Xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân; đưa kinh tế - xã hội phát triển nhanh và bền vững; nâng cao chất lượng sống của Nhân dân; bảo đảm vững chắc quốc phòng, an ninh

Cập nhật ngày: 05/08/2020 06:08:10

(Dự thảo Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Đảng bộ Tỉnh khóa X trình Đại hội đại biểu Đảng bộ Tỉnh lần thứ XI)

(Tiếp theo)

2. Nâng cao hình ảnh địa phương, xây dựng môi trường văn hoá, phát triển con người toàn diện

Nâng cao hình ảnh Đồng Tháp thông qua đẩy mạnh việc giới thiệu, khai thác, phát huy các giá trị, hình ảnh tích cực, bản sắc văn hoá đặc trưng của địa phương. Xây dựng chính quyền thân thiện, cầu thị, minh bạch, phục vụ nhân dân, luôn đồng hành cùng với các doanh nghiệp, với mục tiêu “lấy sự hài lòng của doanh nghiệp và người dân làm thước đo mức độ hoàn thành của mỗi cán bộ, công chức, viên chức”. Thực hiện có hiệu quả các chương trình nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và tiềm năng lao động. Tiếp tục cải cách, cải thiện chất lượng điều hành kinh tế, duy trì vị trí trong nhóm dẫn đầu cả nước về chỉ số năng lực cạnh tranh cấp Tỉnh (PCI).

Xây dựng tỉnh Đồng Tháp phát triển bền vững về nông nghiệp công nghệ cao, sản xuất sạch, an toàn. Kiến tạo môi trường đầu tư hấp dẫn, an toàn, thu hút các dự án khởi nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp, du lịch. Tạo dựng hình ảnh cộng đồng doanh nghiệp Đồng Tháp năng động, sáng tạo, có văn hoá, có tinh thần liên kết trong sản xuất và trách nhiệm với xã hội.

Bảo tồn, phát huy các giá trị văn hoá truyền thống, mang nét đặc trưng, khích lệ sáng tạo các giá trị văn hoá phù hợp, làm giàu thêm nét đẹp văn hoá địa phương. Khai thác, giới thiệu, quảng bá các giá trị, tài nguyên địa phương mang tính đặc thù, trên cơ sở tôn trọng, gìn giữ những đặc trưng tự nhiên, văn hoá riêng biệt, tạo nên điểm nhấn nổi bật, làm cơ sở để phát triển kinh tế.

Xây dựng môi trường văn hoá để con người phát triển toàn diện. Nâng cao nhận thức toàn xã hội về vị trí, vai trò của văn hoá đối với phát triển kinh tế - xã hội; thực hiện cân bằng nhiệm vụ phát triển văn hoá ngang tầm với phát triển kinh tế; chú trọng thay đổi nhận thức trong văn hoá lãnh đạo, văn hoá quản lý, văn hoá doanh nghiệp, doanh nhân, đặc biệt đổi mới tư duy, phương thức đầu tư cho phát triển văn hoá và chăm lo đào tạo đối với đội ngũ lãnh đạo, quản lý, tham mưu am hiểu về lĩnh vực này.

Khuyến khích sáng tạo trong sáng tác, quảng bá các tác phẩm văn học - nghệ thuật có giá trị tư tưởng, nghệ thuật cao gắn với lịch sử, thực tiễn và tương lai; quan tâm, khích lệ, tri ân, có chế độ chính sách phù hợp với những tác giả, tác phẩm đã đóng góp cho quê hương và có tác động tích cực ảnh hưởng đến xây dựng nhân cách, bồi đắp tâm hồn con người, đáp ứng nhu cầu đời sống văn hoá của nhân dân.

Phát triển hệ thống truyền thông theo quy hoạch; quản lý, phát triển báo chí hoạt động đúng tôn chỉ, mục đích, phục vụ mục tiêu xây dựng, bảo vệ và phát triển của Tỉnh. Đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước gắn với thực hiện tốt cuộc vận động toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá ở cơ sở, xây dựng văn minh đô thị, xây dựng nông thôn mới. Tăng cường hoạt động văn hoá đối ngoại và coi trọng ngoại giao văn hoá để quảng bá, giới thiệu hình ảnh tỉnh Đồng Tháp với cộng đồng quốc tế.

Phát triển và nâng cao chất lượng các phong trào thể dục, thể thao nâng cao thể trạng của người dân gắn với việc chú trọng đầu tư phát triển thể dục - thể thao học đường. Thực hiện đầu tư, xây dựng cơ sở luyện tập thể dục, thể thao, khu vui chơi, giải trí cho nhân dân (ở ấp, xã…); đẩy mạnh xã hội hoá các hoạt động thể dục, thể thao gắn với đổi mới quản lý, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước. Phát huy hiệu quả, vai trò các liên đoàn, các hội thể dục, thể thao. Tăng cường hợp tác quốc tế đối với lĩnh vực này.

(còn tiếp)

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn



Tin cùng chuyên mục
Các tin khác