THÁP MƯỜI

Giảm thiểu tình trạng ô nhiễm môi trường trong sản xuất nông nghiệp và chăn nuôi

Cập nhật ngày: 01/01/2019 05:40:02

ĐTO - Giảm thiểu tình trạng ô nhiễm môi trường trong sản xuất nông nghiệp, chăn nuôi, UBND huyện Tháp Mười, các phòng chuyên môn, hội đoàn thể đã tuyên truyền, vận động, tăng cường kiểm tra, khuyến khích người dân sử dụng các biện pháp bảo vệ môi trường.


Nông dân phun xịt thuốc bảo vệ thực vật trên đồng

Cùng với quá trình phát triển kinh tế, ở huyện Tháp Mười một số người dân sản xuất nông nghiệp, chăn nuôi vẫn còn mang tính tự phát, hệ thống xử lý chất thải chưa đúng quy định ảnh hưởng đến môi trường. Toàn huyện Tháp Mười có 38.500ha đất trồng lúa, hoa màu; diện tích cây ăn trái khoảng 3.000ha.

Mỗi năm, ước tính lượng thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) được sử dụng gần 350 tấn, việc lạm dụng thuốc BVTV để tăng năng suất lúa, không hợp về chủng loại, liều lượng, thời gian dẫn đến đất bị thoái hóa. Nước từ đồng ruộng được thải trực tiếp ra kênh, ra sông ảnh hưởng đến sức khỏe, sinh hoạt của người dân.

Ông Lê Văn M. ngụ ấp 6B, xã Trường Xuân, huyện Tháp Mười cho biết: “Xung quanh đây bà con đều trồng lúa, có thời điểm nước trong ruộng xả ra sông, khi tắm da bị ngứa, ửng đỏ. Đa số người dân ở đây đều dùng nước mưa trữ lại để xài, vì không dám xài nước dưới kênh...”. Ngoài việc xả nước thải đồng ruộng ra sông, rạch, người dân chưa duy trì thói quen thu gom bao bì, vỏ thuốc BVTV. Sau khi mở bao bì thuốc BVTV, phun, xịt, bỏ vương vãi trên lối đi, mương, ao. Việc thu gom tập trung tiêu hủy vẫn chưa phổ biến, một số nơi được thu gom tiêu hủy chung với rác thải sinh hoạt. Mỗi năm, có khoảng 40 tấn vỏ bao bì thuốc BVTV sau khi sử dụng thải ra môi trường; mặt khác, đa số sau mùa vụ, người dân vẫn còn thói quen đốt rơm rạ ngoài đồng.

Những năm gần đây, người dân tại các xã: Láng Biển, Trường Xuân, Hưng Thạnh phát triển nghề nuôi cá sặc rằn; xã như Mỹ An, Đốc Binh Kiều, Mỹ Đông phát triển nghề nuôi ếch. Do nuôi manh mún, nhỏ lẻ nên đa số không có hệ thống xử lý nước thải, chất thải gây ô nhiễm từ ao nuôi chưa được xử lý triệt để trước khi thải ra ngoài. Một số xã Mỹ Đông, Mỹ Hòa, Mỹ Quý có mô hình nuôi vịt rọ với phương thức chăn nuôi truyền thống, xen lẫn trong khu dân cư, tiềm ẩn nguy cơ ảnh hưởng đến môi trường.

Đảm bảo sự phát triển kinh tế gắn với giảm thiểu ô nhiễm môi trường, từ năm 2014, huyện Tháp Mười đã chi ngân sách sự nghiệp môi trường theo lộ trình tăng mỗi năm. Nguồn kinh phí được chi cho công tác vận động, tuyên truyền tác động đến người dân; hỗ trợ thu gom, vận chuyển rác thải, hiện có 1.000 thùng chứa rác được trang bị cho các khu vực có tổ chức thu gom, vận chuyển. Công tác tuyên truyền được tập trung tại các khu vực đông dân cư, nông thôn; củng cố, duy trì, nhân rộng các mô hình “5 không, 3 sạch”, đoạn đường kiểu mẫu, tuyến đường xanh – sạch – đẹp – an toàn, hướng dẫn người dân thu gom, xử lý chất thải trong chăn nuôi, tự xử lý rác thải sinh hoạt tại gia đình. Hội Liên hiệp Phụ nữ, Huyện đoàn, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc huyện tổ chức các đợt ra quân, vệ sinh môi trường, xóa điểm đen về ô nhiễm môi trường... Ngành chức năng huyện phối hợp cùng thanh tra Sở Tài nguyên và Môi trường kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, khu nuôi trồng thủy sản, chăn nuôi gia súc; vận động, nhắc nhở người dân chấp hành tốt các quy định.

Lợi nhuận mang lại từ sản xuất nông nghiệp, chăn nuôi tạo động lực để người dân mở rộng diện tích, nếu việc xử lý nước thải kém sẽ tác động xấu đến môi trường. Hiện nay, UBND huyện, các ngành liên quan khuyến khích, vận động cơ sở, hộ chăn nuôi áp dụng các kỹ thuật tiên tiến, giảm liều lượng sử dụng thuốc BVTV, ứng dụng công nghệ xử lý chất thải trong chăn nuôi, hướng dẫn người dân áp dụng biện pháp an toàn sinh học. Các dự án nông nghiệp, chăn nuôi trong quá trình xét, duyệt phải có báo cáo đánh giá tác động đến môi trường. Đối với các trường hợp chăn nuôi thủy sản, phải đầu tư hệ thống xử lý nước thải theo quy định, kiên quyết xử lý các trường hợp vi phạm, gây tác hại xấu đến môi trường.

C.Phương

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn