Xây dựng nông thôn mới
Những đóng góp có sức lan tỏa
Cập nhật ngày: 19/11/2012 13:27:25
Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM), các địa phương đã và đang nhận được sự đóng góp tích cực từ người dân, doanh nghiệp, mạnh thường quân,... Những đóng góp đó rất có ý nghĩa và có sức lan tỏa trong cộng đồng.
Anh Nguyễn Văn Lực và anh Nguyễn Văn Du, ấp 2,
xã Mỹ Hòa cào đá sửa đường
Bán đồng làm đường
“Bán đồng”, “mua đồng” là cách nói của nông dân và những người nuôi vịt chạy đồng - khi nông dân thu hoạch lúa xong, bán nền gốc rạ cho người nuôi vịt, thả vịt vào để ăn lúa rụng, lúa sót lại. Ở xã Mỹ Hòa (Tháp Mười) việc người dân đóng góp tiền từ bán đồng để mua đá làm đường đã có từ nhiều năm qua. Đây là điều kiện thuận lợi để xã tiếp tục huy động sức dân vào xây dựng NTM.
Vào năm 2008, khu vực ấp 2, xã Mỹ Hòa đã có đê bao bảo vệ được lúa thu đông, nhưng mặt đê chưa rải đá, nên việc đi lại rất khó khăn, nhất là vào mùa mưa. Trước tình hình đó, Chi bộ và Ban nhân ấp đề ra chủ trương vận động nhân dân có đất trong khu đê bao đóng góp tiền bán đồng để mua đá rải đường, chống lầy. Sau khi được nhân dân đồng thuận cao, Ban nhân dân ấp cử người có uy tín đi thu tiền bán đồng là 75.000 đồng/công/năm (3 vụ lúa). Số tiền thu được giao lại cho đại diện nhân dân giữ để mua đá rải 3.500m đường.
Do chỉ rải đá nhỏ (1x2), nên đến cuối năm 2011, đá bị lún sâu xuống mặt đường, làm đường bị lầy mỗi khi có mưa. Lúc này, nhân dân ở ven đê bao tự nguyện cùng nhau đóng góp tiền bán đồng để mua đá làm đường. Những đoạn đê có nhà ở thưa thì Chi bộ và Ban nhân dân ấp tổ chức vận động người có đất ruộng đóng góp thêm. Anh Nguyễn Văn Lực được xem là người đi đầu vận động bà con đóng góp làm đường cho biết: Tiền vận động được và chi bao nhiêu bà con đều nắm rõ, nên ai cũng nhiệt tình tham gia. Hơn nữa, làm đường thì đi lại không sợ bùn lầy, nhất là các em học sinh không phải đi bằng xuồng qua khỏi đoạn đường đất.
Đồng chí Lê Văn Phước - Bí thư chi bộ ấp 2, xã Mỹ Hòa, bộc bạch: “Phong trào đóng góp tiền bán đồng ở ấp phát triển đầu tiên và nhân ra các ấp khác. Nhân dân đã đóng góp gần 50 triệu đồng để rải đá chống lầy cho đoạn đường 3,5km. Trong điều kiện kinh tế gia đình còn nhiều khó khăn, bà con đóng góp được như vậy là một cố gắng. Chi bộ và Ban nhân ấp tin tưởng bà con sẽ tiếp tục phát huy kết quả, có những đóng góp sức người, sức của vào công cuộc xây dựng NTM, trước mắt là nâng cấp tuyến đường mà bà con đã rải đá mấy năm nay.”
Chuyện ở Hưng Thạnh
Quyết định 315/QĐ-TTg ngày 1/3/2011 của Thủ tướng Chính phủ về việc thực hiện thí điểm bảo hiểm nông nghiệp giai đoạn 2011-2013 là nhằm hỗ trợ cho người sản xuất nông nghiệp chủ động khắc phục và bù đắp thiệt hại tài chính do hậu quả của thiên tại, dịch bệnh gây ra, góp phần ổn định an sinh xã hội nông thôn, thúc đẩy sản xuất nông nghiệp phát triển. Do đang trong giai đoạn thí điểm bảo hiểm, nên nhiều nông dân chưa thông suốt chủ trương và chưa muốn tham gia. Tuy nhiên, ở xã Hưng Thạnh (Tháp Mười), trong vụ thu đông vừa qua, có 382/771ha của 195 hộ mua bảo hiểm cây lúa, trong đó chỉ có 2,1ha của 3 hộ nghèo, còn lại là các hộ không thuộc hộ nghèo và cận nghèo.
Trong tổng phí bảo hiểm thu được, sẽ trích 20% chi hoa hồng để bù đắp chi phí hoạt động cho các thành phần thực hiện chương trình. Trong đó, đại lý bảo hiểm nông nghiệp hưởng 9%, Ban vận động bảo hiểm nông nghiệp xã 5%, Ban chỉ đạo bảo hiểm nông nghiệp huyện 3% và Ban chỉ đạo tỉnh 3%.
Ngoài nỗ lực tuyên truyền vận động nông dân tham gia bảo hiểm cây lúa, Ban vận động bảo hiểm nông nghiệp xã Hưng Thạnh còn thống nhất không nhận tiền hoa hồng, mà đóng góp khoản này cùng với nhân dân để địa phương để thực hiện các chương trình phúc lợi xã hội như chương trình thắp sáng vùng quê, xây dựng cầu, đường, nông thôn. Việc làm này có ý nghĩa rất lớn trong việc vận động người dân trong xã tích cực đóng góp thực hiện chương trình xây dựng NTM. Công việc của các thành viên Ban vận động bảo hiểm nông nghiệp xã cũng tốn nhiều thời gian và công sức, nhưng các thành viên đã tự nguyện đóng góp thù lao của mình để xây dựng NTM là muốn làm gương để cho nhân dân nhiệt tình hưởng ứng.
Ông Đỗ Chí Thiện - Phó Chủ tịch UBND xã Hưng Thạnh cho biết thêm: “Hưng Thạnh là xã vùng sâu giữa Đồng Tháp Mười, đa số nhân dân còn nghèo, nên việc đóng góp của bà con vào xây dựng NTM còn hạn chế, nhất là hộ nghèo và cận nghèo. Do đó, số tiền đóng góp của Ban vận động bảo hiểm nông nghiệp sẽ góp phần tích cực vào các công trình nhà nước và nhân dân thực hiện, vì các hộ nghèo và cận nghèo không có khả năng đóng góp. Phần kinh phí này tuy nhỏ nhưng góp phần kêu gọi sự đóng góp của nhân dân, thể hiện sự quyết tâm của toàn thể cán bộ, công chức và nhân dân trong xây dựng NTM.”
Thành Nam