vẽ lên những nét đa dạng của cuộc sống muôn mặt đang chuyển động từng ngày. Điều quan trọng là dường như qua các truyện ngắn về nông thôn và nông dân của các tác giả nữ trong Hoa đồng, người ta mới có dịp nhìn sâu, nhìn kỹ về những góc khuất ai cũng biết, những mặt trái thường ngày,... cũng như những tiềm ẩn về ý chí và khát vọng vươn lên mãnh liệt của người miền quê, của nhà nông ở Đồng Tháp nhờ ngòi bút nhân ái và thấm đẫm tìm tòi của các chị.
Qua những tập sách này, người đọc có dịp lắng hồn mình lại để tìm hiểu, yêu hơn về cuộc sống và vẻ đẹp của con người Đồng Tháp giữa bao tất bật đời thường.
Hữu Nghĩa