Vẫn còn nhiều khó khăn đối với ngành học mầm non

Cập nhật ngày: 18/07/2012 07:57:10

Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng khó khăn của ngành học mầm non là thiếu cơ sở vật chất, sử dụng cơ sở vật chất cũ, một số điểm trường chưa có nhà vệ sinh riêng... Theo thống kê của Sở Giáo dục - Đào tạo (GD-ĐT), trong tổng số 1.666 phòng học của bậc học Mầm non hiện đang hoạt động thì có 477 phòng kiên cố, 587 phòng bán kiên cố, 183 phòng tạm, 419 phòng học nhờ; đặc biệt toàn tỉnh có 358 điểm trường chưa có nhà vệ sinh hoặc chưa đảm bảo đủ số lượng nhà vệ sinh.

Việc đầu tư xây dựng cơ sở vật chất ngành học mầm non được UBND tỉnh chia làm 2 giai đoạn: Giai đoạn từ năm 2011 đến năm 2012, giai đoạn năm 2013 đến năm 2015. Từ năm 2010 đến năm 2012, số trường mầm non trong tỉnh tăng từ 172 trường lên 182 trường( tăng 10 trường). 10 trường được xây mới có tổng số 65 phòng học, trong đó đã đưa vào sử dụng 7 phòng học, đang thi công 58 phòng, tổng kinh phí đầu tư 56.998 triệu đồng (ngân sách huyện, tỉnh). So với kế hoạch thì tỷ lệ phòng học xây dựng mới chỉ đạt 19,4%, phòng chức năng chỉ đạt 12,5%. Để từng bước đầu tư cho cấp học này, hiện tại ngành giáo dục đang chuẩn bị đầu tư 148 phòng học, hàng trăm phòng chức năng từ các nguồn vốn xổ số kiến thiết, Chương trình mục tiêu Quốc gia Kiên cố hóa trường học và các nhà tài trợ.

Theo Sở GD-ĐT, vướng mắc lớn nhất là vốn. Do thực hiện Nghị Quyết số 11/NQ-CP của Chính Phủ về những giải pháp chủ yếu tập trung kiềm chế lạm phát nên Chương trình kiên cố hóa trường học dự kiến giai đoạn 2013-2015 của Bộ GD-ĐT tạm dừng. Trong khi đó phần lớn số lượng phòng học xây dựng thuộc kế hoạch phát triển giáo dục mầm non, đặc biệt là trẻ 5 tuổi nằm trong chương trình này. Nguồn vốn đối ứng, hỗ trợ thực hiện Chương trình kiên cố hóa trường, lớp học giai đoạn 2008-2012 khi hỗ trợ về huyện gặp khó khăn.

Để giải quyết những vướng mắc của ngành học mầm non, Sở GD-ĐT đã đề ra các giải pháp từ nay đến năm 2015 là tập trung đầu tư cho ngành học mầm non thông qua Chương trình kiên cố hóa trường, lớp học và nhà công vụ giáo viên, lồng ghép với các chương trình mục tiêu quốc gia giáo dục và các nguồn kinh phí khác; xây dựng cơ sở vật chất các trường mầm non công lập theo hướng kiên cố hóa, chuẩn hóa, hiện đại hóa; ưu tiên thành lập và xây dựng mới các cơ sở giáo dục mầm non công lập ở vùng nông thôn, các xã đặc biệt khó khăn, các xã miền biên giới, vùng sâu, vùng xa và các xã, phường có mức sống thấp của thành phố, thị xã trong tỉnh, xây dựng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý ngành học mầm non đủ về số lượng, đảm bảo về năng lực.

Phối hợp cùng Sở Nội vụ và UBND các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh giải quyết dứt điểm các tồn tại trong tuyển dụng, đãi ngộ đối với đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục mầm non; khuyến khích các tổ chức, cá nhân có điều kiện tham gia đa đạng hóa loại hình trường lớp mầm non, huy động sự đóng góp từ các tổ chức, đoàn thể và các nhà hảo tâm để tăng cường cơ sở vật chất, đồ dùng đồ chơi cho các trường, lớp mầm non trong tỉnh.

Trước mắt ngành giáo dục sẽ tập trung lồng ghép sử dụng các nguồn vốn, đặc biệt là nguồn vốn xổ số kiến thiết để xây dựng 444 phòng học và 28.460m2 diện tích khu chức năng; cố gắng xây dựng ít nhất một trường mầm non trọng điểm của tỉnh tại thị xã SaĐéc với quy mô hiện đại để tạo điểm nhấn cho ngành học mầm non; giao UBND huyện, thị, thành phố tiếp tục công tác đền bù, đầu tư xây dựng nhà vệ sinh, mua sắm trang thiết bị dạy học theo quy định của Bộ GD-ĐT.

C.P

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn