Huyện Cao Lãnh với chiến lược dân số và SKSS giai đoạn 2011-2020

Cập nhật ngày: 04/06/2012 08:31:28

Hiện tại dân số của huyện Cao Lãnh trên 203 ngàn người. Mặc dù tỷ lệ giảm sinh đã đạt được mục tiêu và tiếp tục giảm, nhưng do quy mô dân số lớn nên đến năm 2020 dự báo dân số huyện sẽ là 221.744 người (tăng thêm 18.093 người, bằng dân số của 2 xã Mỹ Thọ và An Bình). Với qui mô dân số này thì đất đai bình quân đầu người sẽ bị thu hẹp lại. Vì vậy, kết quả giảm sinh từ nay đến năm 2020 có ý nghĩa quyết định đến việc ổn định qui mô dân số.

Bên cạnh qui mô dân số ngày càng gia tăng vẫn còn khá nhiều cặp vợ chồng có “con một bề” và còn ý nghĩ sinh con dự phòng. Tỷ lệ áp dụng biện pháp tránh thai hiện đại có tăng nhưng chưa bền vững, việc mang thai ngoài ý muốn là đáng lo ngại... Từ thực tế trên, mục tiêu chiến lược dân số và sức khỏe sinh sản giai đoạn 2011-2020 của huyện sẽ thực hiện gia đình ít con (có 1 hoặc 2 con) khỏe mạnh tiến tới ổn định qui mô dân số ở mức hợp lý để có cuộc sống ấm no hạnh phúc nâng cao chất lượng dân số, phát triển nguồn nhân lực có chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông thôn.

Để thực hiện chiến lược, giai đoạn 2011-2015, huyện tập trung cho dự án chăm sóc SKSS/KHHGĐ, duy trì mức giảm sinh ở giai đoạn trước, giảm sinh nhanh ở những khu vực có mức sinh còn cao, bắt đầu thực hiện các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng dân số, tác động đến cơ cấu và phân bố dân cư. Mục tiêu chủ yếu giai đoạn này là đạt mức sinh thay thế.

Trong đó những mục tiêu cụ thể như duy trì xu thế giảm sinh đạt mức sinh thay thế vào năm 2015, tiến tới ổn định qui mô dân số ở mức hợp lý vào năm 2020; mở rộng nâng cao chất lượng công tác thông tin giáo dục truyền thông về DS-KHHGĐ làm chuyển biến mạnh mẽ nhận thức thay đổi hành vi, đặc biệt là các vùng sâu và những nơi có tỷ lệ sinh con thứ 3 còn cao, giảm tỷ suất sinh hàng năm 0,1 - 0,2‰, tăng tỷ lệ các cặp vợ chồng áp dụng các biện pháp tránh thai từ 80 - 81%, chuyển đổi phương thức tuyên truyền vận động, tập trung vào lợi ích của chiến dịch chăm sóc SKSS/KHHGĐ; giảm nhanh tỷ lệ nạo phá thai hàng năm, tỷ lệ thất bại các BPTT, từ đó giảm tỷ lệ có thai ngoài ý muốn; lồng ghép chương trình DS-KHHGĐ vào các chương trình hoạt động tại địa phương, tiếp tục thực hiện đồng bộ các loại hình truyền thông gắn với chủ đề dân số và phát triển, chú trọng truyền thông trực tiếp tư vấn về chăm sóc SKSS/KHHGĐ cho các nhóm đối tượng, từ đó tạo sự chuyển biến về nhận thức và trách nhiệm của mỗi người dân với công tác DS-KHHGĐ.

Trung tâm dân số huyện và các trạm y tế xã, thị trấn phối hợp chặt chẽ với các ban, ngành, đoàn thể tuyên truyền vận động, cung cấp đầy đủ các sản phẩm truyền thông, các hoạt động truyền thông ở giai đoạn 2011 - 2020, duy trì phát triển các thông điệp làm mẹ an toàn, lợi ích của KHHGĐ, trang bị kiến thức cụ thể về các BPTT hiện đại, tác hại của nạo phá thai, các bệnh lây truyền qua đường tình dục...

C.P

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn