Yêu cầu thực hiện tốt việc tiếp nhận, tư vấn hỗ trợ điều trị nghiện

Cập nhật ngày: 04/05/2019 11:22:32

Trên 99% người sử dụng ma túy tổng hợp

Công tác cai nghiện ma túy được các ngành, các cấp phối hợp thực hiện đạt được nhiều kết quả quan trọng. Tuy nhiên, tình hình người sử dụng trái phép, người nghiện ma túy tổng hợp gia tăng nhanh, diễn biến phức tạp.


Khám sức khỏe và tư vấn cho học viên tại Cơ sở Điều trị nghiện tỉnh (ảnh tư liệu)

Theo số liệu khảo sát, thống kê của ngành chức năng, tính đến nay toàn tỉnh có gần 2.000 người nghiện ma túy, có trên 99% người sử dụng ma túy tổng hợp, trong đó có gần 70 nữ; ngoài cộng đồng hơn 1.700 người; tại Cơ sở Điều trị nghiện tỉnh là 270 học viên. Trong năm 2018, Cơ sở điều trị nghiện tỉnh đã tiếp nhận giáo dục cai nghiện cho 653 học viên. Về độ tuổi người nghiện ma túy: dưới 18 tuổi 75 người, từ 18 - 30 tuổi 1.441 người và trên 30 tuổi là 448 người.

Theo Sở lao động - Thương binh và Xã hội, người nghiện ma túy tổng hợp thường bị rối loạn thần kinh, tâm thần, có biểu hiện hoang tưởng, ảo giác, trầm cảm... dễ bị kích động dẫn đến gây rối, đập phá trong cơ sở cai nghiện ma túy và cả ngoài cộng đồng.

Chú trọng công tác đào tạo người điều trị nghiện

Mới đây, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch Điều trị, cai nghiện và quản lý sau cai cho người nghiện ma túy trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp năm 2019. Đáng chú ý, kế hoạch đặc biệt chú trọng đào tạo người làm công tác dự phòng và điều trị nghiện, nhằm chặn đứng tốc độ gia tăng người nghiện mới, giảm tỷ lệ người sử dụng trái phép chất ma túy trong cộng đồng, cũng như tổ chức cai nghiện ma túy theo hướng có hiệu quả, bền vững.

Nâng cao nhận thức của các cấp ủy, chính quyền và người dân về dự phòng và điều trị nghiện, phấn đấu 95% cán bộ chính quyền các cấp và 75% người dân ở độ tuổi trưởng thành hiểu biết cơ bản về tác hại của nghiện ma túy, các biện pháp đổi mới dự phòng và điều trị nghiện.

Đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ làm công tác dự phòng và điều trị nghiện, phấn đấu 90% cán bộ tham gia công tác dự phòng và điều trị nghiện được đào tạo kiến thức, kỹ năng cơ bản về điều trị nghiện; 90% cán bộ làm công tác tư vấn dự phòng và điều trị nghiện được đào tạo và cấp chứng chỉ; 100% cán bộ y tế công tác tại các Cơ sở Điều trị nghiện có đủ các văn bằng, chứng chỉ theo quy định về điều trị nghiện.

Kế hoạch cũng đề ra chỉ tiêu 50% người nghiện so với số người nghiện có hồ sơ quản lý được điều trị, cai nghiện. Trong đó có ít nhất 30% số người được cai nghiện bắt buộc và tự nguyện tại Cơ sở Điều trị nghiện. Số còn lại được điều trị, cai nghiện tự nguyện tại gia đình, cộng đồng và các hình thức cai nghiện khác; 50% người nghiện có nhu cầu được tạo việc làm. 100% người đã hoàn thành điều trị, cai nghiện tại Cơ sở Điều trị nghiện được quản lý sau cai nghiện với các hình thức quản lý, tư vấn, giám sát phù hợp; đồng thời tạo điều kiện giới thiệu việc làm, hỗ trợ cho vay vốn để người sau cai nghiện ổn định cuộc sống, hạn chế tái nghiện.

Nâng chất lượng, hiệu quả điều trị, cai nghiện tại Cơ sở

UBND tỉnh yêu cầu Cơ sở Điều trị nghiện tỉnh triển khai thực hiện tốt công tác tiếp nhận, tư vấn hỗ trợ điều trị nghiện và thực hiện quy trình cai nghiện bắt buộc, tự nguyện tại Cơ sở theo quy định.

Đảm bảo các điều kiện về cơ sở vật chất cho công tác tư vấn hỗ trợ điều trị cai nghiện, chú trọng đến công tác cai nghiện tự nguyện và hỗ trợ tái hòa nhập cộng đồng, nhất là các điều kiện về trang thiết bị cai nghiện, dạy nghề, tạo việc làm để đối tượng hòa nhập tốt với cộng đồng.

Tăng cường các hoạt động điều trị nghiện gắn với vui chơi, giải trí, thể dục thể thao lành mạnh, thực hành lao động giản đơn như: trồng trọt, chăn nuôi cho các học viên và mời một số chuyên gia thuyết giảng về chính sách pháp luật, giá trị đạo đức, lối sống của con người cho các học viên.

Thực hiện chương trình can thiệp giảm tác hại, dự phòng lây nhiễm HIV theo quy định của pháp luật.

H.NGHĨA

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn