Tác giả Nguyễn Quang Ba và truyện ngắn “Về với đất”
Cập nhật ngày: 16/12/2015 12:33:52
Trong danh sách những tác giả đạt giải tại cuộc thi truyện ngắn đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) năm 2015, tôi đặc biệt ấn tượng với Nguyễn Quang Ba và truyện ngắn được xếp giải ba “Về với đất”. Không chỉ ấn tượng vì Nguyễn Quang Ba là tác giả duy nhất của Đồng Tháp có tên trong danh sách này mà còn vì cái tên ấy nhắc nhớ cho tôi về một con người gần gũi, thân thiện, giàu nghị lực và rất đỗi tài hoa.
Nguyễn Quang Ba
Nguyễn Quang Ba sinh năm 1951, tại xã Tân Phú Trung, huyện Châu Thành, Đồng Tháp. Ngoài tên thật cũng là bút danh này, người đọc còn biết đến anh qua bút danh Nguyễn Lệ Ba, tác giả của rất nhiều truyện ngắn “Thành phố và những buồn vui ở lại”, “Ngồi lại với trăm năm”, “Hạt nắng vô tư”, “Nụ cười trong giấc mơ tôi”,...
Nguyễn Quang Ba cho biết anh vốn yêu thích văn chương từ những ngày còn đi học, nhưng giữa thời chiến tranh loạn lạc rồi sau đó là những vất vả, nhọc nhằn của cuộc sống mưu sinh; biết bao cảm xúc về con người, cảnh vật, tình yêu thôi thúc nhưng anh cũng chỉ gói lại, giữ lấy cho riêng mình để dành hết thời gian cho những lo toan thường nhật.
Rồi đến khoảng năm 2010, Nguyễn Quang Ba mới bắt đầu viết những truyện ngắn đầu tiên. Trong một khoảng thời gian rất ngắn, tác phẩm của anh đã được chọn và giới thiệu trên nhiều tờ báo, tạp chí uy tín về văn chương nghệ thuật như báo Văn Nghệ - Hội Nhà văn Việt Nam, Văn nghệ TP.Hồ Chí Minh, tạp chí Sông Hương, Tuổi trẻ cuối tuần, tạp chí Tiếp thị Gia đình,... được phát trong chương trình Đọc truyện đêm khuya của một số Đài phát thanh. Và đặc biệt hơn là khi tác phẩm của anh liên tục gặt hái được nhiều giải thưởng như: giải nhì Cuộc thi truyện ngắn tạp chí Tiếp Thị & Gia Đình năm 2013, giải nhất Cuộc thi bút ký huyện Châu Thành năm 2013, giải ba cuộc thi truyện ngắn ĐBSCL năm 2015.
Với tôi, khi đọc tác phẩm của Nguyễn Quang Ba, cũng gần với cảm giác được nghe một người thì thầm kể lại câu chuyện cuộc đời mình và những người xung quanh. Tôi hiểu anh đang viết để sẻ chia, giải bày, để tạo sự đồng cảm và hé lộ những góc khuất trong suy nghĩ và đời sống tình cảm của những người khuyết tật; bởi lẽ anh đã không may mắn khi bị sốt bại liệt cướp mất đôi chân từ năm lên 4 tuổi và đã ngồi xe lăn hơn 60 năm nay. Không chỉ có những câu chuyện của tình người, của những ân nghĩa thủy chung, mà truyện ngắn của Nguyễn Quang Ba còn mang tới cho người đọc những suy nghĩ tích cực về cuộc sống, để họ tin rằng được bước đi trên đôi chân của mình đã là một hạnh phúc, một ân huệ to lớn mà thượng đế đã ban tặng. Vậy thì hãy biết gìn giữ, trân trọng và sống cho tròn vẹn ý nghĩa của cuộc đời này.
Thông điệp mà Nguyễn Quang Ba gửi gắm tôi đã thấy không chỉ trong tác phẩm mà còn thấy trong cuộc sống hằng ngày của anh. Đó là hình ảnh của một họa sĩ vẽ tranh phong cảnh, tranh chân dung, trang trí áo dài, các sản phẩm mỹ nghệ, làm bìa sách, chơi ghi ta giỏi; lại còn biết đủ thứ nghề tay trái như sửa đồ điện, amply, cassette,...và là một văn sĩ được nhiều độc giả yêu quý.
Truyện ngắn “Về với đất”, bằng câu chuyện hư cấu về ông Thanh và những người bạn già của mình, Nguyễn Quang Ba đã phản ánh một cách chân thực và sinh động một hiện trạng xã hội, mảng màu xám giữa bức tranh rực rỡ của cuộc sống đang tiến lên từng ngày bằng sự phồn vinh, đầy đủ về vật chất. Ở đó có những người già bị bỏ rơi, bị cuốn trôi theo dòng xoáy số phận bởi ngoại cảnh, thiên tai, bởi tiến trình đô thị hóa ào ạt; nhanh đến mức mà họ không kịp thích ứng. Nhưng bên cạnh sự vô cảm, đôi khi là sự ích kỷ của những người trong gia đình; họ vẫn bắt gặp những tấm lòng biết yêu thương, đồng cảm, sẻ chia. Đó là ông bạn bác sĩ già, là chị Hạnh tưởng chừng có vẻ lạnh lùng khó tính nhưng lại hiểu rõ giữa cuộc đời thì “yêu thương nhau là chưa đủ, phải hiểu nhau mới làm cuộc sống này tốt đẹp hơn”. Câu nói đó của nhân vật Hạnh là lời nhắc nhở cho mỗi chúng ta nhìn lại mình để biết sống tốt hơn và đẹp hơn với mọi người.
Những trang nhật kí đời sống ấy Nguyễn Quang Ba vẫn đang miệt mài ghi lại. Và tôi vẫn luôn chờ đợi, để lại được nghe từng câu chuyện của anh!
Nguyễn Giang San