Thương nhớ tò he!

Cập nhật ngày: 12/10/2015 12:51:13

Xóm nhỏ quê tôi có con sông, xa xa là những cánh đồng, trong mắt tôi đó là một màu xanh trong veo, mênh mông đến ngút ngàn. Ngày ấy con đường quê tôi chỉ là con đường đất, đôi chân trần của chúng tôi cứ thỏa thích chạy nhảy với những trò chơi dân dã, đó là tiếng cò cò, tiếng mo cau kéo lê trên đường, vậy là từng thớ đất cứ tự nhiên len lõi qua kẻ chân, một cảm giác man mát, thích thú đến lạ thường...


Ảnh minh họa

Ở nơi đó, ngày ngày tiếng reo hàng vặt của các bà vẫn làm chúng tôi phải lóng ngóng xin tiền mẹ. Thỉnh thoảng lại bắt gặp ông “tò he” chạy trên đường. Không lời rao. Chỉ có tiếng xe đạp “xèn xèn” của phụ tùng thiếu nhớt. Chỉ là một chiếc thùng gỗ nhỏ với vài bông hoa, những con thú nhiều màu được gắn vào đầu que tre, rồi cắm xuống hàng lỗ đục trên nắp thùng. Lạ thật, đơn giản vậy thôi, mà ông lão vẫn như một thỏi nam châm có sức lôi cuốn kì lạ, làm bọn chúng tôi chạy nhanh về phía ông. Và hiếm có khi nào bọn chúng tôi bỏ lỡ ông “tò he” mỗi lần qua ngõ xóm.

Bọn chúng tôi cũng không biết ông tên là gì? ở đâu? nên mỗi lần thấy ông chúng tôi đều kêu to: “Ông tò he đến rồi!”. Tôi còn nhớ như in dù ngày ấy vẫn còn rất bé. Gương mặt ông “tò he” xạm nắng, lúc nào cũng đèo chiếc xe đạp ấy, chắc nó đã cùng ông đi khắp nẻo đường để mang lại tiếng cười, niềm vui cho bọn con nít. Ông có nụ cười tươi, hiền lành như ông ngoại của tôi vậy, nên chúng tôi rất mến ông. Ông “tò he” thường chở một chiếc hộp gỗ nhỏ, được chia nhiều ngăn để đựng từng loại bột, pha thành nhiều màu khác nhau, mùi bột gạo thơm lừng làm chúng tôi cứ thèm được ăn biết bao, nhưng dù có ăn được thì cũng không nỡ mà chỉ cầm ngắm nghía mỗi khi có nó trong tay. Hôm ấy ông ghé qua xóm tôi. “Ông ơi! hôm trước ông nặn cho cháu con “khỉ con”, cháu để dành bây giờ nó thành “khỉ mốc” rồi ông ạ!”. Không hiểu sao cả bọn bạn cười nghiêng cười ngã. Ông cũng cười rồi bảo: “Vậy để ông nặn cho cháu con khỉ khác nhé!”.

Chỉ vài cục bột, chiếc lược nhỏ, thêm vài que tre, ông lão “tò he” đã sẵn sàng biến hóa, ông ngắt từng mẩu bột, những ngón tay của ông nhanh nhẹn, khéo léo, điêu luyện đến nỗi chúng tôi đều phải “ồ lên” khi thấy cái mũi, con mắt, quần áo của nhân vật trong truyện dần hiện lên... Có lúc tôi nghĩ đó là một phép thuật, bởi trong phút chốc ông ấy đã cho “ra lò” vô số tò he, đủ loại hình dáng sinh động, đáng yêu, với nhiều màu sắc, từ chó, mèo, chim chóc, rồng, sư tử, hoa lá, mâm ngũ quả, cô Tấm quả Thị, Tôn Ngộ Không, Trư Bát Giới,... đến những nhân vật lịch sử như bà Trưng, bà Triệu... giống y như thật. Chúng tôi như bị mê hoặc, mỗi đứa một kiểu nhưng đại loại cả bọn đều há mồm, mắt mở to, chăm chú đứng nhìn, thỉnh thoảng lại nuốt nước bọt vì thèm “bánh tò he”. Thích nhất là lúc cả bọn cùng đón mò xem ông nặn gì từ những chi tiết đầu tiên và mừng vui xuýt xoa khi mình đón trúng.

Và rồi khi trưởng thành, hình ảnh về ông lão “tò he” không còn thấy nữa. Chắc giờ, ông ấy cũng đang ở một nơi nào xa lắm... Nhưng những hình ảnh về ông, về những tò he như in sâu vào tiềm thức của tôi từ lúc nào không biết. Để rồi những sắc màu của tò he đã thành sắc màu nhớ mà tôi luôn khát khao, nuối tiếc mỗi khi chợt nhớ về tuổi thơ. Chắc hẳn cũng có nhiều người như tôi, cũng nhớ tò he, nhớ những trò chơi dân gian ngày bé. Ôi! một góc kỉ niệm bồi hồi thức dậy!

Tò he ơi!

N.P

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn



Tin cùng chuyên mục
Các tin khác