Cải tiến chương trình đào tạo nghề gắn với việc làm

Cập nhật ngày: 18/02/2020 09:42:13

ĐTO - Tạo điều kiện cho người lao động được học nghề, tìm việc làm, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH), các sở, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố đã nâng cao chất lượng đào tạo, cải tiến chương trình đào tạo nghề gắn với việc làm, đầu tư, trang bị cơ sở vật chất, trang thiết bị. Các đơn vị trường, cơ sở giáo dục nghề nghiệp, chính quyền địa phương phối hợp với doanh nghiệp đào tạo nghề, giới thiệu việc làm góp phần giảm thiểu tỷ lệ thất nghiệp, nâng cao thu nhập cho lao động, lao động nông thôn.


Phụ nữ nông thôn có thêm thu nhập sau khi học nghề tiểu thủ công nghiệp

Sở LĐ-TB&XH cùng các đơn vị trực thuộc Sở tiếp tục tuyên truyền qua các hội nghị, hội thảo, các tổ chức chính trị - xã hội, trên báo, đài, tờ rơi, các buổi hướng nghiệp, tư vấn... những chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác đào tạo nghề theo Quyết định số 1956/QĐ-TTg và Quyết định số 971/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, đặc biệt là các mô hình dạy nghề có hiệu quả. Tùy theo tình hình thực tế tại địa phương về nhu cầu học nghề, các huyện, thị xã, thành phố định kỳ hàng năm tham khảo nhu cầu đào tạo nghề của lao động trên địa bàn, thường xuyên rà soát lại nhu cầu học nghề, nhu cầu sử dụng lao động của các cơ sở sản xuất kinh doanh và doanh nghiệp có định hướng ngành, nghề hỗ trợ đào tạo cho phù hợp. Bên cạnh công tác đào tạo, các Phòng LĐ-TB&XH thực hiện rà soát, cập nhật tình hình giải quyết việc làm sau đào tạo, chủ động tìm hiểu, liên kết với các đơn vị sử dụng lao động trong quá trình đào tạo nhằm đảm bảo việc làm ổn định cho học viên sau khi hoàn thành khóa học.

Năm 2019, từ các nguồn đầu tư công, Sở LĐ-TB&XH đã tham mưu UBND tỉnh phân khai mua sắm theo quy định. Các chương trình giảng và dạy nghề được cập nhật bám sát thị trường lao động, nâng cao năng lực thực hành, ý thức, tác phong công nghiệp. Sở LĐ-TB&XH chủ trì, phối hợp các trường đại học, cao đẳng trong và ngoài tỉnh, các doanh nghiệp mời chuyên gia, cán bộ quản lý, nhà giáo có uy tín, kinh nghiệm tham gia Ban Chủ nhiệm, Tiểu ban xây dựng và Hội đồng thẩm định chỉnh sửa chương trình và giáo trình đào tạo trình độ trung cấp; đồng thời đặt hàng các trường đại học hoàn thiện và cải tiến đào tạo các nghề trình độ sơ cấp và đào tạo dưới 3 tháng. Chương trình, giáo trình sau chỉnh sửa phù hợp với điều kiện thực tế về cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ đào tạo đáp ứng được nhu cầu về chất lượng, tay nghề của các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh.

Tính đến tháng 1/2020, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trong tỉnh đã tuyển sinh đào tạo đạt 100,1% kế hoạch năm, gồm trình độ cao đẳng, trung cấp, sơ cấp và đào tạo dưới 3 tháng. Bao gồm cả 2 lĩnh vực đào tạo nghề nông nghiệp, đào tạo nghề phi nông nghiệp. Các đơn vị trường, cơ sở giáo dục nghề nghiệp liên kết đào tạo, có lộ trình trang bị đào tạo gắn với việc làm tạo điều kiện tốt cho lao động có việc làm, ổn định thu nhập. Đối với trình độ trung cấp, cao đẳng, sau khi tốt nghiệp ra trường, các đơn vị trường, cơ sở giáo dục nghề nghiệp sẽ thống kê tỷ lệ học sinh, sinh viên trung cấp, cao đẳng ra trường có việc làm đạt khoảng 80%. Để đạt được kết quả đó, hiện nay hầu hết các trường đều gắn kết với doanh nghiệp để làm cầu nối đáp ứng các nhu cầu sử dụng đào tạo của doanh nghiệp và việc làm của người học. Đơn vị đào tạo nghề duy trì mối quan hệ với các doanh nghiệp trong lĩnh vực phù hợp với các chuyên ngành đào tạo gửi giáo viên, đặc biệt là học sinh, sinh viên đi thực tế, thực tập tại doanh nghiệp; góp phần giải quyết đầu ra hiệu quả cho học sinh, sinh viên sau khi tốt nghiệp. Đối với lao động nông thôn, các lớp đào tạo nghề được mở theo nhu cầu thực tế tại địa phương như may mặc và tiểu thủ công nghiệp giúp lao động, tạo việc làm tại chỗ, gia công sản phẩm hoặc tự tìm kiếm việc làm nâng cao thu nhập cho gia đình.

Thời gian tới, Sở LĐ-TB&XH, các đơn vị liên quan tiếp tục theo dõi, hướng dẫn các cơ sở giáo dục nghề nghiệp tổ chức rà soát, chỉnh sửa, cập nhật chương trình, giáo trình đào tạo ở tất cả các trình độ. Thực hiện việc giảng dạy và đào tạo đối với các ngành, nghề trọng điểm được phê duyệt phù hợp với định hướng phát triển kinh tế - xã hội địa phương như: công nghệ ô tô, cắt gọt kim loại, công nghệ thực phẩm, công nghệ thông tin, kỹ thuật máy lạnh và điều hòa không khí, kỹ thuật xây dựng, điện công nghiệp, nuôi trồng thủy sản, chế biến và bảo quản thủy sản, bảo vệ thực vật, dịch vụ thú y, dược, điều dưỡng, nghiệp vụ bàn – buồng...

C.PHƯƠNG

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn