Bước ra từ đồng
Kỳ 2: Tiếp sức nông dân
Cập nhật ngày: 28/02/2020 19:26:30
ĐTO - Để nông dân mạnh mẽ bước ra từ đồng, thay đổi, tiếp cận với nền nông nghiệp mới, vấn đề đổi mới tư duy làm nông nghiệp của nông dân đã được đặt ra tại Đại hội lần thứ X của Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2015-2020. Nghị quyết Đại hội đề ra chỉ tiêu cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực, nâng cao hiệu quả sản xuất, tạo tư duy mới về phát triển kinh tế nông nghiệp, mở ra hướng tiếp cận mới cho nông dân thích ứng cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ Tư. Các cấp ủy Đảng, Chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội đã tiếp sức nông dân đưa nền kinh tế nông nghiệp từng bước định hình, đi vào chiều sâu.
>> Kỳ 1: Chiến lược thay đổi tư duy
Ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật góp phần tăng năng suất trong sản xuất lúa
Sự tham gia của hệ thống chính trị
Năm 2016, tỉnh Đồng Tháp triển khai Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp trên địa bàn đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Qua triển khai, các cấp uỷ, tổ chức đảng, tổ chức chính trị - xã hội chú trọng đổi mới phương thức phối hợp tuyên truyền, vận động. Năm 2018, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Thông báo kết luận số 974-TB/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về đổi mới phương thức phối hợp tuyên truyền, vận động đoàn viên, hội viên và nhân dân thực hiện các nhiệm vụ, trọng tâm đề án lớn của tỉnh. Qua đó, công tác dân vận của hệ thống chính trị và công tác dân vận chính quyền góp phần tập hợp người dân tham gia vào mô hình tự quản, hội quán, tổ nhân dân tự quản… Sự ủng hộ, quan tâm của cấp ủy, chính quyền tạo động lực để người dân hưởng ứng tham gia vào các hội quán. Đến tháng 2/2020, toàn tỉnh có 89 Hội quán được thành lập với 5.060 hội viên tham gia, 17 Hợp tác xã được thành lập trên nền hội quán; hơn 12.000 Tổ nhân dân tự quản. Đồng chí Lê Minh Hoan – Bí thư Tỉnh ủy cho biết: “Chúng ta phải tập hợp nhiều nông dân lại thành Hợp tác xã, Hội quán, Tổ hợp tác. Khi đó, sản lượng đủ lớn, nhân lực đủ nhiều để đáp ứng các công đoạn tạo ra chuỗi ngành hàng. Đó cũng chính là những lý do Đồng Tháp ra đời mô hình Hội quán để cung cấp thông tin cho bà con, rồi bà con tự bàn bạc, suy nghĩ cách làm sao giảm giá thành, tăng giá trị nông sản mà mình làm ra…”. Thông qua mô hình đã góp phần vào phát triển kinh tế, phát huy tính tự quản cộng đồng, thay đổi từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp, phát huy tính chủ động, sáng tạo, cách làm hay trong sản xuất, trong đời sống ở cơ sở; nổi bật còn là mô hình trở thành nền tảng hình thành và phát triển các hợp tác xã mới.
Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp Lê Minh Hoan (bên trái) với thiệu xoài Cao Lãnh của Tâm Quê Hội quán với Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng
UBND tỉnh đã chỉ đạo ngành nông nghiệp tập huấn nâng cao kiến thức và tư duy làm kinh tế cho nông dân. Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã tổ chức nhiều hội thảo chuyên đề về lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, nông dân. Bên cạnh hỗ trợ các Hội quán trong công tác chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật nhằm sản xuất đảm bảo chất lượng, cung cấp bản tin cho sinh hoạt định kỳ, hỗ trợ xây dựng chuỗi liên kết trong sản xuất, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã hỗ trợ các Hội quán kết nối mạng Internet (79 điện thoại thông minh, 45 máy tính, 43 tivi/máy chiếu, 78 wifi), đăng ký tài khoản cập nhật vào địa chỉ giao thương trên trang web dongthapxanh.vn giúp Hội quán có thể đăng tải và tìm thông tin giao thương mua bán, kết nối với các doanh nghiệp liên kết tiêu thụ sản phẩm nông, thủy sản. Cũng nhằm góp phần tri thức hoá nông dân, tỉnh Đồng Tháp đã hợp tác với nhiều đơn vị, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh triển khai thực hiện trên các lĩnh vực: thực hiện chuyển giao kỹ thuật, hướng dẫn nông dân nhân sử dụng phân bón thông minh; chế biến và bảo quản sản phẩm sau thu hoạch; đào tạo đội ngũ sinh viên chất lượng cao về các chuyên ngành (hóa học, công nghệ sinh học, nông nghiệp) mang lại kết quả đáng ghi nhận.
Áp dụng nhiều cách làm mới vào sản xuất
Tiếp sức cho nông dân, UBND tỉnh, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các sở, ngành đã ưu tiên các dự án đầu tư kết cầu hạ tầng phát triển nông nghiệp. Các dự án đã phát huy hiệu quả tích cực nâng cấp gia tăng giá trị và chất lượng khoa học công nghệ, khuyến nông, bảo vệ thực vật, thú y; nâng cao năng lực sản xuất, chuyển giao công nghệ và thúc đẩy phát triển liên kết theo chuỗi giá trị ngành hàng lúa gạo, cá tra, trái cây… Với sự kết nối của lãnh đạo Tỉnh, Đồng Tháp đã được Ngân hàng thế giới hỗ trợ tham gia dự án chuyển đổi nông nghiệp bền vững trên ngành hàng lúa, gạo, đã tổ chức tập huấn hơn 400 lớp theo quy trình kỹ thuật “3 giảm, 3 tăng” và “1 phải 5 giảm”, xây dựng 27 mô hình điểm trình diễn, hỗ trợ các Hợp tác xã (HTX) về một số cơ sở hạ tầng…. Việc giải pháp cơ giới hóa đã được đẩy mạnh và ứng dụng sâu rộng vào sản xuất, thay đổi cơ cấu giống phù hợp và nhân rộng các mô hình giảm giá thành, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất lúa tiếp tục phát triển góp phần làm giảm chi phí sản xuất.
Tại HTX Nông nghiệp Dịch vụ Mỹ Đông 2, Tiến sĩ Nguyễn Thanh Mỹ - Chủ tịch Tập đoàn Mỹ Lan (tọa lạc Khu công nghiệp Long Đức, tỉnh Trà Vinh) phối hợp với HTX triển khai thực hiện mô hình “Sản xuất lúa sử dụng phân bón thông minh” từ vụ Đông Xuân năm 2017 - 2018 với diện tích 7,6ha, đến năm 2019 tổng diện tích sản xuất cả năm là 55,15ha. Qua đánh giá cả 3 vụ sản xuất năm 2019, giá thành sản xuất 1kg lúa trong mô hình thấp hơn so với đối chứng từ 165 - 224 đồng/kg, năng suất từ bằng và cao hơn so với đối chứng, lợi nhuận cao hơn ruộng đối chứng khoảng 1,9 -2,1 triệu đồng/ha.
Việc sản xuất của mô hình nói trên đã áp dụng đồng bộ 3 khâu trong một máy cơ giới như: cấy lúa, bón phân vùi theo gốc lúa, kết hợp phun xịt thuốc diệt cỏ dại tiền nẩy mầm, diệt ốc…thời gian thực hiện một cách nhanh chóng, dễ dàng áp dụng biện pháp quản lý dịch tổng hợp IPM. Phân bón chậm tan được vùi trong đất nên được đất giữ lại, giảm lượng phân bón bốc hơi, rữa trôi, phân được vùi nên giúp bộ rễ ăn sâu. Lúa sau khi cấy phục hồi nhanh, phát triển tốt, lá xanh đầm, nẩy chồi mạnh (24 tép/bụi), lúa cứng cây không đỗ ngã khi gặp điều kiện thời tiết bất lợi. Sản phẩm sau thu hoạch tính đồng đều cao nên lúa bán có giá cao hơn ruộng đối chứng từ 200 - 400 đồng/kg; giảm thất thoát, giảm chi phí thu hoạch. Từ đó năng suất và chất lượng lúa được nâng lên. Thực hiện mô hình giúp nông dân nắm bắt được những tiến bộ khoa học kỹ thuật các khâu quan trọng, giảm chi phí vật tư đầu vào, giảm chi phí nhân công lao động từ 2 – 3 lần như: Giảm giống còn 60kg/ha; giảm số lượng phân bón (bón phân vùi 1 lần theo gốc lúa ngay lúc cấy, với số lượng phân 250kg/ha); giảm phun thuốc bảo vệ thực vật (chỉ phun thuốc khi thật cần thiết, tuân thủ không dùng thuốc trừ sâu trước 40 ngày sau cấy và không sử dụng thuốc trừ bệnh trong 20 ngày trước khi thu hoạch)…góp phần rất lớn trong việc bảo vệ thiên địch, hạn chế ảnh hưởng đến môi trường.
Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Dương (bìa trái) thăm hỏi nông dân
Đặc biệt, công tác quản lý nước sản xuất theo mô hình ứng dựng nông nghiệp 4.0 vào sản xuất như lắp đặt hệ thống cảm biến mực nước hoạt động bằng pin năng lượng mặt trời và thiết bị bơm tưới nước tự động. Xét thấy đây là mô hình mới, ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, giảm chi phí sản xuất. Do đó, huyện Tháp Mười tiếp tục duy trì, nhân rộng mô hình này trên địa bàn huyện trong năm 2020 là 175 ha tại HTX Mỹ Đông 2 và thực hiện thêm tại HTX Thắng Lợi.
Nhiều mô hình sản xuất hoa màu, cây công nghiệp ngắn ngày, cây ăn trái hướng đến mô hình sản xuất sạch, an toàn. Mô hình trồng rau thủy canh ở huyện Cao Lãnh; mô hình trồng rau thủy canh kết hợp nuôi cá Aquaponics ở huyện Lấp Vò; mô hình trồng dưa lê, dưa lưới trong nhà màng, sử dụng hệ thống tưới nhỏ giọt từ công nghệ Israel ở huyện Thanh Bình; mô hình trồng hoa kiểng trong nhà màng kết hợp hệ thống tưới phun tại Hợp tác xã Hoa kiểng Tân Quy Đông, TP.Sa Đéc. Chất lượng vùng nguyên liệu nông sản được áp dụng quy trình sản xuất và tiêu chuẩn chất lượng theo hướng an toàn để nâng cao giá trị nông sản. Ngành hàng xoài, tập trung đầu tư hạ tầng kỹ thuật, công nghệ sau thu hoạch như: Cấp mã số vùng trồng và ứng dụng công nghệ Blockchain vào việc truy xuất nguồn gốc xoài, tập huấn cho nhà vườn đáp ứng đủ tiêu chuẩn, quy cách, chất lượng của trái xoài để tham gia xuất khẩu.
Áp dụng cơ giới hóa góp phần giảm thất thoát trong thu hoạch lúa
Các chuỗi ngành hàng nông sản được gắn kết sản xuất và tiêu thụ gia tăng giá trị cho sản phẩm nông nghiệp góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Có 49 dự án được đầu tư vào nông nghiệp nông thôn trên các lĩnh vực chế biến, bảo quản nông sản, thủy sản, ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp, sản xuất giống thủy sản… Kinh tế hợp tác được củng cố và nâng cao hiệu quả hoạt động, tạo nềnó tảng phát huy năng lực thị trường, liên kết với doanh nghiệp theo chuỗi giá trị có quy mô lớn, tạo điều kiện cho kinh tế trang trại và kinh tế hộ gia đình phát triển. Bước đầu hình thành một số mô hình nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp thông minh, sản xuất an toàn tiếp cận với xu hướng kinh tế thị trường, công tác phân tích và cung cấp thông tin thị trường, kết nối người sản xuất với thị trường tiêu thụ tạo nhiều bước chuyển trong phát triển kinh tế nông thôn.
Ông Nguyễn Văn Dương – Chủ tịch UBND tỉnh cho biết: “Đồng Tháp đã triển khai thực hiện Đề án “Tái cơ cấu ngành nông nghiệp” với nội dung “Hợp tác, liên kết, thị trường, giảm chi phí, tăng chất lượng, chế biến tinh”, chuyển đổi từ tư duy độc canh, tăng sản lượng lúa gạo sang giảm dần diện tích lúa vụ ba, luân canh các loại cây trồng, thuỷ sản khác, sử dụng hiệu quả nguồn nước. Đồng Tháp cũng đẩy mạnh triển khai, ứng dụng các dự án khởi nghiệp trong bảo quản, sơ chế, chế biến tinh nông sản tạo sự gắn kết giữa nông dân, doanh nghiệp và nhà khoa học, hình thành các chuỗi ngành hàng, các kênh phân phối phù hợp với nhu cầu thị trường…”.
D.Chinh – C.Phương – P.Lộc