Giải pháp phòng, chống bạo lực học đường
Cập nhật ngày: 28/04/2019 05:37:06
ĐTO - Phòng, chống bạo lực học đường (BLHĐ) trong các cơ sở giáo dục là một trong những nhiệm vụ cấp thiết của ngành giáo dục và đào tạo (GD&ĐT). Đảm bảo an toàn cho học sinh (HS), Sở GD&ĐT đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc quán triệt toàn đội ngũ giáo viên (GV), HS, phụ huynh HS những nội dung trọng tâm chủ động phòng, ngừa BLHĐ từ cấp cơ sở.
Một số đơn vị lắp camera giám sát hoạt động trong khuôn viên trường
Thời gian qua, một số vụ BLHĐ xảy ra trên địa bàn tỉnh không chỉ ở thành thị mà còn ở nông thôn, nguyên nhân dẫn đến các vụ BLHĐ một phần bắt nguồn từ những hành vi xốc nổi, mâu thuẫn nhỏ trong cách cư xử hàng ngày, một số em HS thiếu sự quan tâm của gia đình, mê chơi game bạo lực, câu kết tạo nhóm, khi có bất hòa cùng tham gia đánh hội đồng hoặc cảnh cáo dằn mặt bạn học cùng lớp, cùng khối, cùng trường hoặc khác trường...
Những nạn nhân của tình trạng BLHĐ thường không dám báo với GV, chia sẻ với gia đình, bạn bè, âm thầm chịu đựng một mình, trong một thời gian dài, sống khép kín, thụ động với nỗi lo sợ thường trực mỗi khi đến trường, ảnh hưởng đến kết quả học tập.
Hiện nay, đa số HS có sử dụng điện thoại di động, truy cập Internet, tham gia mạng xã hội, tham gia các nhóm kín rất đông thành viên, khi tham gia vào các nhóm kín, các em thường đăng tải trạng thái, suy nghĩ trong nhóm kín. Chính vì vậy, GV, gia đình gặp rất nhiều khó khăn trong quản lý, ngăn chặn những hành vi xốc nổi của bản thân các em.
Trong công tác quản lý, mỗi năm học, Sở GD&ĐT quán triệt trong toàn ngành, đồng thời ban hành các hướng dẫn thực hiện chương trình hành động phòng, chống BLHĐ trong các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông, giáo dục thường xuyên theo từng giai đoạn với những việc cụ thể như đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền, phổ biến về phòng, chống BLHĐ, mối nguy hiểm, hậu quả, trách nhiệm phát hiện, thông báo, tố giác, ngăn ngừa hành vi BLHĐ trong các buổi chào cờ, sinh hoạt lớp, hoạt động ngoại khóa, trên website, báo, đài, chương trình phát thanh học đường. Xây dựng môi trường an toàn, lành mạnh, thân thiện trong cơ sở giáo dục, thực hiện hiệu quả bộ quy tắc ứng xử văn hóa. Nâng cao năng lực, phẩm chất đạo đức nghề nghiệp của cán bộ quản lý, nhà giáo, nhân viên các cơ sở giáo dục, cử cán bộ, giáo viên tham gia tập huấn nâng cao năng lực, phòng, chống BLHĐ trong cơ sở giáo dục...
Sở GD&ĐT giao các đơn vị trực thuộc, quản lý tùy theo thẩm quyền thực hiện công tác kiểm tra phát hiện, xử lý những vi phạm liên quan đến BLHĐ tại đơn vị. Chủ động thiết lập các kênh thông tin về BLHĐ như hộp thư góp ý, đường dây nóng, hệ thống camera giám sát, có sự theo dõi các nhóm đối tượng có nguy cơ BLHĐ, thiết lập kênh thông tin liên lạc giữa cơ sở giáo dục và gia đình người học để tăng cường phối hợp quản lý, xử lý các vấn đề liên quan. Lãnh đạo các cơ sở giáo dục chịu trách nhiệm trước cơ quan quản lý cấp trên khi để xảy ra các vụ BLHĐ.
Bên cạnh đó, Sở GD&ĐT cũng đã yêu cầu Phòng GD&ĐT, thủ trưởng các đơn vị trực thuộc có khảo sát, đánh giá phòng ngừa nguy cơ BLHĐ, chú ý đến những HS gặp phải những biến cố về gia đình, đề ra các giải pháp tình huống BLHĐ xâm nhập vào trường học. Các trường học phải có số điện thoại liên lạc với công an địa phương, cơ sở y tế gần nhất để kịp thời xử lý các tình huống khẩn cấp khi xảy ra BLHĐ.
C.PHƯƠNG