Các địa phương cần phối hợp chặt chẽ trong triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới

Cập nhật ngày: 10/01/2019 07:54:36

ĐTO - Chiều 9/1, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) tổ chức hội nghị trực tuyến triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới với 63 điểm cầu trong cả nước. Tại điểm cầu Hà Nội, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ chủ trì hội nghị.


Chương trình mới được đánh giá sẽ góp phần nâng cao hiệu quả trong việc đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục

Theo đó, chương trình giáo dục phổ thông mới bao gồm chương trình tổng thể và các chương trình môn học, hoạt động giáo dục được Bộ GD&ĐT ban hành vào tháng 12/2018.

Chương trình chia làm 2 giai đoạn là giai đoạn giáo dục cơ bản (từ lớp 1 đến lớp 9) và giai đoạn giáo dục định hướng nghề nghiệp (từ lớp 10 đến lớp 12). Trong đó, giai đoạn giáo dục cơ bản nhằm trang bị cho học sinh tri thức, kỹ năng, nền tảng; hình thành, phát triển các phẩm chất chủ yếu và năng lực cốt lõi.

Chương trình giáo dục phổ thông mới được thực hiện theo lộ trình sau: từ năm học 2020 - 2021 đối với lớp 1; 2021 - 2022 đối với lớp 2 và lớp 6; 2022 - 2023 đối với lớp 3, lớp 7 và lớp 10; 2023 - 2024 đối với lớp 4, lớp 8 và lớp 11; 2024 - 2025 đối với lớp 5, lớp 9 và lớp 12. 

Theo Bộ GD&ĐT, đây là lần đầu tiên ngành giáo dục đưa ra một chương trình tổng thể, trong đó, lần đầu tiên quy định tổng số tiết học trên năm so với số tiết học trên 1 tuần với chương trình cũ.

Phát biểu tại hội nghị, nhiều địa phương băn khoăn việc thiết kế chương trình dạy và học trong các nhà trường, xây dựng thời khóa biểu theo chương trình giáo dục phổ thông mới sẽ được tiến hành như thế nào? Việc mua sắm trang thiết bị phục vụ cho đổi mới giáo dục; tuyển giáo viên làm sao để phù hợp, thực hiện tự chủ nhà trường, mua sắm trang thiết bị để không gây lãng phí,…

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ đề nghị các địa phương cần phối hợp chặt chẽ để việc triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới bài bản, hiệu quả và cho rằng sự thành công của chương trình phụ thuộc rất lớn vào đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý. Do đó, cần hướng đến chất lượng cũng như động lực, tránh áp lực để đội ngũ này phát huy hết tiềm năng,… Bộ GD&ĐT cho biết sẽ sớm ban hành hướng dẫn cụ thể đối với các sở, các trường liên quan đến lộ trình và các công việc cần chuẩn bị cho chương trình giáo dục phổ thông mới.

BÍCH LIỄU

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn