Để không quay lại con đường nghiện ngập

Cập nhật ngày: 18/03/2016 13:38:01

Nghiện ma túy (MT) là tình trạng bệnh mãn tính, điều trị được nhưng khả năng tái nghiện rất cao. Do đó, để người đã cai nghiện không tái nghiện đòi hỏi sự quyết tâm từ bỏ MT của bản thân cũng như sự quan tâm hỗ trợ, động viên kịp thời từ phía gia đình.


Trong quá trình cai nghiện, người nghiện cần sự quan tâm, động viên từ gia đình, người thân

Năm 2012, Nguyễn Anh H., sinh năm 1994 (ngụ khóm 3, thị trấn Lai Vung, huyện Lai Vung) sa vào MT. Lúc đầu H. nghe theo lời bạn bè bảo sử dụng MT không gây nghiện, có tiền thì mua sử dụng, không có thì thôi. Thế nhưng sử dụng được một thời gian ngắn, H. thấy bản thân không thể thiếu MT. Vậy là để có tiền mua MT, H. phải xin tiền người trong gia đình. Khi bị phát hiện sử dụng MT, H. được ngành chức năng đưa đi điều trị cai nghiện 1 năm. Thế nhưng trở về gia đình không bao lâu, em lại tái nghiện, nguyên nhân do đi chơi cùng bạn bè và khi được bạn rủ rê sử dụng MT thì em không cưỡng lại được. Vậy là lần thứ 2, H. tiếp tục được đưa đi cai nghiện.

Hôm gặp H. ở Trung tâm Chữa bệnh - Giáo dục - Lao động Xã hội Đồng Tháp, H. bảo: “Em cũng cố gắng kiềm chế, không “chơi” MT nữa nhưng bạn em thường xuyên đến nhà, điện thoại rủ đi chơi. Trong những lần đi cùng bạn, tâm trạng thấy buồn, bạn bè rủ “chơi” MT, rồi em không cưỡng lại được. Sau lần cai nghiện này, em về chăm chỉ lo làm ăn để trả hiếu cho mẹ, vì trước giờ ăn chơi quá nhiều. Em chỉ mong tránh xa bạn bè sử dụng MT để không còn nghĩ đến MT nữa”.

Em Nguyễn Hoàng T., sinh năm 1996 (ngụ ấp 1, xã Phong Mỹ, huyện Cao Lãnh) đang điều trị cai nghiện MT tự nguyện, bộc bạch: “Em chơi MT đá khoảng 3 năm. Lần đầu người nhà phát hiện nên đưa em vào cai nghiện tự nguyện. Lần thứ hai, khi em sử dụng lại MT thì cảm thấy có lỗi với gia đình nên em tự đi đăng ký cai nghiện. Em nghĩ nếu cai nghiện thành công trở về nhà có việc gì làm thì em sẽ quên được MT”. Là người nhiều năm thường xuyên tiếp xúc với học viên cai nghiện tại Trung tâm nên anh Ung Văn Hảo - nhân viên bảo vệ Trung tâm rất hiểu tâm trạng của học viên. Theo anh Hảo, tất cả học viên đều mong sớm cai nghiện được MT, thường xuyên luyện tập thể dục thể thao, sinh hoạt đều độ để có sức khỏe về nhà trở thành người có ích. Tuy nhiên, khi tâm sự, học viên cũng lo sợ khi trở về địa phương bị bạn bè rủ rê, không có việc làm lại vướng vào MT.

Ông Dương Văn Mạnh - Giám đốc Trung tâm cho rằng, người nghiện MT là người bệnh mãn tính, nếu không kiên trì từ bỏ sẽ dễ tái nghiện. Việc điều trị cắt cơn ở Trung tâm được các em thực hiện tốt, nhưng để khi trở về địa phương không tái nghiện lại là điều quan trọng. Nhất là bản thân người nghiện tự điều chỉnh hành vi để có lập trường, quyết tâm từ bỏ, có ý chí rõ ràng mới tránh được MT. Bên cạnh đó, để hỗ trợ người nghiện MT không tái nghiện, cần giải quyết mặt xã hội. Trước tiên là về mặt cộng đồng không có đường dây mua bán, người sử dụng MT được quản lý, giúp thay đổi hành vi không tốt. Để người nghiện không còn nhớ đến MT cần tạo cơ hội việc làm cho người nghiện. Cần lắm sự quan tâm hỗ trợ kịp thời của gia đình, chính quyền địa phương. Về phía gia đình, khi thấy con em mình bắt đầu có những dấu hiệu đi chơi chung với bạn bè trước đây có sử dụng MT thì tìm cách ngăn cản không cho đi chơi cùng, bởi khả năng người bạn nghiện rủ sử dụng lại MT là rất cao.

Hữu Nghĩa

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn