Vài cảm nhận nhỏ cho một tập thơ ăm ắp tình
Cập nhật ngày: 03/02/2016 11:56:36
“Tình đất Châu Thành” có thể xem như một tuyển tập thơ đầy đặn nhất viết về vùng đất Châu Thành từ khi Hội Văn học Nghệ thuật (VHNT) huyện được thành lập. Đầy đặn về số lượng tác giả cũng như số lượng tác phẩm có mặt trong tập thơ. Nhưng hơn cả chính là tâm huyết Hội VHNT huyện Châu Thành trong việc “khơi dậy” và “truyền lửa” cho lực lượng sáng tác ở địa phương.
Đọc “Tình đất Châu Thành”, điều ghi nhận thứ nhất là tấm lòng của những “con người thơ” nơi đây dành cho mảnh đất Châu Thành với những cung bậc tình cảm dạt dào. Những Tân Bình, An Khánh, Tân Phú Trung, Cái Tàu, Nha Mân, An Hiệp, An Nhơn,... đi vào thơ nhẹ nhàng hệt như tình yêu của con người nơi đây luôn sẵn dành cho quê hương mình.
Đó là một Tân Phú “đang từng ngày thay đổi - Học trò xưa từng tốp đã trưởng thành - Mang kiến thức về đây xây quê mới - Cầu bê tông thay cầu khỉ gập ghềnh” (Về Tân Phú - Nguyễn Thị Thu Hương), là một An Khánh: An Khánh níu chân thơ/Vườn cây xanh/trĩu quả gọi mời/Mảnh đất xưa kia bom cày đạn xới/giờ vươn mình khoác áo mới tinh khôi/Nhiều con đường nhựa trải muôn nơi/Áo trắng tung bay/cái nhìn còn rớt lại/Những cánh đồng vàng mênh mông xa ngái (Về An Khánh - Nguyễn Thị Điệp). Đó còn là một Tân Bình thật thà, đôn hậu của Xuyến Lê Tân Bình ơi! Chiều nay em trở lại/Nón nghiêng vành cho nắng tắt bên sông/An Hòa Nhứt nhãn đến mùa khoe trái/Mà nhớ thương anh chưa phai dấu trong lòng.
Và có lẽ ngọt ngào hơn nữa khi nói về Châu Thành chính là nói về “những mùa huyền thoại đủ lừ đừ say” (Hữu Nhân) của các cô gái Nha Mân một thuở đã đi vào ca dao: Nha Mân buổi nhóm chợ tình/Tôi lan qua cuộc đời mình với em/Từ hôm nắng đổ bên thềm/Em đi góp lấy mùa giêng quê nhà/Dòng sông nặng chở thật thà/Gió trăng thôi cũng la đà cửa duyên/Nha Mân con gái tóc huyền/Tôi dần tan chảy một miền tâm tư... (Nợ người con gái Nha Mân - Nguyễn Hòa Hiệp). Nhưng ngọt ngào hơn cả là những câu thơ viết về nhãn Châu Thành. Đó là một Châu Thành đẹp như tranh vẽ trong thơ Nguyễn Giang San: Trưa buông hết nắng vào cây/Kết hương nhãn chín thơm bay khắp vườn/Bầy bươm bướm nhỏ lạc đường/Nghiêng nghiêng cánh một góc tường mùa thu. Một Châu Thành ray rức trong nỗi nhớ bâng quơ nhưng không sao quên được của Đỗ Ký lan tỏa trong những vườn nhãn rợp màu ước mơ về một cuộc sống đang sinh sôi, nảy nở: Lòng ta ngợp giữa yêu thương/Và thơ ta... cũng vãi vương cánh cò/Nhớ dòng sông nhớ bến đò/Nhớ hương vườn ướp mộng mơ tóc thề. Một Châu Thành luôn bịn rịn khách xa như muốn thể muốn níu chân người ở mãi với nơi này: Đêm em ngủ vẫn chập chờn hương nhãn/Trong giấc mơ, tơ tưởng bóng hình ai/Nhớ vị ngọt của rừng nhãn quế/Thương giọt mồ hôi chát mặn người trồng (Hương nhãn - Kim Quyên).
Thơ Châu Thành còn có một mảng đề tài khác cũng đầy tình cảm. Đó là những bài thơ viết về Bác Hồ như Thu của Nguyễn Quang Hòa, Bài ca tháng Tư của Trần Tấn Thảo, Ngôi sao xa của Đinh Thị Lệ,... Điều khiến cho người đọc phải lắng lòng mình lại khi đọc những câu thơ của Nguyễn Chơn Thuần viết về một người mẹ Việt Nam anh hùng ở An Khánh có 6 người con là liệt sĩ: Trời An Khánh, nắng ghé hiên nhà thăm má/Gió đồng khua ngỡ bước các con về/Sáu nén hương cháy bời bời nỗi nhớ/Từ năm Mậu Thân các con đi mãi không về/Xuồng qua xẻo nhỏ, mẹ đi tìm con/Quả pháo ác độc/Nắng trắng màu khăn tang/Bảy chung trà bốc khói/Kính mẹ/Mời các anh/Ngoài đồng, nắng chín vàng nỗi nhớ.
Đành rằng chiến tranh đã qua lâu rồi nhưng mọi người luôn nhắc nhớ một điều rằng nỗi hy sinh, mất mát để đổi lấy tự do cho Châu Thành nói riêng và cả dân tộc này nói chung vẫn còn nguyên vẹn đó. “Con về trong cõi anh linh - Ngồi bên cho mẹ ngắm hình dáng xưa - Mùa mưa mùa nắng nối mùa - Các con của mẹ vẫn mùa thanh xuân. (Lê Phước Hùng).
Đọc “Tình đất Châu Thành” là đọc những câu thơ thật sự được viết lên từ những tấm chân tình nên đôi lúc còn có bài, có đoạn dễ dãi về ngôn từ, về nghệ thuật. Đó là điều không thể tránh khỏi. Nhưng nói như nhà bác học Lê Quý Đôn thì: “Ba trăm bài thơ trong Kinh Thi, phần nhiều là của nông dân, phụ nữ làm ra, mà cũng có những bài mà văn sỹ đời sau không theo kịp được, như thế là vì nó chân thật”. Phải chăng, tình đất Châu Thành đã đến gần với nguyên lý của người làm thơ là “bất thành, bất năng động nhân” (không chân thành không thể xúc động lòng người). Đó mới là điều đáng trân trọng nhất khi đọc tập thơ này.
Hữu Nhân