Hiệu quả từ cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”

Cập nhật ngày: 15/10/2012 08:42:31

Sau 3 năm triển khai thực hiện, Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đã thật sự tạo được sức lan tỏa trong dân, góp phần thay đổi nếp nghĩ của hầu hết người dân về hàng Việt, qua đó tác động mạnh đến sức tiêu thụ hàng hóa tại thị trường nội địa.


Các phiên chợ hàng Việt về nông thôn là kênh phân phối chính
đưa sản phẩm nội địa đến tay người tiêu dùng

Hưởng ứng và thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” do Bộ Chính trị phát động, tỉnh Đồng Tháp thành lập Ban Chỉ đạo Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” tỉnh (gọi tắt là BCĐ 275 tỉnh) và Ban chỉ đạo các cấp huyện, cơ sở (xã, thị trấn). Cuộc vận động được triển khai thực hiện với nhiều hình thức như phối hợp với Trung tâm văn hóa các huyện, thị, thành xây dựng tiểu phẩm/sân khấu, chủ đề “Người Việt dùng hàng Việt” biểu diễn phục vụ nhân dân; tổ chức “Ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc” ở khu dân cư; Đài Phát thanh truyền hình Đồng Tháp thực hiện chuyên mục “Người Việt - Hàng Việt” phát sóng mỗi tuần 3 kỳ nhằm tuyên truyền, quảng bá sản phẩm hàng hóa chất lượng cao được sản xuất trong nước và địa phương đến người dân.

Ngoài ra, Ban Chỉ đạo cuộc vận động từ tỉnh đến huyện, cơ sở cũng đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tính đến nay đã tổ chức tuyên truyền cho các ban, ngành, đoàn thể, đoàn viên, hội viên, cán bộ, công chức, quần chúng nhân dân trên địa bàn tỉnh 11.376 buổi, với 644.218 lượt người dự.

Thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, trong 3 năm qua, Sở Công thương đã tổ chức nhiều hoạt động thiết thực. Cụ thể như Chương trình “Khuyến mại và tiêu dùng hàng Việt Nam”; “Hàng Việt về nông thôn” nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp tham gia các hoạt động đưa hàng Việt về nông thôn. Từ năm 2009 đến nay, Sở Công thương phối hợp với Trung tâm Xúc tiến thương mại và Đầu tư tỉnh, Trung tâm nghiên cứu Kinh doanh và hỗ trợ Doanh nghiệp (BSA) và 10 huyện, thị, thành trong tỉnh tổ chức thực hiện 11 đợt đưa hàng Việt về nông thôn với 470 doanh nghiệp tham gia, đạt doanh thu gần 11 tỷ đồng, thu hút 163.474 lượt người tham quan mua sắm. Ngoài ra, hội chợ nông sản - sản phẩm làng nghề miền Nam tổ chức vào ngày 8/2010, với sự tham gia của 155 doanh nghiệp đến từ 19 tỉnh, thành trong nước cũng đã thu hút sự tham quan, mua sắm của trên 100 ngàn lượt người...

Bên cạnh các hoạt động nhằm vận động người tiêu dùng ưu tiên dùng hàng Việt, BCĐ 275 tỉnh đã triển khai nhiều chương trình, hoạt động như: đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hỗ trợ doanh nghiệp khảo sát thị trường, quảng bá, tiêu thụ sản phẩm, tổ chức hội chợ triển lãm, xúc tiến thương mại... Qua đó, quảng bá được các sản phẩm hàng Việt Nam đến với người tiêu dùng.

Theo BCĐ 275 tỉnh, việc triển khai thực hiện cuộc vận động trong 3 năm qua đã đạt được những kết quả đáng khích lệ. Trong đó tạo bước chuyển biến về nhận thức trong hệ thống chính trị, CBCNVC và các tầng lớp nhân dân ý thức về sự quan tâm, ưu tiên sử dụng hàng hóa sản xuất trong nước. Một số doanh nghiệp, nhà sản xuất quan tâm hơn đến việc xây dựng mạng lưới bán lẻ, đưa hàng Việt về nông thôn; cải tiến mẫu mã, nâng cao chất lượng hàng hóa, hạ giá thành để thâm nhập thị trường, nhất là thị trường nông thôn, tạo được sự chú ý và tác động đến xu hướng sử dụng hàng Việt của người dân ngày càng nhiều.

Cụ thể, hiện nay ngày càng nhiều sản phẩm hàng trong nước và nhiều sản phẩm đặc trưng của tỉnh đã được bày bán rộng rãi tại các siêu thị, cửa hàng bán lẻ, cửa hàng bách hóa. Nổi bật, tại huyện Tam Nông, Tháp Mười còn thành lập CLB “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” để quảng bá rộng rãi hàng Việt đến người dân nông thôn...

Bên cạnh kết quả đạt được, cuộc vận động vẫn gặp một số khó khăn, hạn chế. Trong đó, đáng chú ý là việc phối hợp giữa một số ngành và các huyện, thị, thành chưa được thường xuyên liên tục dẫn đến việc tiếp cận hàng Việt của người dân còn hạn chế; việc hỗ trợ phát triển mạng lưới phân phối chưa được quan tâm và tích cực triển khai; tình trạng hàng kém chất lượng, hàng giả, hàng gian lận thương mại vẫn còn xuất hiện trên thị trường... gây thiệt hại cho người tiêu dùng.

Nhằm tiếp tục thực hiện có kết quả cuộc vận động những tháng cuối năm 2012 và những năm tiếp theo, BCĐ 275 tỉnh yêu cầu các Ban vận động huyện, thị xã, thành phố kiện toàn tổ chức, nâng cao trách nhiệm trong việc tuyên truyền, vận động để người tiêu dùng ưu tiên dùng hàng Việt tại địa bàn. Đối với các doanh nghiệp tham gia, cần đổi mới mẫu mã hàng hóa đáp ứng nhu cầu thị trường nhằm tạo lòng tin đối với người tiêu dùng.

Mỹ Nhân

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn