Vững tin tiếp bước
Cập nhật ngày: 28/07/2020 05:04:54
ĐTO - Qua 90 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, ngành Tuyên giáo (TG) tỉnh Đồng Tháp đã phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn hệ thống, giữ vững định hướng của Đảng, làm tốt công tác tư tưởng, chính trị, giữ gìn truyền thống đoàn kết, chủ động, sáng tạo thực hiện thắng lợi nhiệm vụ được Đảng và Nhân dân giao. Đồng thời phối hợp thực hiện nhiệm vụ TG, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững quốc phòng – an ninh và xây dựng Đảng vững mạnh.
Bí thư Tỉnh ủy gặp gỡ, trao đổi với Bí thư cấp ủy huyện và tương đương về công tác báo chí năm 2019
Dấu ấn năm tháng hào hùng
Từ khi mới ra đời, Đảng ta xác định công tác tuyên huấn (TH) là một trong những công tác đặc biệt quan trọng. Tại tỉnh Sa Đéc (nay là tỉnh Đồng Tháp), ngay sau khi các Chi bộ An Nam Cộng sản Đảng ra đời (11/1929) đã luôn coi trọng công tác tư tưởng, chính trị, trong đó công tác tuyên truyền, giáo dục lòng yêu nước, lý tưởng cộng sản được đặt lên hàng đầu. Từ năm 1930, công tác TH của Đảng bộ tỉnh Sa Đéc (Đồng Tháp) đã trải qua nhiều giai đoạn với những nhiệm vụ chính trị khác nhau, từ công tác tuyên truyền, giáo dục tư tưởng, chính trị trong thời kỳ vận động cách mạng đấu tranh giành chính quyền (1930 - 1945) đến công tác TH trong kháng chiến chống thực dân Pháp (1945 - 1954). Khoảng giữa năm 1947, Ban Tuyên huấn Tỉnh ủy Sa Đéc được thành lập, do đồng chí Nguyễn Tấn Hưng (bí danh Hồng Kỳ) - Tỉnh ủy viên làm Trưởng ban cùng 3 cán bộ. Ban Tuyên huấn Tỉnh ủy Sa Đéc tập trung tuyên truyền vận động các tầng lớp Nhân dân đoàn kết, quyết tâm, sát cánh bên Đảng; góp sức người, sức của cùng với Nhân dân cả nước làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ lừng lẫy năm châu chấn động địa cầu, kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược.
Họp mặt truyền thống Ban Tuyên huấn thời kháng chiến (Ảnh tư liệu do Ban Tuyên giáo cung cấp)
Những năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước giai đoạn 1954 – 1975, công tác TH giữ vai trò rất quan trọng trong mũi đấu tranh chính trị, đã tuyên truyền, giáo dục, giác ngộ cách mạng cho quần chúng đấu tranh chống lại âm mưu, thủ đoạn “tâm lý chiến” của kẻ thù, góp phần làm thất bại các chiến lược chiến tranh của Mỹ - Ngụy giải phóng hoàn toàn miền Nam thống nhất đất nước vào ngày 30/4/1975. Đồng chí Võ Hồng Nhân – nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Phó Trưởng Ban Tư tưởng - Văn hóa Trung ương, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp đúc kết: “Công tác TG là của toàn Đảng, cả hệ thống chính trị. Vì vậy, điều quan trọng nhất là đội ngũ này phải nắm vững chủ nghĩa Mác – Lê nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, có tình yêu thiết tha với độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Người cán bộ TG không chỉ nói được mà còn phải làm được, gương mẫu đi trước. Thời chiến tranh, ngành TG ngoài tham mưu cấp ủy ban hành chủ trương, đường lối, còn trực tiếp tham gia cùng các lực lượng tác chiến với quân địch. Do đó có thể khẳng định, trong từng giai đoạn, thắng lợi của cách mạng có đóng góp không nhỏ của những người làm công tác TG nói riêng và toàn ngành TG nói chung...”. Kết thúc cuộc kháng chiến chống Mỹ có trên 70 đồng chí của Ban Tuyên huấn tỉnh là liệt sĩ, thương binh và bị địch bắt tù đày. Máu xương và sự cống hiến của các đồng chí góp phần làm rạng rỡ hơn truyền thống anh dũng, kiên cường của Ban Tuyên huấn tỉnh Đồng Tháp.
Đồng chí Nguyễn Đắc Hiền – nguyên Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, nguyên Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy kể: “Thời kỳ chiến tranh, công tác TH (nay là TG) bao trùm nhiều ngành chuyên môn. Ngoài công tác tuyên truyền, huấn học, ngành TH còn có các cơ quan thông tấn báo chí, văn hóa văn nghệ, văn công, nhà in... Khi đó, cán bộ tuyên truyền, cán bộ huấn học, đội tuyên truyền xung kích hoặc cán bộ phong trào giáo dục, văn công... luôn bám sát địa bàn các ấp, xã để hoạt động, gắn bó cùng với người dân. Nơi ở là những căn hầm bí mật được đào để chống địch càn quét, ngoài ra cùng tham gia với lực lượng du kích tìm mọi cách gặp dân để tuyên truyền, lắng nghe ý kiến người dân. Những ngày tháng sống cùng người dân đã nắm bắt kịp thời, sâu sát tình hình thực tế tại cơ sở, thực hiện tốt công tác tham mưu cho cấp ủy và tiếp tục tham gia cùng các lực lượng tác chiến...”.
Từ năm 1975, công tác TH tỉnh Đồng Tháp tiếp tục được tăng cường với vai trò, nhiệm vụ bám sát đường lối cách mạng trong tình hình mới. Năm 1987, Tỉnh ủy Đồng Tháp quyết định sát nhập Ban Khoa giáo, Ban Nghiên cứu Lịch sử Đảng và Ban Tuyên huấn thành Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy. Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy với nhiệm vụ tập trung triển khai các chỉ thị, nghị quyết của Trung ương và địa phương kịp thời, nhanh chóng và sâu rộng; vận động các tầng lớp Nhân dân vượt qua khó khăn, thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước.
Đồng chí Kiều Thế Lâm – Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy (đứng) phát biểu chỉ đạo tại hội nghị giao ban báo chí
Vững tin tiếp bước
Đúc kết, kế thừa truyền thống vẻ vang của thế hệ cán bộ TG (Tuyên huấn) đi trước, ngành TG tỉnh Đồng Tháp tin tưởng tuyệt đối vào sự lãnh đạo của Đảng; kiên định mục tiêu, độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội. Vận dụng sáng tạo chủ trương, đường lối của Đảng vào thực tiễn địa phương và đời sống Nhân dân. Đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức ngành TG tỉnh nhà phát huy tinh thần đoàn kết, thống nhất, giữ vững các nguyên tắc của Đảng, phấn đấu học tập, rèn luyện phẩm chất đạo đức, bản lĩnh chính trị, nâng cao năng lực tham mưu và kỹ năng làm việc để hoàn thành tốt nhiệm vụ.
Chủ động đổi mới, sáng tạo trong công tác tham mưu thực hiện các nhiệm vụ TG. Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đã tham mưu Ban Thường vụ Tỉnh ủy lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện có hiệu quả chủ trương “Bí thư, Phó Bí thư, Ủy viên Thường vụ cấp ủy gặp gỡ trực tiếp với Nhân dân” và chương trình “Chính quyền đối thoại với Nhân dân qua sóng phát thanh” với 105 kỳ, chương trình “Đồng hành cùng Nhân dân” trên sóng truyền hình với 24 kỳ/năm). Ban Tuyên giáo các cấp chủ động phối hợp và tham mưu cấp ủy cùng cấp kế hoạch, hướng dẫn học tập, quán triệt, tuyên truyền, sơ kết, tổng kết nhiều nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Trung ương, của Tỉnh ủy. Từ năm 2015 đến nay, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đã tổ chức 59 kỳ hội nghị báo cáo viên cấp tỉnh với hơn 40.000 lượt đại biểu tham dự; định hướng tuyên truyền và cung cấp tài liệu sinh hoạt chi bộ cho toàn Đảng bộ. Ngoài ra, còn phối hợp tổ chức hội nghị giao ban báo chí hằng tháng nhằm cung cấp thông tin, định hướng tuyên truyền đối với các cơ quan báo chí trong và ngoài tỉnh.
Đồng chí Lê Thị Kim Loan - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy cho biết: “Với vai trò là cơ quan tham mưu của Tỉnh ủy về công tác tư tưởng, chính trị, thời gian qua, ngành TG tỉnh nhà không ngừng đổi mới nội dung và phương thức hoạt động, nhất là nâng cao chất lượng tham mưu, chủ động phối hợp và tổ chức thực hiện nhiệm vụ phù hợp tình hình thực tiễn. Đặc biệt là đổi mới trong công tác học tập, quán triệt nghị quyết, chỉ thị của Đảng kịp thời và hiệu quả; chỉ đạo, định hướng công tác thông tin, tuyên truyền, nắm bắt dư luận xã hội giúp các cấp ủy lãnh đạo tốt công tác tư tưởng chính trị của Đảng và giải quyết kịp thời những bức xúc trong Nhân dân. Tích cực đấu tranh phản bác các thông tin sai trái trên internet và mạng xã hội. Việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh theo hướng thiết thực, cụ thể nhằm “nhân cái đẹp, dẹp cái xấu”, “lấy cái tích cực đẩy lùi tiêu cực” trong đời sống xã hội...”.
Đồng chí Nguyễn Tôn Hoàng – Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy (thứ 2 từ phải sang) biểu dương, khen thưởng tập thể, cá nhân tiêu biểu trong Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh
Thể hiện rõ sứ mệnh “đi trước” trên mặt trận tư tưởng - văn hóa, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy tiếp tục tham mưu thực hiện tốt Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị khóa XII “Về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” gắn với Nghị quyết Trung ương 4 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII “Về xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến” và “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Phối hợp thực hiện tốt công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới. Làm tốt hơn nữa công tác giáo dục tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống cho cán bộ, đảng viên, nhất là thế hệ trẻ. Đổi mới công tác thông tin, tuyên truyền, sớm đưa chủ trương, nghị quyết của Đảng đi vào cuộc sống, chung sức, đồng lòng xây dựng quê hương Đất Sen hồng ngày càng giàu đẹp.
C.P.