Cẩn trọng với tai nạn thương tích trẻ em trong sinh hoạt

Cập nhật ngày: 08/06/2012 08:17:43

Mùa hè, trẻ em thường gặp những hiểm họa, nhất là tai nạn thương tích do thiếu sự chăm sóc, giám sát của cha mẹ...

Điều trị 1 tuần tại bệnh viện nhưng gương mặt em Nguyễn Phúc Hậu (6 tuổi) ngụ xã Phú Lợi, huyện Thanh Bình vẫn còn vẻ mệt mỏi, cánh tay bị gãy của em vẫn còn được treo cố định. Chị Nguyễn Thị Tuyền, người nhà của Hậu cho biết: “Nghỉ hè, cháu về nhà nội chơi, trong lúc đi vướng phải sợi dây té gãy tay. Sau đó, cháu được đưa đến Bệnh viện Đa khoa huyện Thanh Bình, rồi tiếp tục chuyển đến Bệnh viện Đa khoa Đồng Tháp điều trị...”.


Một trường hợp trẻ em bị gãy tay do té ngã được điều trị
tại Bệnh viện đa khoa Đồng Tháp

Ngày 31-5-2012, em Nguyễn Thị Ý (10 tuổi) ngụ xã Bình Phú, huyện Tân Hồng, trong lúc vui chơi đùa giỡn cháu bị té gãy cánh tay. Một trường hợp khác xảy ra tại thị trấn Mỹ An, huyện Tháp Mười, một học sinh lớp 7, trong lúc phụ đuổi gà bị chạm miếng tôn, điện giật té làm bị thương ở chân.

Theo bác sỹ Nguyễn Văn Vệ - Trưởng khoa ngoại - thần kinh chấn thương chỉnh hình Bệnh viện Đa khoa Đồng Tháp, thời gian điều trị chấn thương cho trẻ em bị thương tích thông thường tại cơ sở y tế tuyến tỉnh khoảng 1 tuần, nếu không điều trị đúng cách sẽ để lại di chứng cho trẻ sau này. Tại đây thỉnh thoảng tiếp nhận những trường hợp trẻ em đá banh, đùa giỡn xô đẩy, nhảy hiphop, leo cây, té võng, té ghế bị gãy tay, chân và bị những chấn thương khác. Nguy hiểm hơn sau khi bị thương, người nhà mang các cháu đi bó thuốc nam nên gây khó khăn cho việc điều trị.

Ngày 17-4-2012, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội đã ban hành kế hoạch phòng, chống tai nạn thương tích trẻ em với các mục tiêu cụ thể như: thực hiện truyền thông đến tận hộ gia đình và trẻ em theo nội dung tiêu chí ngôi nhà an toàn, phòng chống tai nạn thương tích trẻ em tại gia đình trong sinh hoạt hàng ngày, phòng chống tử vong do đuối nước,... nhằm góp phần bảo vệ cho trẻ em được sống trong môi trường an toàn. Mỗi huyện, thị, thành trong tỉnh chọn 1 xã làm điểm với các hình thức truyền thông gián tiếp, trực tiếp cho gia đình, trẻ em thông qua mạng lưới cộng tác viên bảo vệ trẻ em với các hình thức phát tờ rơi, aphích, lồng ghép các hoạt động vào các tổ, nhóm, các buổi sinh hoạt câu lạc bộ trẻ em. Hướng dẫn cho gia đình biết cách làm ngôi nhà an toàn, cho gia đình đăng ký, tham gia thực hiện các tiêu chí ngôi nhà an toàn.

Trẻ em vốn hiếu động, vì vậy để đề phòng tai nạn thương tích trong sinh hoạt của các em vào thời điểm hè, các bậc phụ huynh chú ý trông chừng trẻ cẩn thận, nhắc nhở không cho trẻ leo trèo nguy hiểm, cần sơ cứu đúng cách và nhanh chóng chuyển đến cơ sở y tế để được điều trị kịp thời khi xảy ra tai nạn.

C.Phương

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn