Những vấn đề cần giải quyết trong chiến lược dân số

Cập nhật ngày: 18/09/2017 16:11:58

ĐTO - Mục tiêu hành động thực hiện Chiến lược dân số (DS) và sức khỏe sinh sản (SKSS) Việt Nam, giai đoạn 2017 - 2020 trên địa bàn tỉnh là duy trì mức sinh thấp, hợp lý; khống chế tốc độ tăng tỷ số giới tính khi sinh; nâng cao chất lượng DS về thể chất, trí tuệ, tinh thần đáp ứng nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và sự phát triển nhanh, bền vững, góp phần thực hiện thành công chiến lược DS và SKSS Việt Nam giai đoạn 2011-2020. Kế hoạch hành động tập trung giải quyết những vấn đề: mức sinh và quy mô DS, cơ cấu DS, chất lượng DS, di cư...

Về mức sinh và quy mô DS, tỉnh đã duy trì mức thấp hợp lý (TFR: 1,84 con) dưới mức sinh thay thế), tuy nhiên tỷ lệ sinh con thứ ba vẫn còn dao động có xu hướng tăng từ 4,21% (năm 2011) giảm xuống 4,07% (năm 2013), nhưng tăng lên 4,11% (năm 2014) và giảm còn 4,06% (2015). Phụ nữ có chồng áp dụng các biện pháp tránh thai tăng số lượng, tuy nhiên tỷ lệ dao động và giảm dần theo từng năm: 77,60% (năm 2011) giảm xuống 75,38% (năm 2014) và tăng lên 79,28% (năm 2015) và 78,21% năm 2016. Đồng Tháp đang đối mặt với nguy cơ mất cân bằng giới tính khi sinh, tỷ số giới tính khi sinh dao động và có xu hướng gia tăng: 104,8 bé trai/100 bé gái (năm 2010), 105,6 bé trai/100 bé gái (năm 2012).

Với tỷ suất sinh giảm, tỷ số giới tính khi sinh sẽ có khả năng gia tăng trong thời gian tới. Mất cân bằng giới tính khi sinh dẫn đến những hệ lụy nghiêm trọng: dư thừa nam giới, thiếu nữ giới ở độ tuổi kết hôn có thể dẫn đến tan vỡ cấu trúc gia đình, một bộ phận nam giới sẽ kết hôn muộn và nhiều người không có khả năng kết hôn; dự báo sẽ gia tăng bất bình đẳng giới; phụ nữ kết hôn sớm, tăng tỷ lệ ly hôn, tái hôn cao; lạm dụng và bạo hành giới; buôn bán phụ nữ, trẻ em gái.

Tỉnh đã và đang trong giai đoạn “cơ cấu DS vàng” (thời gian của giai đoạn DS vàng khoảng 30 năm). Cùng lúc với giai đoạn cơ cấu DS vàng, DS Đồng Tháp cũng đã bắt đầu bước vào giai đoạn “già hóa DS” (tỷ lệ DS từ 60 tuổi trở lên chiếm trên 10%) từ năm 2013. DS già bao gồm phần lớn người cao tuổi là nông dân, làm nông nghiệp và sống ở nông thôn. Xu hướng gia đình truyền thống của người Việt đang chuyển sang gia đình hạt nhân. DS người cao tuổi ngày càng nhiều thì tỷ lệ phụ thuộc càng cao, tỷ lệ bệnh mãn tính càng cao.

Hiện nay, chất lượng DS Đồng Tháp vẫn còn thấp. Chỉ số phát triển con người (HDI) tuy từng bước được cải thiện nhưng vẫn còn ở mức thấp. Tuổi thọ bình quân 73 tuổi, nhưng tuổi thọ bình quân khỏe mạnh chỉ đạt 64 tuổi. Các tố chất về tầm vóc thể lực của người Đồng Tháp nói riêng và con người Việt Nam nói chung còn hạn chế, đặc biệt là chiều cao, cân nặng và sức bền còn thấp. Tỷ lệ DS bị thiểu năng về thể lực và trí tuệ chiếm tới 1,5% DS và số hàng năm tích lũy tiếp tục tăng lên, do số trẻ em sinh ra bị dị tật bẩm sinh chiếm tỷ lệ cao 1,7%/tổng số trẻ sinh ra.

Nếu không có biện pháp ngăn chặn trong việc dự phòng và điều trị sớm một số bệnh rối loạn chuyển hóa và di truyền thì tỷ lệ trẻ em mới sinh ra bị dị tật bẩm sinh có khả năng tăng cao, để lại hậu quả nặng nề cho gia đình và xã hội. Do đó, cần khám kiểm tra sức khỏe trước kết hôn và sàng lọc trước sinh, sàng lọc sơ sinh để sinh ra những đứa con (công dân tương lai) khỏe mạnh. Tình trạng quan hệ tình dục sớm, có thai ở độ tuổi vị thành niên, phá thai không an toàn, ly hôn, ly thân sớm trong giới trẻ có chiều hướng gia tăng cũng để lại những hậu quả, làm giảm chất lượng DS của các thế hệ tương lai, cần tăng cường tuyên truyền, giáo dục, vận động về KHHGĐ, chăm sóc SKSS và SKSS vị thành niên.

Di cư là tất yếu và là động lực của sự phát triển. Tuy nhiên, trong thời gian qua, tình trạng di cư diễn ra phức tạp, chủ yếu là từ nông thôn vào đô thị, khu công nghiệp; gần một nửa người di cư ở độ tuổi 20-29 và nam giới chiếm tỷ lệ cao. Từ đó, ảnh hưởng đến chất lượng quy hoạch kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, về khả năng đáp ứng nhu cầu hàng hóa và dịch vụ xã hội cơ bản; người di cư gặp khó khăn về cuộc sống và khó tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản, đặc biệt là dịch vụ chăm sóc sức khỏe, trong đó có dịch vụ chăm sóc SKSS/kế hoạch hóa gia đình.

TN

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn