Nông dân tự sản, tự tiêu...

Cập nhật ngày: 12/10/2012 08:03:36

Kết quả điều tra kinh tế hộ gia đình (HGĐ) nông thôn năm 2012 tại 12 địa phương trên cả nước vừa được Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế TW và Viện Chính sách & Chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn công bố. Đây là cuộc điều tra (thu nhập, ngành nghề, tài sản, chi phí “đầu vào” - “đầu ra”...) được Đan Mạch hỗ trợ, tiến hành 2 năm một lần theo phương thức điều tra lặp (sau 2 năm điều tra lại số HGĐ đã được điều tra để theo dõi sự thay đổi).

Có thể thấy, với quy mô như vậy, kết quả từ cuộc điều tra này chưa phản ánh được toàn bộ kinh tế HGĐ nông thôn Việt Nam, song cũng có thể phản ánh được tương đối hiện trạng. Theo kết quả điều tra lần này, về tổng thể so với thời điểm năm 2006, năm 2010, đời sống người dân vùng nông thôn khá lên. Tuy nhiên, tích lũy của hộ nông dân chỉ đủ để tiêu dùng vào những việc xảy ra đột xuất nên không có khả năng mở rộng sản xuất, việc tiếp cận nguồn vốn từ ngân hàng lại hạn chế (chỉ 49% số hộ tiếp cận được), 51% số hộ còn lại chủ yếu vẫn tự sản, tự tiêu...

Có thể thấy, ở vùng ĐBSCL điều này bộc lộ khá rõ. Chuyện liên kết giữa nông dân - doanh nghiệp trong sản xuất - tiêu thụ sản phẩm được đề cập nhiều, song trong thực tế mối liên kết này còn ít ỏi; nơi có thì lại khá lỏng lẽo. Hầu hết các loại nông sản ở vùng ĐBSCL do nông dân sản xuất cho tới nay đều tiêu thụ theo kiểu... phập phù, giá cả lên xuống thất thường, không có hợp đồng bao tiêu với doanh nghiệp.

Minh chứng rõ nhất trong thời gian gần đây là mặt hàng khoai lang “đầu ra” hoàn toàn lệ thuộc vào thương nhân Trung Quốc! Như vậy, sản xuất nông nghiệp vốn là lĩnh vực chịu rủi ro cao do thiên tai, dịch bệnh, lại phải đối mặt với rủi ro về thị trường tiêu thụ. Trong bối cảnh đó, với khả năng tích lũy thấp, rõ ràng khả năng ứng phó, khắc phục rủi ro của nông dân không hề dễ dàng. Hàng năm, nông nghiệp đóng góp khoảng 20% GDP cho đất nước; là ngành duy nhất trong nền kinh tế tạo ra lượng xuất khẩu ròng dương; là ngành có sức lan tỏa lớn, có tính kết nối cao với nhiều ngành kinh tế khác (cung cấp “đầu vào” cho chế biến xuất khẩu, công nghiệp chế biến thực phẩm; tiêu thụ sản phẩm của một số ngành công nghiệp - dịch vụ: phân bón, hóa chất, máy nông nghiệp...).

Vì vậy, có thể thấy, đời sống HGĐ nông thôn (chiếm khoảng 70% dân số) còn khó khăn đang là một nghịch lý và điều này chắc chắn ảnh hưởng đến tăng trưởng nông nghiệp...

Lê Như Giang

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn