Xuất khẩu lao động ở Đồng Tháp

Giúp người nghèo làm giàu trên “cánh đồng công nghiệp”

Cập nhật ngày: 06/01/2019 14:39:14

Chỉ sau 5 năm tái khởi động, xuất khẩu lao động (XKLĐ) được xem như “cánh đồng công nghiệp” của Đồng Tháp. Ở đó không chỉ giải quyết việc làm cho hàng ngàn lao động (LĐ) vươn lên thoát nghèo, mỗi năm mang về cho tỉnh hàng trăm tỷ đồng mà còn tạo nguồn nhân lực chất lượng cao để gieo cấy “mùa vàng” tại quê hương trong tương lai không xa.


Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp Lê Minh Hoan trò chuyện, tâm tình với phụ huynh về triển vọng đổi đời của việc đi lao động ở nước ngoài của người lính Cụ Hồ sau khi rời quân ngũ

Giúp người nghèo vươn lên làm chủ

“Con tôi đi làm bên Nhật, sau khi trừ chi phí sinh hoạt, mỗi tháng tích lũy khoảng 25 triệu đồng. Cứ 2 tháng gởi về 50 triệu đồng. Đến cuối năm 2017, sau khi trả hết nợ, gia đình tôi tự nguyện đăng ký thoát nghèo. Hiện, tài khoản tiết kiệm con tôi có gần 300 triệu đồng”- không khí có phần ồn ào của buổi giao lưu, gặp gỡ hơn 500 phụ huynh có con em đang làm việc tại Nhật Bản do Trung tâm Dịch vụ việc làm (DVVL) Đồng Tháp tổ chức vào những ngày cuối năm 2018 như ngưng động sau câu chuyện thoát nghèo của gia đình chú Trần Văn Xuân. Bởi ở xã biên giới Thông Bình (huyện Tân Hồng) việc gia đình nghèo không đất mà tích lũy được số tiền hàng trăm triệu đồng chỉ sau 19 tháng LĐ của 1 người là chuyện “xưa nay hiếm”.

Không chỉ giúp hộ nghèo vươn lên, XKLĐ còn “vớt” nhiều kỹ sư, cử nhân thất nghiệp có được việc làm ổn định với mức thu nhập cao. Điển hình là trường hợp của Hồ Nhật Thi (xã Mỹ An Hưng A, huyện Lấp Vò). Sau khi tốt nghiệp kỹ sư ngành xây dựng mà khó tìm được việc làm đúng nghề, qua thông tin từ Trung tâm DVVL Đồng Tháp, Thi xin ý kiến ông Hồ Văn Cường - cha Thi nhớ lại - “Sau khi xem xét điều kiện làm việc tốt, thu nhập ở mức cao, tôi ủng hộ con”. Thấy anh làm thu nhập trên 45 triệu đồng/tháng, sau đó, em của Thi cũng đăng ký theo. Giờ 2 tháng, 2 anh em gởi về trên 80 triệu đồng. Gia đình khấm khá, ông Cường còn mua 2 nền nhà để khi về nước, con có chỗ để cất nhà hay mở cơ sở làm ăn.

Thậm chí ở Đồng Tháp có nhiều LĐ đang làm thuê ở nước ngoài, nhưng đã bước lên ngôi “ông chủ” trong nước. Điển hình là trường hợp của Lê Nhật Trường (SN 1991 ở huyện Tam Nông). Bà Đặng Thị Kim Kha (SN 1966) - mẹ của Trường chia sẻ: “Tốt nghiệp ngành điện tử (Đại học Cần Thơ) không tìm được việc làm đúng nghề, Trường đăng ký sang Nhật làm việc. Với mức thu nhập 34 - 38 triệu đồng, mỗi tháng Trường gởi về 25 triệu đồng. Từ tiền tích lũy, tôi mua 3 công đất tại TP.Cao Lãnh rồi trồng vườn xoài”. Vậy là Trường làm chủ vườn xoài tại Cao Lãnh ngay khi còn làm việc ở Nhật.

Không chỉ riêng thị trường Nhật, LĐ làm việc tại Hàn Quốc, Đài Loan... cũng dễ dàng lên ngôi “chủ”. Điển hình anh Trần Quang Lạc (SN 1980 Nhị Mỹ, huyện Cao Lãnh). Sau khi mãn hợp đồng LĐ bảo vệ thực vật tại Đài Loan, tích lũy được 1,2 tỷ đồng, khi về nước anh Lạc mở cửa hàng vật tư bảo vệ thực vật tại nhà.

Đột phá tư duy

“Năm 2018, Đồng Tháp đưa 2.007 LĐ ra nước ngoài làm việc, đạt 200,7% kế hoạch. Tính 5 năm qua, toàn tỉnh xuất khẩu hơn 6.000 LĐ đi làm việc ở nước ngoài, tương đương với tổng số của 10 năm trước đó”, bà Nguyễn Thị Minh Tuyết – Giám đốc Trung tâm DVVL Đồng Tháp cho biết. Con số này sẽ tiếp tục nhảy vọt trong tương lai. Tất cả bắt đầu từ sự đại nhảy vọt về tư duy hành động vì dân của Đồng Tháp. Năm 2014, Đồng Tháp mạnh dạn tái cơ cấu sau khi nhận thấy XKLĐ có dấu hiệu tuột dốc. Qua phân tích, thống nhất chọn việc xây dựng mức hỗ trợ người tham gia XKLĐ làm khâu đột phá. Cụ thể, hỗ trợ tiền học ngoại ngữ, giáo dục định hướng, khám sức khỏe và cho vay vốn tín chấp phần chi phí...

Lý giải cho sự táo bạo này, ông Nguyễn Văn Dương – Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp cho biết: “Trước xu thế “đất chật, người đông”, chúng tôi xem XKLĐ vừa là mục tiêu xã hội, vừa là mục tiêu kinh tế trước mắt, vừa là động lực phát triển cho tương lai thông qua lượng tiền và kỹ năng, kiến thức, tác phong làm việc hiện đại mà người LĐ tích lũy được tại các nước tiên tiến..., nên cố...”. Thoạt nghe đơn giản, nhưng đó là cả hành trình mày mò, bởi lúc đó cả nước chưa có... “Sau nhiều lần cùng ngành chức năng cân nhắc... chúng tôi chọn phương án dùng ngân sách địa phương làm đối ứng ngân hàng”- ông Dương nhớ lại. Sau khi được Hội đồng nhân dân tỉnh đồng ý, đích thân Bí thư, Chủ tịch và các Phó Chủ tịch UBND tỉnh trực tiếp tổ chức các đoàn tư vấn, hướng nghiệp... Nói cách khác, cả hệ thống chính trị Đồng Tháp vào cuộc với XKLĐ. Nhưng, tất cả chỉ dừng lại ở mức khơi gợi động lực. Theo đó, ngoại trừ hộ nghèo, chính sách, tất cả đối tượng còn lại chỉ được hỗ trợ tối đa 90% giá trị chi phí, mà theo lời ông Dương là để người XKLĐ gắn thêm phần trách nhiệm.


Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Nguyễn Văn Dương tặng chiếc khăn choàng quê hương cho lao động chuẩn bị lên đường làm việc có thời hạn ở nước ngoài

Xây dựng thương hiệu LĐ Đồng Tháp

Sau thời gian thấy Đồng Tháp XKLĐ có hiệu quả, nhiều tỉnh cũng “vào cuộc”. Thậm chí, có tỉnh còn mạnh mẽ hơn khi hỗ trợ cho vay tín chấp 100% giá trị chi phí XKLĐ... Tuy nhiên, Đồng Tháp không “chạy đua” bằng cách nâng mức hỗ trợ, mà tập trung vào việc nâng chất công tác hỗ trợ vào chiều sâu. Điển hình là việc xây dựng thương hiệu “LĐ Đồng Tháp”.

Theo đó, ngoài việc chủ động tổ chức học ngoại ngữ và hướng nghiệp tại chỗ nhằm vừa tiết giảm chi phí cho gia đình, tăng cơ hội tìm việc cho học viên so với cách giao cho đơn vị ngoài tỉnh đảm nhiệm như trước đây, hơn thế nữa, tỉnh cũng tận dụng cơ hội này để tăng cường giáo dục lòng tự hào “màu cờ sắc áo”... Mặt khác, Đồng Tháp còn năng động ứng dụng công nghệ để xây dựng thương hiệu LĐ cho riêng mình. “Mỗi khóa, Trung tâm DVVL Đồng Tháp tạo zalo chung để các LĐ tiện trao đổi thông tin, chia sẻ tình hình để giúp nhau xử lý sự cố, cùng vượt khó nơi xứ người” - bà Minh Tuyết nhấn mạnh thêm - “Đây cũng là kênh để lãnh đạo tỉnh động viên, an ủi LĐ tỉnh nhà vào các dịp lễ, Tết hoặc báo động nhanh nhất những tình huống xấu để cơ quan chức năng vào cuộc kịp thời, hạn chế thấp nhất khả năng xảy ra hành động tự phát”...

Ngoài ra, Đồng Tháp cũng mạnh dạn thay đổi cách lựa chọn doanh nghiệp XKLĐ đối tác. “Chúng tôi yêu cầu các đơn vị có trách nhiệm tổ chức đào tạo, huấn luyện, đưa LĐ đi làm việc ở nước ngoài cần phải chăm chút, chu đáo đường đi, nước bước và có trách nhiệm với người LĐ. Hãy thấm nhuần sứ mạng: “Giúp người dân của mình khá giả hơn và quê hương mình thịnh vượng hơn” - ông Lê Minh Hoan - Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp chia sẻ. Trên tinh thần đó, Đồng Tháp không chạy theo số lượng hay sự áp đặt nào từ bên ngoài, mà tập trung ưu tiên chọn doanh nghiệp thực sự có năng lực và thực lực làm đối tác sau khi kiểm chứng nhiều nguồn thông tin và thực tế... Tất cả những nỗ lực này nhằm hướng tới mục tiêu: từng bước tạo dựng uy tín cho thương hiệu LĐ Đồng Tháp”. Đây sẽ là bàn đạp giúp Đồng Tháp tăng tốc “chiếm lĩnh” thị trường có điều kiện làm việc hiện đại, thu nhập ổn định ở mức cao như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan...

Không dừng lại ở đó, Đồng Tháp còn đi xa hơn khi chủ động xây dựng cả chiến lược phát huy nguồn LĐ sau khi hoàn thành thời gian làm việc ở nước ngoài. “Bên cạnh tổ chức sự kiện “khởi nghiệp” để các em có thêm cơ hội vào làm việc với công ty của các quốc gia nước ngoài tại Việt Nam, vừa tạo cơ hội để các đối tượng này chia lửa cho nguồn LĐ tại chỗ, vừa hạn chế tối đa khả năng xảy ra sự “hụt hẫng” sau thời gian quen sống và làm việc trong môi trường nước ngoài” - ông Đoàn Tấn Bửu - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp cho biết thêm: “Đặc biệt, Đồng Tháp còn triển khai liên kết để mở thêm kênh du học, nhằm tạo cơ hội cho LĐ đủ điều kiện đi tu nghiệp chương trình đại học để có việc làm gắn với chức danh nghề nghiệp, tạo ra sự ổn định lâu dài”.

Những cách làm đột phá này, không chỉ là chìa khóa giúp Đồng Tháp mở ra thành công với XKLĐ mà còn gợi mở cho nhiều địa phương bài học về đổi mới tư duy vì dân phục vụ.

Lục Tùng

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn