Thời “hoàng kim” của đồ si đã qua

Cập nhật ngày: 16/07/2012 08:24:36

Đã có một thời đồ cũ - thường gọi là đồ “si đa” hay hoặc đồ “second-hand” bán đắt như “tôm tươi” vì được nhiều người ưu tiên lựa chọn do giá rẻ, mẫu mã đa dạng. Nhưng hiện tại chỗ đứng của đồ si không còn như trước...

Có một thời như thế...

Trên địa bàn thị xã SaĐéc, mặc dù các hộ chuyên bán đồ si không còn nhiều so với trước đây nhưng nếu muốn mua các loại này vẫn có những địa chỉ riêng cho nhiều người lựa chọn. Nếu muốn mua đồ giá bình dân thì đến Chợ Đêm SaĐéc (nằm trên đường Nguyễn Huệ), nếu muốn kiếm đồ si giá nhỉnh hơn và chất lượng tương đối tốt thì vào một số quầy bán quần áo phía trong nhà lồng chợ SaĐéc. Từ quần tây, quần short ka ki, áo thun ba lỗ, áo thun thể thao, áo khoác chống nắng... với nhiều mẫu mã đa dạng, giá cả từ vài ngàn đến vài chục ngàn đồng và người mua có thể thoải mái lựa chọn. Qua tìm hiểu, đa phần các hộ bán đồ si nơi đây đều khởi nghiệp cách đây hơn 10 năm.

Bà Phạm Thị Kim Phượng, chuyên bán đồ si tại đường Nguyễn Huệ, thị xã SaĐéc cho biết: “Lúc trước đồ si chủ yếu lấy hàng ở Châu Đốc, giờ nhu cầu đồ si ít quá nên tôi mua lại của những người dân địa phương”. Tại SaĐéc thì bà Phượng là một trong những người khởi nghiệp bán đồ si sớm nhất, từ giữa thập niên những năm 80 của thế kỷ trước người ta đã thấy bà bắt đầu kinh doanh đồ si. Tất cả các loại quần áo, miễn thứ gì người ta cần là bà mua về bán lại, lúc đó một đồng vốn để bỏ ra mua đồ si về bán có thể kiếm được hai, ba đồng lời. Thấy kiếm sống được, nhiều người bắt đầu kinh mua bán đồ si như bà Phượng. “Lúc đó nhiều người buôn bán đồ si nhưng vải vóc, quần áo rất ít. Mẫu mã thì không nhiều nên đồ si bán rất chạy, người mua nườm nượp, mê lắm. Đó là lý do mà nhiều người theo nghề bán đồ si”, bà Phượng kể.

Còn cô Nga - Chủ cửa hàng đồ si trên đường Hùng Vương, phường 2, thị xã SaĐéc cho hay, gia đình bắt đầu kinh doanh đồ si cách nay 15 năm nhưng trong khoảng 5 năm đầu (từ năm 1997 đến năm 2002) được xem là thời kỳ “cực thịnh”. “Thời gian đó, khách vào mua đồ si nhiều, bán thấy ham lắm. Mỗi ngày bán trung bình khoảng 4-5 triệu đồng, ngày nào lắm cũng gần 3 triệu đồng. Cứ 3-4 ngày là tôi lại lên Châu Đốc lựa đồ si của mấy cửa hàng trên đó mua về bán. Đồng lãi từ đồ si rất hấp dẫn”, cô Nga nói.

Thời gian trên được xem là thời của đồ si, phong trào bán đồ si nở rộ từ thành thị đến thôn quê. Ngoài những tiệm bán đồ si cố định còn có đội ngũ khá đông những người bán đồ si trên xe ba gác máy... Trong đó, có những người nhờ buôn bán hàng si mà từng bước vươn lên khá giả.

Thời “hoàng kim” của đồ si đã qua

Vì nhiều lý do mà có nhiều người không thích đồ si nhưng có những người rất “ghiền” đồ si vì nó có sức hút khó tả. Có thể kể đến đó là giá của đồ si luôn luôn “rẻ”. Nếu một chiếc áo sơ mi mua trong shop giá có thể vài trăm nghìn đồng thì mua đồ si giá chỉ với vài chục ngàn đồng. So với áo mới có thể không đẹp bằng nhưng với đồ si có ưu điểm ở chỗ người ta mặc vài lần có thể bỏ đi và mua chiếc áo mới xem như đổi mẫu. Ngoài giá rẻ ra, người ta thích đồ si còn vì là “hàng độc”, không đụng hàng bởi có rất nhiều đồ si gắn mác “Made in Hong Kong” hay “Made in Italy” hoặc là “hàng hiệu” của Kevin Clein, Gucci... nhiều kiểu dáng rất bắt mắt. Do đông khách nên nhiều người gọi vui đi mua đồ si là đi shop bu vì bu vào mới lựa chọn được.


Anh Nguyễn Thanh Bượt, phường 6, TPCL bên các loại đồ si

Tuy đồ si có sức hút riêng nhưng do hiện tại các loại quần áo, vải vóc nhiều nên đồ si đã không còn hấp hẫn như trước. Vài năm qua, tiệm đồ si của anh Phạm Thanh Bượt ở khóm 5, phường 6, thành phố Cao Lãnh ít khách đến mua so với thời gian trước, từ đó nguồn thu nhập của gia đình giảm đáng kể. Anh Bượt cho biết: “Tôi vào nghề bán đồ si được hơn 10 năm nhưng chưa thấy lúc nào khách lại chê đồ si nhiều như hai năm nay. Do không có nghề nghiệp để làm nên bán đồ si kiếm thu nhập chứ không tôi đã chuyển nghề lâu rồi”.

Khách tìm mua đồ si không nhiều nên vài năm nay, một số hộ chuyên bán đồ si tại chợ SaĐéc đã dần chuyển sang bán đồ mới. Chị Vân - Chủ một sạp quần áo tại đây tâm sự: “Bán đồ si giờ ế quá nên tôi chuyển sang bán đồ mới rồi, đồ si còn ít thôi chỉ khoảng 20%. Bán đồ si mà lễ, tết khách đi mua đồ chủ yếu kiếm mua đồ mới nên mình bán đồ si cũng thấy tủi tủi. Giờ người ta chê đồ si lắm rồi”.

Chị Nga - Chủ tiệm đồ si Chí Nga thị xã SaĐéc cho biết thêm, nếu tình hình mua bán đồ si không cải thiện, trong thời gian tới sẽ cũng chuyển sang nghề khác.

Kinh tế phát triển, ngành may mặc phát triển, quần áo, vải vóc nhiều và con người có nhiều sự lựa chọn để ăn mặc đẹp hơn. Do đó đồ si, hàng si hiện nay chỉ dành riêng cho một số ít người, trong đó chủ yếu là tầng lớp dân lao động nghèo.

Phú Thuận

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn